ASEAN 2020: Thúc đẩy hợp tác ASEAN trong phòng, chống dịch COVID-19
(BDO)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Ngày 14/4, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 diễn ra dưới hình thức họp trực tuyến. Các Hội nghị sẽ do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch ASEAN+3 chủ trì.
Tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng, chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.
Trong ngày 14/4, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN diễn ra từ 8 giờ đến 10 giờ và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 diễn ra từ 14 giờ đến 16 giờ. Dự kiến, các Nhà Lãnh đạo sẽ thông qua hai văn kiện quan trọng là Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19. Qua đó, khẳng định cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN và các nước ASEAN+3 trong ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ của dịch bệnh đe dọa cuộc sống người dân, ổn định tình hình kinh tế - xã hội các quốc gia thành viên.
Trong bài viết "Hợp tác ASEAN đẩy lùi COVID-19: Đoàn kết là sức mạnh!," Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, những trao đổi và kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, ASEAN và các đối tác cần tập trung vào một số hướng giải pháp sau trong ứng phó, đẩy lùi dịch COVID-19 như: Thứ nhất, khẩn trương huy động các nguồn lực chung, đặc biệt là các kho vật tư y tế dự phòng chung của khu vực để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp; lập quỹ hợp tác ứng phó đại dịch COVID-19 trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới.
Thứ hai, chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, hành động, tập trung vào xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh; trước mắt là tổ chức diễn tập trực tuyến giữa các nước về ứng phó dịch bệnh.
Thứ ba, chống dịch cần đi đôi với chống suy thoái kinh tế, bất ổn xã hội. Trong đó, người dân cần được đặt vào vị trí trung tâm; không để một quốc gia nào đơn lẻ trong cuộc chiến chống dịch và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư, xây dựng chiến lược về kết thúc dịch ở từng quốc gia, có sự phối hợp ở cấp độ khu vực, nhằm vừa nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa sớm đưa đời sống kinh tế-xã hội của các quốc gia trở lại quỹ đạo bình thường, ổn định.
Thứ năm, cùng nhau chia sẻ, kiên trì thực hiện các giá trị chung về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, không để các chuỗi cung ứng bị đứt quãng; sớm bình thường hóa các hoạt động giao thương, lưu chuyển xuyên biên giới khi đã kiểm soát được dịch…nhằm tận dụng mọi động lực để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bao trùm và bền vững trong toàn khu vực./.
Theo TTXVN