Áp thấp nhiệt đới tại Biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 7
(BDO)
Dự báo đường đi của cơn bão số 7. (Nguồn: nchmf.gov.vn)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 8/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 7.
Hồi 4 giờ ngày 8/10, tâm bão số 7 ở ngay vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo ngày và đêm 8/10, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 113,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Từ 4 giờ ngày 9/10 đến 4 giờ ngày 10/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ.
Đến 4 giờ ngày 10/10, tâm bão ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 50km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông: phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông.
Từ 4 giờ ngày 10/10 đến 4 giờ ngày 11/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Đến 4 giờ ngày 11/10, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Từ 4 giờ đến 16 giờ ngày 11/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Bão gây sóng to, gió lớn trên nhiều vùng biển. Phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 2-4m, biển động rất mạnh.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.
Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3,5m, biển động.
Ngoài ra, phía Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trên đất liền, ngày 8/10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 50-80mm, có nơi trên 100mm, đến tối và đêm, mưa lớn giảm nhanh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, người dân nên hết sức cảnh giác, quan sát kỹ các hiện tượng biến động lạ về địa chất, nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét.
Các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa bão kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn vùng núi, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi mưa lớn.
Lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra./.
Theo TTXVN