Áp lực xăng dầu tăng giá: Doanh nghiệp vận tải công cộng gặp khó
Các doanh nghiệp vận tải (DNVT) công cộng trên địa bàn tỉnh đang hết sức lo ngại, không rõ Nhà nước sẽ có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn do áp lực xăng dầu tăng giá? Hiện các DN đang hoạt động thu không đủ chi, thậm chí có nguy cơ phá sản nếu tình trạng lỗ kéo dài.
Tự bỏ tiền... bù lỗ
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 14 tuyến xe buýt không trợ giá và 7 tuyến xe buýt trợ giá. Từ tháng 2 đến nay, giá xăng dầu tăng đến 2 lần, mỗi lần đều tăng rất cao (từ 16 - 24%) gây không ít khó khăn cho các DNVT, vì xăng dầu là một trong những chi phí lớn nhất của ngành này.
Giá xăng tăng liên tục khiến DNVT gặp khó
Theo các DNVT, thông thường phí nhiên liệu chiếm khoảng trên 40% giá thành kinh doanh vận tải. Cho nên việc tăng giá xăng dầu trong thời gian vừa qua buộc các DNVT phải tính toán lại chi phí sản xuất - kinh doanh phù hợp. Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vận tải huyện Bến Cát Nguyễn Anh Tài than thở: “HTX Bến Cát hoạt động trên 3 tuyến gồm Mỹ Phước - Long Hòa, Mỹ Phước -Cây Trường và Bến xe Bình Dương - Cổng Xanh. Qua 2 đợt giá xăng dầu tăng tổng cộng 6.300 đồng/lít, nếu tính theo định mức do Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) giao, một ngày HTX chạy 116 chuyến, thì phải chịu lỗ 6.380.000 đồng/ngày, chúng tôi không biết phải lấy gì đề bù đắp vào phần chênh lệch này”.
Cùng gặp khó khăn vì giá xăng dầu tăng, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Phương Trinh cũng đứng ngồi không yên. Phó Giám đốc Vũ Quang Thanh cho biết, biến động giá nhiên liệu cùng hàng trăm thứ chi phí đầu vào tăng lên, quả là một thách thức cho DN. Với 9 đầu xe vận chuyển khách trên 4 tuyến, bắt đầu từ Thủ Dầu Một - Bến Cát, Bến xe Miền Đông, chợ Quang Vinh và Vĩnh Tân (Tân Uyên). Trung bình mỗi ngày DN phải tự bù lỗ số tiền khoảng 5 - 6 triệu đồng cho 70 chuyến xe. Tính ra, mỗi tháng DN phải chi thêm khoảng 150 triệu đồng do giá nhiên liệu tăng. Ngoài ra, các DNVT còn một khoản thiệt thòi không biết “tỏ” cùng ai, do mức giao khoán số hành khách chưa phù hợp. Phó Giám đốc Vũ Quang Thanh cho biết, theo Quyết định 4270 của UBND tỉnh, mức giao khoán số lượng hành khách cho một chuyến xe quá cao so thực tế là 29 khách/chuyến, trong khi đó số khách đi dưới cự ly 1/2 tuyến chỉ có 6 khách và hành khách đi trên 1/2 cự ly tuyến hoặc suốt tuyến cũng chỉ đạt tối đa 23 khách. Như vậy, so với thực tế hoạt động thì sản lượng khách chỉ đạt 63% định mức. Cùng cảnh ngộ, Chủ nhiệm HTX Vận tải huyện Bến Cát cũng cho biết, nếu thực hiện theo số khoán hành khách trên một chuyến xe như hiện tại mà chưa tính đến thời điểm, nhu cầu hành khách đi thực tế trong tình hình giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay thì DNVT hoàn toàn không lãi. Ví như tuyến Long Hòa, Cây Trường chỉ đạt 15/30 khách/chuyến; tuyến Cổng Xanh chỉ đạt 22/44 khách/chuyến. Đó là chưa kể đến một số tuyến đường xe buýt có lộ trình đường xấu, phương tiện hoạt động rất khó khăn làm hao mòn nhanh các thiết bị nên càng chạy càng lỗ.
Theo ghi nhận chung hiện nay, hầu hết các DNVT đều rất lo lắng vì họ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc cân nhắc bài toán thu chi sau khi giá xăng tăng cũng như tình trạng tự bỏ tiền ra để... bù lỗ. Theo ước tính của các DNVT, nếu tình hình trên kéo dài tới cuối năm thì khoản lỗ do chênh lệch giá nhiên liệu tăng có thể lên tới vài tỷ đồng.
Gắng gượng vượt khó
Trong khi chờ quyết định của UBND tỉnh, các DN phải tự ứng phó với mức nhiên liệu tăng cao, gắng gượng tìm mọi cách để duy trì hoạt động. Chia sẻ với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX Vận tải huyện Bến Cát Nguyễn Anh Tài cho biết, với giá xăng cũ, trước đây cánh tài xế còn về với gia đình vào mỗi chiều, giờ thì phải tiết kiệm tối đa, chúng tôi đã vận động anh em nhà xe, rớt bến ở đâu, thì ăn, ngủ tại đó, cuối tuần mới đưa xe về bến để tu bổ, rửa xe. Ông Nguyễn Anh Tài nói, biết rằng như thế thì tội cho nhân viên và cũng chẳng tiết kiệm được là bao nhưng cũng đành chịu vậy thôi. Chúng tôi đang thắt chặt chi tiêu để cùng Nhà nước vượt qua khó khăn này và cố đợi ít hôm xem Nhà nước có hỗ trợ, hay tăng giá vé gì không, chứ còn để như thế này thì rất khó cho DNVT chúng tôi”.
Hiện nay, nhiều DNVT đang cắt giảm chi phí đến mức thấp nhất có thể nhằm duy trì hoạt động và hưởng ứng chủ trương hạn chế tác động hiệu ứng tăng giá dây chuyền. Tuy nhiên, về lâu dài rất khó thực hiện, nếu tình trạng giá xăng dầu vẫn đứng ở mức cao, mà chưa biết giá xăng dầu có ổn định với mức hiện tại hay không? Vì vậy, DN cũng đã tính đến kế hoạch xin cơ quan chức năng tăng giá cước xe buýt để tồn tại. Phó Giám đốc DNTN Bình Phương Nguyễn Văn Tấn cho biết, chúng tôi đã có kiến nghị tăng giá vé hoặc điều chỉnh bổ sung bù tiền trượt giá xăng dầu vào khoản trợ giá của ngân sách Nhà nước dành cho DN hoạt động xe buýt hàng tháng. Tuy nhiên, cho đến nay DN chúng tôi vẫn chưa được cấp trên chỉ đạo giải quyết và cũng chưa biết khi nào Nhà nước mới cho phép điều chỉnh giá vé hoặc tăng mức trợ giá đối với DNVT?
Để tháo gỡ khó khăn cho các DNVT, Sở GT-VT Bình Dương đang tổng hợp các ý kiến đề xuất, phương án tăng giá vé hoặc tăng mức trợ giá lên UBND tỉnh xem xét hỗ trợ các DNVT. Phó Giám đốc Sở GT-VT Bình Dương Đàm Trọng Cường cũng cho rằng, sở hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn mà các DNVT đang gặp phải. Tuy nhiên, nếu chi phí đầu vào sản xuất hiện nay tăng mạnh hơn mức độ ảnh hưởng của tăng giá xăng và các chi phí khác thì dù tăng giá vé không hẳn đã được lợi vì vận tải là dịch vụ nhạy cảm, tăng giá cước sẽ tác động rất lớn đến người tiêu dùng và sản xuất hàng hóa. Nếu cần thiết, giá vé xe buýt phải điều chỉnh một cách hợp lý, chứ không phải giá xăng tăng bao nhiêu là giá vé tăng lên tương ứng bấy nhiêu. Ông Đàm Trọng Cường nhấn mạnh, ngành công cộng đang trong giai đoạn phát triển nên những chính sách vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DNVT khi người dân thu hẹp chi tiêu. Do đó, trước khi có sự xem xét giải quyết từ UBND tỉnh, trước tiên, các DN hãy chia sẻ những khó khăn cùng với Nhà nước, liên kết hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất - kinh doanh, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, để có giá thành vận tải hợp lý.
TRÚC HUỲNH
Chủ nhiệm HTX Vận tải Bến Cát Nguyễn Anh Tài: Đề nghị được điều chỉnh giá cước
Các tuyến xe buýt của HTX hiện nay hoạt động được sự trợ giá của Nhà nước, nhưng số khoán hành khách và giá nhiên liệu tăng quá cao như hiện nay thì hoạt động của đơn vị sẽ dẫn đến thua lỗ. Từ đó, đơn vị không bảo đảm thời gian lâu dài để phục vụ hành khách đi lại ở địa phương. Để hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả tốt nhất, chúng tôi đề nghị xin điều chỉnh giá cước vận tải hành khách bằng xe buýt ở 2 tuyến (TDM - Cổng Xanh và Mỹ Phước - Cây Trường) tăng giá 1/2 tuyến lên 1.000 đồng/vé, suốt tuyến giá vé vẫn giữ nguyên. Đối với tuyến Mỹ Phước - Long Hòa, giá vé suốt tuyến và 1/2 tuyến điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/vé.
Phó Giám đốc DNTN Bình Phương Nguyễn Văn Tấn: Tạo điều kiện để DNVT phục vụ nhân dân tốt hơn
Để tháo gỡ khó khăn trong lúc này, DN chúng tôi mong lãnh đạo các cấp chấp thuận cho chúng tôi được tăng giá vé tuyến xe buýt TDM - Thanh Tuyền theo tỷ lệ giá xăng dầu tăng hiện nay (6.350 đồng/lít). Cụ thể, giá vé lên xuống và 1/2 tuyến từ 5.000 đồng/vé lên 7.000 đồng/vé; giá vé suốt tuyến từ 8.000 đồng/vé lên 10.000 đồng/vé. Với mức giá này, chúng tôi mới có thể duy trì hoạt động và tồn tại, tạo điều kiện để DNVT phục vụ nhân dân tốt hơn.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phương Trinh Vũ Quang Thanh: DNVT không thể chạy theo giá xăng dầu
Chủ trương của Nhà nước là tiếp tục thực hiện lộ trình điều hành giá xăng dầu linh hoạt theo cơ chế thị trường. Thế nhưng, DNVT không thể nắm được lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu để có thể đưa ra mức giá vé mà khách hàng chấp nhận được, vì DNVT “không thể chạy theo giá xăng dầu được”, khi mới tháng trước (giá xăng dầu tăng vào ngày 24-2), Phương Trinh đã được tăng giá vé khoảng 15% đối với các tuyến không trợ giá vào ngày 15-3 vừa qua, nay điều chỉnh tăng giá tiếp là điều không đơn giản. Bên cạnh đó, khi tăng giá phải làm rất nhiều thủ tục, trải qua nhiều công đoạn gửi công văn, giấy tờ xin phép các cơ quan, ban ngành có liên quan và các công đoạn in ấn, thông báo khác...