Áp lực lương của ngành da giày, may mặc
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2017 của ngành dệt may tỉnh Bình Dương ước đạt trên 2,142 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm tỷ trọng 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng khá tốt. Dự báo, lượng đơn hàng dệt may xuất khẩu từ thị trường EU sẽ tăng cao vào những tháng cuối năm 2017; trong khi đó giá nguyên liệu ngành dệt may tương đối ổn định. Đối với mặt hàng giày dép của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2017 ước đạt trên 1,664 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm tỷ trọng 9,2% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.
(BDO)
Dệt may, da giày là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhà. Số liệu tăng trưởng rất khả quan trong tháng 8 qua cho thấy, ngành dệt may và da giày của tỉnh vẫn đứng vững trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường toàn cầu.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh chia sẻ, Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đang dần đánh mất lợi thế giá nhân công rẻ. Mức lương trung bình của ngành dệt may nước ta đang ngày càng cao so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, một lao động ngành dệt may trong nước trung bình kiếm được từ 402 - 604 USD/tháng (tương đương 8,4 - 12,6 triệu đồng/tháng). Con số này chỉ bằng gần 1/2 so với lao động cùng ngành tại Malaysia và bằng 1/4 so với Singapore. Tuy nhiên, so với Philippines sự chênh lệch này không lớn; còn so với Indonesia (trung bình 343 - 510 USD/ tháng) thì nước ta đã cao hơn.
Theo các chuyên gia, mức lương trung bình ngành dệt may của Việt Nam trong năm 2016 tăng 12% so với năm 2015. Năm 2017, chi phí nhân công tiếp tục là vấn đề khó khăn khi Hội đồng Tiền lương quốc gia nâng mức lương tối thiểu vùng bình quân 7,3% so với năm 2016, việc này đã nhận được không ít ý kiến lo ngại của các doanh nghiệp dệt may.
Các chuyên gia nhận định, nếu không cải thiện tình hình, cụ thể là giảm bớt gia công sản phẩm, doanh nghiệp dệt may, giày da trong nước cũng như tại Bình Dương sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Việc cần thiết của các doanh nghiệp chính là nhanh chóng tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động tìm đối tác, bớt khâu trung gian ở thị trường xuất khẩu... mới giúp ngành may mặc, da giày đứng vững trên thị trường. Nhất là khi lợi thế nhân công giá rẻ không còn đối với ngành may mặc, da giày trong nước.
HOÀNG PHONG