Ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng: Môi trường bị ô nhiễm vì tình trạng khai thác, vận chuyển cát

Thứ bảy, ngày 02/06/2018

(BDO)  Những ngày cuối tháng 5, khi trở lại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, chúng tôi lại chứng kiến cảnh tượng cát được tập kết thành bãi ven bờ hồ Dầu Tiếng. Hàng chục chiếc xe chở cát nối đuôi nhau chạy trên đường khiến bụi cát bao phủ một không gian rộng gây ô nhiễm môi trường. Đó là thực trạng diễn ra trong thời gian qua tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) khiến người dân bức xúc.

 Xe ben ám ảnh người dân

Đến tổ 1, ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa vào một ngày cuối tháng 5, chúng tôi nghe nhiều người dân phản ánh việc khai thác, vận chuyển cát của nhiều doanh nghiệp gây ra tại vùng quê này. Nhiều lô cao su tại ấp Hòa Lộc đã bị triệt hạ, nhường đất cho doanh nghiệp thành lập bãi tập kết trung chuyển cát. Hai bên vệ đường ĐT749B (đoạn qua tổ 1, ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa) đầy bụi cát.

 Một điểm tập kết cát ven bờ hồ Dầu Tiếng, thuộc xã Minh Hòa

Theo phản ánh của người dân địa phương, ngày cũng như đêm, hàng chục chiếc xe tải chở cát thi nhau phóng nhanh vượt ẩu trên tuyến đường này khiến bụi cát bay mù trời, tấn công vào nhà người dân. Để ví von cho việc bụi cát tấn công, người dân địa phương cho đó là “bão cát” khi xe tải lưu thông trên đường.

Trong khi đó, thông qua nhiều buổi tiếp xúc cử tri, họp dân tại xã Minh Hòa, người dân địa phương đã phản ánh sự việc đến chính quyền địa phương, ngành chức năng về việc môi trường sống bị ô nhiễm do bụi cát. Bà Phan Thị K. nói trong nước mắt: “Gia đình tôi sinh sống ở đây đã hơn 30 năm. Thế nhưng kể từ ngày tổ 1, ấp Hòa Lộc hình thành nhiều bãi tập kết cát khiến cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn. Hàng ngày trên tuyến đường ĐT749B thường xuất hiện đoàn xe tải chở cát gây nên nhiều hệ lụy. Vì quá bức xúc, trong nhiều năm nay, thông qua những buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã phản ánh sự việc. Tuy nhiên, mọi chuyện chưa có sự chuyển tích cực, người dân địa phương vẫn tiếp tục sống chung với bụi cát, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông do xe tải chở cát gây ra đang rình rập. Vì phải sống chung với bụi cát, hiện gia đình tôi đã có nhiều người bị bệnh phổi”.

Đưa chúng tôi đi trên tuyến đường ĐT749B (đoạn qua tổ 1, ấp Hòa Lộc), ông Nguyễn Văn T. cho biết: “Cát chất thành đống trên vệ đường là cát từ thùng xe tải chở hàng đi tiêu thụ rơi xuống sau nhiều ngày. Đa phần các tài xế xe tải chở cát cho doanh nghiệp ở đây đều ăn tiền theo chuyến nên xảy ra tình trạng tài xế tranh chuyến, thi nhau đạp ga. Nhưng mỗi khi có lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra thì các tài xế xe tải mới phủ bạt, chạy chậm; còn ngược lại thì họ “quên luật” khi cầm vô lăng xe. Chúng tôi mong các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh lại việc khai thác, vận chuyển cát sỏi ven bờ hồ Dầu Tiếng”.

“Đường đi” của cát ở lòng hồ Dầu Tiếng

Hồ Dầu Tiếng nằm trải dài các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Bình Dương. Hồ Dầu Tiếng có tổng diện tích 2.700km2. Trước đây, lòng hồ Dầu Tiếng có 16 doanh nghiệp được cơ quan chức năng cấp phép cho việc khai thác cát, sỏi. Trong số 16 doanh nghiệp được phép khai thác, Bình Dương có 2 doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là vì sao tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa lại xảy ra tình trạng bát nháo các bãi tập kết cát, sỏi? Vì sao các doanh nghiệp được phép khai thác cát trên lòng hồ đều do UBND tỉnh Tây Ninh cấp phép nhưng cát của các doanh nghiệp này lại tập kết trên địa bàn tỉnh Bình Dương như người dân phản ánh?

Theo người dân, hiện nay lòng hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận Bình Dương có 16 bến thủy nội địa được tỉnh cấp phép hoạt động. Để hợp thức hóa cho việc tập kết, vận chuyển cát, sỏi đi tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, một số công ty, doanh nghiệp của Tây Ninh đã ký hợp đồng với các chủ bến thủy nội địa của Bình Dương về việc tập kết và vận chuyển cát, sỏi. Theo đó, cát của doanh nghiệp Tây Ninh khai thác đã có các chủ bến thủy nội địa đóng chân tại Bình Dương vận chuyển đi tiêu thụ, vậy là hợp pháp. Trong khi lợi nhuận từ việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi thuộc về các chủ công ty, doanh nghiệp tỉnh bạn, còn cơ sở hạ tầng ở huyện Dầu Tiếng thì bị xuống cấp; môi trường sống của người dân ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đem câu chuyện bất cập trong việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên lòng hồ Dầu Tiếng trao đổi với ông Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, ông Danh cho rằng: “Việc người dân địa phương bức xúc môi trường bị xâm hại đến đời sống sinh hoạt, cơ sở hạ tầng giao thông đối với hai tuyến ĐT749B, ĐT744 xuống cấp là do xe tải chở cát lưu thông là có thật. Còn việc P.V phản ánh về “quy trình” chủ các bến thủy nội địa ở xã Minh Hòa “chở” hộ cát cho doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh đi qua địa bàn, hiện chúng tôi cũng biết rõ. Tuy nhiên, để lập lại trật tự khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên lòng hồ Dầu Tiếng đang là bài toán khó đối với các địa phương giáp ranh. Riêng đối với huyện Dầu Tiếng, hiện nay chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan của tỉnh thực hiện những giải pháp thích hợp nhằm ngăn chặn việc bến thủy nội địa “tiếp tay” cho doanh nghiệp bên Tây Ninh đưa cát qua địa phận Bình Dương.

Hiện nay, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra các bến thủy nội địa trên địa bàn xã Minh Hòa để xử lý. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin mới về việc chấn chỉnh lại việc khai thác khoáng sản cho cơ quan báo chí”.

 Người dân lên tiếng

 Ông L.H.M. ngụ xã Minh Hòa, cho biết: “Kể từ ngày địa phương xuất hiện nhiều bến thủy nội địa tập kết cát để xe tải vận chuyển đi tiêu thụ đã gây nên nhiều hệ lụy, khiến người dân bức xúc. Thông qua những buổi họp nhân dân, chúng tôi có ý kiến về việc địa phương và ngành chức năng ở tỉnh cần rút giấy phép hoạt động đối với các bến thủy nội địa tại xã Minh Hòa. Bởi vì chỉ có cách này mới hạn chế được việc cát của doanh nghiệp tỉnh bạn tuồn qua địa phận Bình Dương khiến đường sá xuống cấp, môi trường bị xâm hại”.

Những chiếc xe ben chở cát không phủ bạt gây ô nhiễm môi trường,khiến người dân bức xúc

 THANH QUANG