Áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa lớn ở các tỉnh miền trung
(BDO)
Mưa lớn, triều cường đã làm sạt lở khoảng 40 m2 mặt kè âu thuyền Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: TIẾN DŨNG
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) tính đến 17 giờ ngày 16-10, mưa, lũ, sạt lở ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên làm 57 người chết, bảy người mất tích.
Ngoài ra, mưa, lũ cũng làm 649 nhà dân bị sập đổ, hư hỏng; 168 điểm quốc lộ, 33.639 m đường giao thông ở các địa phương bị sạt lở, hư hỏng; 900 ha lúa, 5.514 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp và 3.978 ha thủy sản bị thiệt hại; 445.708 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, chiều 16-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên vùng biển các tỉnh từ Ðà Nẵng đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, ATNÐ suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Ðến chiều 17-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
* Ngày 16-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT tổ chức họp bàn các phương án ứng phó với ATNÐ, mưa, lũ và đặc biệt là vận hành liên hồ chứa. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho rằng, tâm điểm gây mưa lớn sắp tới ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ trong hoàn cảnh các hồ đang đầy nước, dấu hiệu mưa chưa giảm nên không được chủ quan. Các địa phương cần đặc biệt lưu ý những hồ chứa đang sửa chữa, xuống cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sự cố để xử lý kịp thời; hướng dẫn người dân chủ động bảo đảm an toàn, tránh tâm lý chủ quan; tiếp tục tìm kiếm người mất tích; cứu trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói; vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất...
* Ngày 16-10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 họp đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (CHCN) và bàn phương án tìm kiếm các công nhân đang mất tích tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Hiện lực lượng tiền trạm đã tiếp cận được khu vực này nhằm khảo sát hiện trường, giúp cho Sở Chỉ huy tiền phương có phương án tổ chức CHCN khi đường thông tuyến. Trước đó, lực lượng do Công an tỉnh đã tiếp cận bằng đường thủy vào Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 để vận chuyển hàng hóa cứu trợ; đưa được 24 người và một người bị chết ra khỏi hiện trường. Trưa 16-10, lực lượng cứu hộ theo đường sông lên Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4, sau đó qua Rào Trăng 3 đã phát hiện thêm một thi thể công nhân gặp nạn tại điểm sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3. Ðây là thi thể thứ hai trong tổng số 17 công nhân gặp nạn, mất tích. Hiện lực lượng CHCN đang tiếp tục khoanh vùng, đánh dấu vị trí phục vụ công tác tìm kiếm 15 công nhân mất tích còn lại.
* Từ ngày 18 đến 20-10, khu vực ven biển Trung Bộ (từ Ðà Nẵng đến Khánh Hòa) sẽ xuất hiện đợt triều cường ở mức cao. Ngoài ra, gió mùa đông bắc hoạt động mạnh và lấn sâu xuống Trung Bộ gây sóng lớn cao từ 2 đến 3 m. Cảnh báo, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với sóng lớn sẽ gây nguy cơ sạt lở bờ biển ở một số khu vực ven biển Trung Bộ, trọng tâm là các khu vực: Cửa Ðại, TP Hội An (Quảng Nam), Tam Quan và Quy Nhơn (Bình Ðịnh), Sông Cầu, Tuy An, Ðà Diễn
(Phú Yên).
* Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ nối với ATNÐ nên từ nay đến ngày 21-10 ở Trung Bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ nay đến ngày 21-10 ở nam Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ phổ biến từ 400 đến 700 mm, có nơi hơn 800 mm; ở bắc Nghệ An, Thừa Thiên Huế phổ biến từ 400 đến 500 mm, có nơi hơn 500 mm; ở Ðà Nẵng, Quảng Nam phổ biến từ 300 đến 400 mm, có nơi hơn 450 mm.
* Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 16-10, hai học sinh ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) khi đi qua ngầm sông Lạng thuộc xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã trượt chân và bị nước lũ cuốn trôi. Ðến gần 12 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể hai em cách vị trí gặp nạn khoảng 2 km về phía hạ lưu sông Lạng.
* Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện tại ở khu vực phía bắc có 2.543 hồ thủy lợi, trong đó 19 hồ có cửa van điều tiết. Hiện tại, cơ bản các hồ đã đầy nước, còn số ít hồ đang ở mức thấp. Khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, có 47 hồ chứa có cửa van điều tiết, còn lại tràn tự do. Có 55 hồ bị hư hỏng nếu gặp mưa lớn khoảng 200 đến 300 mm, dễ xảy ra sự cố.
* Tổng công ty Ðiện lực miền trung (EVNCPC) cho biết, đến chiều 16-10 có thêm 1.847 khách hàng hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế được cấp điện trở lại. Hiện còn 58 trạm biến áp với 4.412 khách hàng ba tỉnh vẫn còn chưa được cấp điện. Nguyên nhân chủ yếu là do tìnhhình ngập nước nên chưa bảo đảm yếu tố an toàn để các đơn vị điện lực đóng điện trở lại cho nhân dân.
* Ngày 16-10, do ảnh hưởng thời tiết xấu, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã phải hủy 16 chuyến ở các đường bay Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Vinh và TP Hồ Chí Minh đi Huế. Hành khách được sắp xếp trên các chuyến bay thường lệ, bay bù trong ngày 17-10.
* Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, ngày 16-10 trên địa bàn có mưa to khiến lũ trên các sông, suối khu vực biên giới dâng cao, làm cô lập nhiều khu vực. Ðồn Biên phòng Làng Mô, ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh điều động 20 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi nơi có nguy cơ lũ lụt sâu và sạt lở. Tại khu vực biên giới huyện Minh Hóa, nước ở ngầm Ka Ai dâng cao hơn một mét chia cắt bản Ka Ai với 41 hộ.
* Những ngày qua, mưa lớn khiến 4.490 ha lúa ở Nam Ðịnh bị ảnh hưởng, trong đó 870 ha lúa bị đổ, 125 ha lúa bị ngập úng, 150 ha rau màu bị thiệt hại hơn 70%. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nhân dân khơi thông dòng chảy, thu hoạch diện tích lúa đã chín.
* Mưa lớn liên tục trong những ngày qua khiến gần 200 ha lúa ở TP Hải Phòng bị đổ và nhiều ha rau màu bị ngập. Hiện nay, nhân dân các địa phương đang tập trung khôi phục những diện tích bị ảnh hưởng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
* Những ngày qua, mưa lớn làm ngập úng, ngã đổ hơn 300 ha cây trồng ở các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thường Xuân tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Mưa lớn làm sạt lở đất ảnh hưởng đến một nhà dân, gây ngập lụt 68 nhà dân. Hiện nay, các địa phương đang cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân khôi phục diện tích bị ảnh hưởng.
* Trong hai ngày 15 và 16-10, mưa to, triều cường kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt, sạt lở một số nơi trên địa bàn Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ở âu thuyền Thạch Kim, mưa lớn, triều cường đã làm sạt lở khoảng 40 m2 mặt kè. Triều cường, sóng lớn đang uy hiếp đoạn đê biển dài 200 m ở thôn Yên Ðiềm, xã Thịnh Lộc.
* Ngày 16-10, mưa lớn làm ngập rất nhiều khu vực ở thành phố Ðông Hà và các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị). Mưa lớn cũng chia cắt tại các ngầm tràn ở hai huyện miền núi ÐaKrông, Hướng Hóa.
* Mưa lớn kéo dài những ngày qua, khiến 500 ha lúa ở tỉnh Hậu Giang bị ngã, đổ thiệt hại từ 10 đến 50% năng suất. Tỉnh đang yêu cầu ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa kịp thời, hạn chế thiệt hại. Tại tỉnh Kiên Giang, mưa lớn, dông lốc, sóng to làm hơn 1.330 ha lúa hè thu ở các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Kiên Lương bị ngập, đổ ngã; một số nhà dân ở đảo Phú Quốc và huyện U Minh Thượng bị hư hại nặng; tuyến đê biển ở huyện An Minh tiếp tục bị sạt lở ở 14 đoạn với tổng chiều dài hơn 720 m...
* Ngày 16-10, mực nước lũ trên các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận đang dao động ở mức xấp xỉ báo động 1 đến xấp xỉ báo động 2; riêng trên Sông Lu tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, mực nước lũ trên mức báo động 3. Tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các địa phương tập trung các phương án đối phó lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.
* Ngày 16-10, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Ðà Nẵng có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương thông báo cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học ngày 17-10 để các đơn vị, trường học khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của ATNÐ gây ra. Ðể ứng phó với ATNÐ, mưa, lũ, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho học sinh nghỉ học ngày 17-10; đối với các vùng thấp trũng và có nguy cơ lũ lụt, sạt lở học sinh được nghỉ học từ chiều 16-10.
Hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai
Ban Thư ký ASEAN và Trung tâm Ðiều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo (Trung tâm AHA) vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến khẩn cấp nhằm báo cáo thông tin, cập nhật tình hình thiên tai các nước hạ lưu sông Mê Công. Theo Tổng cục PCTT, mục đích cuộc họp nhằm chia sẻ thông tin về tình hình thiệt hại do mưa, lũ tại miền trung (Việt Nam) để Ban Thư ký ASEAN xem xét, quyết định các phương án hỗ trợ nhân dân vùng ảnh hưởng. Tại cuộc họp, Trung tâm AHA cam kết sớm chuyển hàng hỗ trợ nhân dân khu vực ảnh hưởng các bộ kít sửa chữa nhà cửa, dụng cụ vật dụng gia đình và nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân vùng lũ.
* Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) hỗ trợ ba tỷ đồng từ nguồn an sinh xã
hội đối với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi (mỗi tỉnh 500 triệu đồng) để khắc phục hậu quả thiên tai.
* Ngày 16-10, Công an TP Hà Nội tổ chức phát động quyên góp được hơn bốn tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền trung bị thiệt hại do mưa, lũ.
Theo NDĐT