Áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh: Góp phần giảm thiểu tệ nạn xã hội

Thứ năm, ngày 22/09/2016

(BDO) Tệ nạn ma túy là hiểm họa của toàn xã hội. Những tác hại và hậu quả của ma túy vẫn đang tác động và gây ảnh hưởng đến toàn xã hội từng ngày, từng giờ. Do đó, đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là việc làm cần thiết, đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp của ngành chức năng, gia đình và cả xã hội…


Các học viên cai nghiện được học nghề để quên đi ma túy và sống có ích hơn. Ảnh: T.LÝ

Quyết liệt tấn công tội phạm ma túy

Tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra khá phức tạp. Nhằm góp phần kìm hãm sự ảnh hưởng, lây lan của ma túy trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là thế hệ trẻ, thời gian qua, các cấp, các ngành, lực lượng chức năng của tỉnh đã quyết liệt phối hợp triển khai triệt phá các tụ điểm, đối tượng nghiện ma túy.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện 216 vụ liên quan đến ma túy, tăng 71 vụ so với cùng kỳ, bắt 310 tên, triệt xóa 155 điểm phức tạp về ma túy; khởi tố điều tra 149 vụ với 188 đối tượng; lập 499 hồ sơ đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Song song đó, ngành chức năng tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp khác như: Mở 2 cơ sở điều trị bằng Methadone (1 cơ sở tại TP.Thủ Dầu Một và 1 cơ sở tại TX.Dĩ An) để hướng dẫn, tạo điều kiện cho người nghiện tiếp cận với các dịch vụ điều trị thích hợp tại cộng đồng; tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động để người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại trung tâm.

Trung tá Đỗ Ngọc Ẩn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh, cho biết: “Tình hình tội phạm ma túy ngày càng chuyển biến phức tạp, đặc biệt ở những khu vực trọng điểm về an ninh trật tự, những địa bàn giáp ranh. Thời gian qua trong cả nước nổi lên nhiều vụ án nghiêm trọng mà đối tượng gây án là tội phạm ma túy, đặc biệt là ma túy “đá”. Tại Bình Dương, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên, sự chung tay, nỗ lực của ngành công an và các ban, ngành, đoàn thể, tình hình tội phạm hình sự, ma túy có giảm, đến nay vẫn chưa có vụ án “ngáo đá” gây hậu quả nghiêm trọng nào. Riêng loại ma túy tổng hợp thường được gọi là “bùa lưỡi”, “hòn giấy”, “tem ngậm” mới nổi gây hoang mang cho dư luận trong những ngày qua, chúng tôi vẫn chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng tại Bình Dương.

Tuy nhiên, cũng như một số tỉnh, thành khác, tình hình tội phạm ma túy ngày càng trẻ hóa; phương thức hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động; việc sử dụng ma túy ngày càng đa dạng từ ma túy truyền thống chuyển sang các loại ma túy tổng hợp như “cỏ mỹ”, LSD... Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, có giải pháp căn cơ để giảm thiểu tình hình tội phạm ma túy. Ngoài ra, trước diễn biến loại hình ma túy ngày càng đa dạng, đối tượng thanh thiếu niên sử dụng nhiều sản phẩm ma túy tổng hợp dưới nhiều hình thức khác nhau, phía ngành công an cũng thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền vận động trong trường học, tại các cơ sở trọ, khu phố, địa phương, từ đó nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của ma túy”.

Làm tốt công tác đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.600 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, trung tâm chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng quản lý khoảng 1.100 người; trại tạm giam, nhà tạm giữ quản lý khoảng 250 người; ngoài xã hội khoảng 1.286 người.

Để thực hiện tốt việc lập hồ sơ và tổ chức đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy tập trung, ngày 14-2-2015, UBND tỉnh có Quyết định số 425/QĐ- UBND về việc ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Quyết định số 1915/QĐ-UBND ngày 27-7-2015 về việc ban hành Danh mục các biểu mẫu sử dụng trong quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Từ các văn bản này đã tạo cơ sở pháp lý, giúp cho công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc lập hồ sơ, lưu giữ người nghiện, chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thời gian qua được tăng cường và mang lại hiệu quả tích cực. Tính đến ngày 19-9-2016, tổng số người nghiện ma túy không nơi cư trú đang lưu giữ tại Trung tâm cai nghiện của tỉnh là 1.145 đối tượng, trong đó đã có quyết định của tòa án đối với 786 đối tượng, đang chờ tòa án xem xét 123 đối tượng, có 236 đối tượng không đủ điều kiện để xét xử.

Ông Nguyễn Quốc Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết thêm: “Bên cạnh những kết quả đạt được thì số lượng người nghiện ma túy ngoài xã hội ở Bình Dương hiện còn khá nhiều (khoảng 1.286 người), trong khi công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiện còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả. Việc phối hợp đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc vẫn còn khó khăn do nhiều nguyên nhân mà đặc biệt là do những quy định pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập”.

“Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành một số quy định mới liên quan đến biện pháp xử lý đối với người nghiện ma túy, như: Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29-6- 2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9-9-2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do vậy, để quán triệt những quy định pháp luật mới và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các ngành, địa phương trong quá trình lập hồ sơ, áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan ban ngành”, ông Trí cho biết.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.600 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, trung tâm chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng quản lý hơn 1.100 người; trại tạm giam, nhà tạm giữ quản lý khoảng 250 người; ngoài xã hội khoảng 1.286 người. Tính đến ngày 19-9-2016, tổng số người nghiện ma túy không nơi cư trú đang lưu giữ tại Trung tâm cai nghiện của tỉnh là 1.145 đối tượng, trong đó đã có quyết định của tòa án đối với 786 đối tượng, đang chờ tòa án xem xét 123 đối tượng, có 236 đối tượng không đủ điều kiện để xét xử.

 

TÂM TRANG