Áp lực của ngành da giày, túi xách trong nước

Thứ năm, ngày 26/07/2018

(BDO) Những năm qua, xuất khẩu da giày, túi xách của Việt Nam liên tục tăng trưởng cao, từ 10,4 tỷ USD năm 2013 lên 17,96 tỷ USD năm 2017; thị trường cũng được mở rộng lên 100 nước, trong đó có 72 nước nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu USD trở lên. Theo kế hoạch, sản lượng giày, dép da của cả nước sẽ đạt khoảng 279 triệu đôi trong năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất của ngành da giày tiếp tục tăng trưởng khá, cụ thể sản lượng giày, dép da đạt 127,4 triệu đôi, tăng 5,1%; kim ngạch xuất khẩu đạt 9,45 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2018 sẽ đạt 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.

Đại diện Hiệp hội túi xách, da giày Việt Nam cho biết hiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng cao và ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Nguyên nhân là do trong những năm qua, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng công suất các nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam để đón đầu cơ hội giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước không mở rộng sản xuất do gặp khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường. Chính vì thế, tỷ trọng xuất khẩu da giày của doanh nghiệp trong nước tiếp tục xu hướng giảm, từ mức 25% năm 2013 xuống còn 18,7% trong 5 tháng đầu năm nay. Tỷ trọng xuất khẩu giày dép của doanh nghiệp trong nước cũng giảm từ mức 24,4% trong năm 2013 xuống còn 18,8% trong 5 tháng đầu năm nay; túi xách - cặp các loại giảm từ 27,9% năm 2013 xuống còn 18,5% trong 5 tháng đầu năm 2018.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước cần quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm giày dép, đồng phục dùng trong công sở, bảo hộ lao động, cặp sách dùng cho học sinh, nhân viên công sở. Song song đó, các ngành liên quan cần ưu tiên hơn nữa việc thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Doanh nghiệp trong nước cũng phải thay đổi cách quản trị cơ bản trên nền tảng quản trị số và sản xuất phải tinh gọn thì mới theo kịp năng suất lao động của các nước trên thế giới. Mục tiêu đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam phải sớm có năng suất lao động tối thiểu bằng 80 - 90% so với các công ty tiên tiến trên thế giới. Có như vậy, các doanh nghiệp trong nước mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới hiện nay và trong những năm tới.

HOÀNG PHONG