Áp lực từ định biên- Bài 1

Thứ ba, ngày 25/10/2022

(BDO) Bài 1: Chuyện thường ngày ở phường

“Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Chỉ một người/ Nhắc không đặng…”. Điều này có thể đem ví với khối lượng công việc của một CBCC tại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (bộ phận “một cửa”) cấp phường có số lượng dân lớn ở Bình Dương. Áp lực công việc như tảng đá đang đè nặng lên đôi vai của họ bởi “người ít, việc nhiều”.

Ngày thứ bảy nhộn nhịp

Cán bộ bộ phận “một cửa” UBND phường Bình Hòa, TP.Thuận An hướng dẫn người dân ghi biểu mẫu thực hiện các bước giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Ảnh: HỒ VĂN

Dân số tăng nhanh, đặc biệt là sự gia tăng dân số cơ học đã làm phát sinh khối lượng lớn công việc của cơ quan hành chính, nhất là ở cấp cơ sở. “Ngày thứ bảy giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho nhân dân” là một mô hình đang được nhiều địa phương tại Bình Dương thực hiện để bảo đảm phục vụ nhu cầu giải quyết công việc cho người dân. Vì thế, thứ bảy, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng bộ phận “một cửa” UBND phường Bình Hòa, TP.Thuận An lại trở nên nhộn nhịp. Người dân vẫn tập trung đến đây rất đông để liên hệ giải quyết các TTHC, phục vụ cho cuộc sống, việc làm.

“Các phường có nhiều người ngoài tỉnh đến sinh sống, làm việc thường phát sinh khối lượng công việc lớn hơn so với các xã vùng nông thôn. Nhu cầu giải quyết hành chính của người dân vùng nông thôn, người dân thường trú vốn tương đối ổn định, ít có phát sinh mới. Trong khi đó, người lao động xa quê đến tạm trú là để đi làm, cần rất nhiều thủ tục hành chính…”.

(Anh Cao Thanh Quang, cán bộ tư pháp bộ phận “một cửa”, UBND phường Bình Hòa, TP.Thuận An)

Tranh thủ chút thời gian, anh Cao Thanh Quang, cán bộ phụ trách tư pháp, bộ phận “một cửa” của phường Bình Hòa, cho biết từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, CBCC ở đây làm suốt mà cũng không hết việc. Nếu không phải là ngày thứ bảy, thật khó để anh nhận lời tiếp chuyện với phóng viên, vì công việc quá nhiều. Mỗi ngày, anh Quang bắt đầu làm việc từ lúc 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút mới được nghỉ, có khi phải làm thông tầm, 12 giờ trưa cũng chưa nghỉ vì công việc dở dang, “làm hết việc chứ không hết giờ”.

Theo anh Quang, cùng với các phường như An Phú, Thuận Giao, Lái Thiêu, Bình Hòa là phường có dân số đông của TP.Thuận An, tương đương, thậm chí nhiều hơn gấp đôi, gấp ba dân số của một huyện, xét trên phạm vi toàn quốc. “Nói đâu xa, ngay tại Bình Dương, một huyện như Bắc Tân Uyên, dân số chỉ khoảng trên 70.000 người; trong khi đó phường Bình Hòa, dân số trên 120.000 người, lớn hơn gần gấp đôi!”, anh Quang so sánh.

Mỗi ngày, trung bình bộ phận “một cửa” tại phường Bình Hòa tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC cho khoảng 100 lượt người dân. Hơn thế nữa, có người đến giao dịch một loại hồ sơ, nhưng cũng có người giao dịch tới 2, 3 loại hồ sơ, thậm chí đối với sao y chứng thực, có khi giao dịch cả một xấp giấy tờ. “Dân số đông quá nên áp lực giải quyết công việc rất lớn. Đầu năm, nhất là giai đoạn từ tháng 3 trở đi, ngày nào bộ phận “một cửa” cũng đông nghẹt…”, anh Quang chia sẻ.

Khối lượng công việc nhiều, trong khi định biên lại ít, CBCC ở bộ phận “một cửa” còn phải chịu thêm áp lực về tinh thần. Đó là trong quá trình giải quyết công việc, phải làm sao để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người công bộc nhân dân, thực hiện các quy chuẩn “trọng dân, gần dân”, “5 biết, 3 thể hiện”… Người dân phải xếp hàng, bốc số thứ tự, ai cũng nóng lòng muốn được giải quyết thủ tục nhanh nhất, có trường hợp chờ lâu, phát sinh cáu gắt. Để giữ được mối quan hệ “gần gũi, thân thiện” với dân, đòi hỏi người cán bộ “một cửa” phải thật kiên nhẫn, biết chịu đựng.

Chung một “nỗi niềm”

Không chỉ riêng phường Bình Hòa, TP.Thuận An, nhiều phường tại các thành phố, thị xã như Thủ Dầu Một, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên, câu chuyện về áp lực đối với CBCC bộ phận “một cửa” cũng diễn ra tương tự. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, chia sẻ đội ngũ CBCC phường luôn phải cố gắng, nỗ lực vượt quá áp lực của công việc, nhất là tại bộ phận “một cửa” mỗi ngày giải quyết gần 100 bộ hồ sơ các loại. “Công việc nhiều áp lực, CBCC phải làm hết việc chứ không hết giờ. Có cán bộ ngày đi làm, tối về nhà còn phải làm báo cáo…”, bà Mai cho hay.

Thứ bảy là ngày nghỉ cuối tuần nhưng cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” UBND phường Bình Hòa, TP.Thuận An vẫn miệt mài giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân

Còn anh Phạm Thanh Bình, người được “nickname” là “máy nói”, phụ trách tư pháp ở bộ phận “một cửa” UBND phường Dĩ An, TP.Dĩ An, cho biết một ngày phường tiếp và giải quyết hồ sơ cho khoảng 150 lượt người dân, riêng lĩnh vực tư pháp chiếm khoảng 100 người. Đây cũng là lý do anh được “nickname” là “máy nói”, vì không chỉ “luôn tay” làm việc mà còn phải “luôn miệng” giải thích cho người dân các bước quy trình thực hiện hồ sơ, thủ tục.

Phụ trách lĩnh vực tư pháp của một phường có trên 120.000 nhân khẩu, giải quyết tất cả các loại hồ sơ từ việc khai sinh, kết hôn, hộ tịch, chứng thực, sao y, công việc của anh Phạm Thanh Bình thường xuyên trong tình trạng quá tải. Để hỗ trợ, UBND phường cũng đã linh hoạt ký hợp đồng, bố trí một người phụ thêm với anh nhưng cũng không xuể. Sáng sớm nhận hồ sơ, khoảng 10 giờ là phải trả hồ sơ cho người dân nên anh quay như chong chóng, “luôn tay luôn miệng”.

“Công việc nhiều, trong khi đó đa phần người dân lại chưa nắm rõ quy trình, nên chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn. Có trường hợp người dân viết đi, viết lại mấy lần mới thực hiện được…”, anh Bình cho hay.

Áp lực công việc đối với đội ngũ CBCC tại các phường đông dân là vậy nhưng theo Nghị định 34/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố của Chính phủ, định biên của xã, phường loại 1 chỉ có 23 CBCC, còn lại là bán chuyên trách. Tại các phường ở Bình Dương, riêng bộ phận “một cửa” hiện chỉ được bố trí 6 người, bao gồm cả trưởng bộ phận do Chủ tịch UBND phường đảm nhiệm. Trong khi đó, nhiều phường có lượng dân số từ trên 100.000 người, thậm chí có trường hợp cá biệt như phường Tân Đông Hiệp tại TP.Dĩ An có đến xấp xỉ 150.000 người.

Một phường mà dân số nhiều hơn cả cấp huyện, với định biên theo quy định như trên, làm thế nào để CBCC giải quyết tốt công việc cho người dân quả là một thách thức. Trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, biên chế phải tinh giản, định biên đã và đang tạo ra áp lực quá lớn đối với đội ngũ CBCC ở cơ sở.

(còn tiếp)

THÀNH SƠN - HỒ VĂN