Áp dụng cách tiếp cận CDIO: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học
CDIO (Conceive - hình thành ý tưởng; Design-thiết kế ý tưởng; Implement - thực hiện; Operate - vận hành) là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO nhằm đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực.
(BDO)
Giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một tập huấn áp dụng CDIO
Triển khai đồng bộ cho tất cả các khối ngành
Năm học 2014-2015, trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO đồng bộ cho tất cả các nhóm ngành. Lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm tạo điều kiện cho giảng viên cập nhật kiến thức và thông tin hữu ích về các giải pháp mới, góp phần xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao, thích nghi với thực tiễn của thị trường lao động. Nhà trường tổ chức các khóa đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, cán bộ phục vụ công tác đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO một cách bài bản.
Sau gần 1 học kỳ triển khai, từ những kinh nghiệm đúc kết, Ban đề án triển khai CDIO của trường ngày càng hoàn thiện. Việc áp dụng mô hình CDIO vào các chương trình đào tạo công nghệ thông tin, điện - điện tử, kiến trúc - đô thị, môi trường, luật, công tác xã hội, kinh tế bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Đây là minh chứng rõ nét cho hướng đi đúng đắn của trường ĐH Thủ Dầu Một trong việc lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục áp dụng mô hình này vào việc xây dựng các chương trình đào tạo ở các khối ngành còn lại nhằm phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực cho sinh viên.
TS.Ngô Hồng Điệp, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, CDIO là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. Trường ĐH Thủ Dầu Một sử dụng cách tiếp cận CDIO chứ không áp dụng nguyên mô hình CDIO. Tiếp cận trước tiên là về phương pháp tổng thể, tức là xuất phát từ năng lực cốt lõi của ngành để từ đó xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo. Thứ 2, CDIO là một mô hình mở, cung cấp các hướng dẫn cụ thể về quy trình và các hướng dẫn cụ thể xây dựng, tổ chức và đánh giá chương trình đào tạo. Trường ĐH Thủ Dầu Một đã và đang sử dụng cách tiếp cận này và có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển, tổ chức và đánh giá chương trình đào tạo đúng hướng.
Thực hiện bài bản theo lộ trình
Xét về tầm vĩ mô, việc áp dụng cách tiếp cận CDIO sẽ góp một phần vào việc giải bài toán “chất lượng giáo dục đại học” hiện nay. Thực tế ở các đại học thuộc các quốc gia phát triển và đang phát triển đã chứng minh việc áp dụng phương pháp hay cách tiếp cận CDIO sẽ gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực; giúp người học phát triển toàn diện, nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi và thậm chí là đi đầu trong việc thay đổi đó.
Ngay từ ban đầu trường ĐH Thủ Dầu Một chủ trương việc xây dựng chương trình theo cách tiếp cận CDIO phải bài bản bắt đầu từ khâu chuẩn bị. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình kiểu mẫu phải làm sao thiết kế chương trình cho phù hợp với những điều kiện tại Việt Nam đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội của Bình Dương, vùng Đông Nam bộ và Việt Nam. Mặt khác, việc ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới cũng đòi hỏi chúng ta cũng cần bắt nhịp và có những điểm chung với thế giới. Mỗi một môn học trong một chương trình đào tạo sẽ đóng góp một phần nhất định trong việc đạt được một phần chuẩn đầu ra của chương trình được xây dựng theo cách tiếp cận CDIO. Điều này đòi hỏi từng giảng viên phải tuân theo các chuẩn mực nhất định của chương trình và có những cam kết về việc truyền tải chuẩn đầu ra trong môn học do mình phụ trách. Các chuẩn đầu ra này được công bố và vào cuối môn học được đánh giá bởi sinh viên và các bên liên quan.
Thuận lợi lớn nhất và quan trọng nhất của trường ĐH Thủ Dầu Một là sự tiên phong và tầm nhìn lãnh đạo nhà trường. Chính sự quyết tâm cao trong việc triển khai trong các khối ngành cũng như quyết tâm học hỏi những kinh nghiệm nghiên cứu, triển khai và áp dụng cách tiếp cận CDIO tại các trường đi trước là một bước tiến lớn đối với trường ĐH còn non trẻ. Đến thời điểm này, trong nhận thức về đề xướng CDIO đã tạo ra sự đồng thuận và sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các giảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyên viên và cả sinh viên trong quá trình triển khai thực hiện.
TS.Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một - Trưởng ban đề án xây dựng chương trình CDIO nhà trường nhấn mạnh: Việc áp dụng cách tiếp cận CDIO đòi hỏi có những điều kiện cơ bản về mặt cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của trường học, đội ngũ giảng viên, nhân viên đáp ứng được những tiêu chuẩn của CDIO và phải có một hệ thống quy trình xử lý chuẩn và thống nhất để bảo đảm sự thành công của chương trình. Tuy nhiên, chúng tôi xác định điều kiện tiên quyết là sự tâm huyết, phân bổ nguồn lực một cách hợp lý theo hướng đổi mới khung chương trình đào tạo (trong đó có thể gồm cả việc thay đổi cả những môn bắt buộc được quy định hiện nay) khi áp dụng cách tiếp cận CDIO. Chúng tôi không quá đặt nặng vấn đề khó khăn, thách thức mà hãy xem đây là cách chúng ta hệ thống hóa lại một cách bài bản các công việc mà cách giảng dạy truyền thống đã làm trước đó. Xác định như vậy chúng ta sẽ không thấy quá áp lực, khó khăn hay phụ thuộc về tài chính…
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần 4 năm để thực hiện một chương trình đào tạo, sau đó cần thêm 2 năm để có thể đánh giá kết quả của những sinh viên đó khi họ đã ra trường và làm việc trong một tổ chức. Do vậy, về cơ bản phải cần từ 5 - 7 năm để đánh giá hiệu quả của chương trình. Đây không phải là khoảng quá dài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đại học.
Việc triển khai mô hình CDIO của trường ĐH Thủ Dầu Một đang còn ở giai đoạn ban đầu. Và để đánh giá hiệu quả của chương trình còn phải có thời gian, nhưng trước mắt chương trìnhđã đem đến cho giảng viên, đặc biệt với đội ngũ giảng viên trẻ sự hứng khởi, mong muốn thử nghiệm, học hỏi và áp dụng…
TIỂU MY