'Áo đỏ' Thái có thể lật đổ chính phủ không?
Những người biểu tình thuộc Liên minh chống độc tài (UDD) của Thái Lan đã thu hút sự chú ý của cả thế giới bằng hành động tưới máu đầy biểu tượng, nhưng để đến đích lật đổ chính phủ, con đường còn xa.
Đó là nhận định của tiến sĩ Andrew Walker, nghiên cứu viên cao cấp thuộc trường Châu Á Thái Bình dương thuộc Đại học Quốc gia Australia.
Người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan mang theo ảnh của cựu thủ tướng Thaksin Sinawatra.
Dưới đây là nội dung phỏng vấn của đài phát thanh Australia với ông.
- Walker: Tôi nghĩ kết quả họ thu được là đã chứng minh rằng họ vẫn là một lực lượng chính trị mạnh ở Thái Lan. Họ đã thành công trong việc huy động một lượng lớn người biểu tình đến Bangkok. Tuy không đạt con số to tát đề ra là một triệu người, nhưng rõ ràng đoàn biểu tình của họ khá lớn, gồm những người đến từ các vùng nông thôn xa xôi của Thái Lan. Vì thế đây là dấu hiệu cho thấy họ vẫn là một thế lực lớn trên chính trường Thái.
- Radio Australia: Tuy nhiên số lượng người biểu tình đang giảm dần. Ông có cho rằng phe áo đỏ đang mất tinh thần một chút không?
- Số người tham gia giảm là điều không thể tránh, bởi dân tình còn công việc và ruộng vườn phải làm, đi biểu tình là tốn tiền, rồi lại còn thời tiết vô cùng nóng nực nữa, vì thế cuộc biểu tình hẳn nhiên đã bớt quyết liệt. Tôi cho là hầu hết những người biểu tình chưa bao giờ nghĩ một cách thực sự nghiêm túc là họ có thể lật đổ chính quyền bằng cách này. Mục tiêu chính của họ là chứng tỏ khả năng huy động lượng người lớn xuống các đường phố Bangkok.
- Liệu có phải người áo đỏ thực sự muốn (cựu thủ tướng bị lật đổ) Thaksin Sinawatra trở lại, hay đó chỉ là cách hiểu của giới truyền thông quốc tế?
- Có thể có những quan điểm khác nhau trong phe áo đỏ. Tất nhiên, có những thành phần vẫn trung thành với Thaksin, và đối với họ thì ông ấy là một biểu tượng lớn, đầy quyền lực và có sức thu hút để huy động số đông. Tuy nhiên, trong Liên minh UDD nói riêng và xã hội Thái nói chung, cũng có quan điểm rộng rãi hơn về việc cần phải thiết lập lại một hệ thống mà trong đó có sự tôn trọng của toàn thể quốc gia đối với kết quả bầu cử. Tôi nghĩ rằng yêu sách của họ về bầu cử, về cơ bản, là muốn đưa vấn đề đó thành mối quan tâm trọng yếu trên chính trường quốc gia.
- Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã phớt lờ các yêu sách của áo đỏ, và tuyên bố sẽ không xem xét việc tổ chức bầu cử sớm nếu tình hình chưa yên ắng trở lại. Ông có nghĩ rằng chính phủ Thái thực sự nghiêm túc trong việc cân nhắc bầu cử sớm không?
- Tôi nghĩ rằng việc Abhisit yêu cầu yên ắng trở lại chỉ là phục vụ cho mục đích của ông ấy thôi. Một thành viên quốc hội Thái đã tiết lộ với tôi rằng thủ tướng sẽ không tổ chức bầu cử sớm nếu ông ấy không chắc chắn rằng mình thắng cử. Điều đó có nghĩa là sẽ phải chờ một thời gian dài. Theo suy nghĩ của tôi, Abhisit lo rằng nếu bầu cử bây giờ, phe thân Thaksin sẽ có kết quả tốt và thành lập một chính phủ mới. Ông ấy sẽ trì hoãn càng lâu càng tốt. Theo hiến pháp Thái Lan, bầu cử sẽ diễn ra năm tới. Chúng ta có thể thấy ông ấy sẽ tổ chức bỏ phiếu vào lúc đó. Nhưng ai mà biết được, họ có thể có quân bài bí mật nào đó để trì hoãn bầu cử lâu hơn nữa.
- Ông cảm nhận tình hình Thái Lan thế nào?
- Có những quan điểm khác nhau về tính hợp pháp của chính phủ của ông Abhisit. Ông ấy lên nắm quyền trong những tình huống đặc biệt, như anh nói là do quốc hội chọn ra, nhưng vào thời điểm sau hai vụ chiếm đóng sân bay quốc tế ở Bangkok, và rồi tòa án tuyên giải tán chính phủ khi đó. Kể từ khi nhậm chức, Abhisit đã làm tốt trong nhiều lĩnh vực, đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và quản trị tốt. Tôi nghĩ là có nhiều điều để tôn trọng chính phủ này.
Cuối cùng, cho dù mọi người nhận ra sớm hay muộn thì vấn đề mấu chốt nhất là: sẽ phải có một cuộc bầu cử trong lúc xã hội Thái Lan vẫn tồn tại những chia rẽ rất sâu sắc. Liệu người dân có chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử đó hay không?
Theo VNE