Anh Trần Anh Thi: Vượt qua nghịch cảnh bằng nghị lực phi thường
Nếu chỉ nhìn từ xa, không thấy anh “đọc” bằng tay từ những văn bản viết chữ nổi, chúng ta sẽ thấy anh bình thường như mọi người… Và, càng tiếp xúc với con người có nghị lực phi thường này, chúng ta càng quý mến anh hơn.
(BDO)
Anh Trần Anh Thi tại Hội nghị điển hình người mù tỉnh Bình Dương. Ảnh: Q.NHƯ
Tuổi thơ thiếu may mắn
Anh Trần Anh Thi hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù TX.Bến Cát. Phong cách điềm đạm, tự nhiên và gần gũi khiến mọi người cảm thấy thật thân thiện ngay từ lần gặp đầu tiên. Vậy nhưng để có hình ảnh tự tin như hôm nay, anh Thi có tuổi thơ thiếu may mắn và phải vượt qua nghịch cảnh của bản thân mình bằng một nghị lực mà không phải ai cũng có được.
Anh Trần Anh Thi, sinh năm 1988, hiện sống tại xã Lai Hưng, TX.Bến Cát. Anh tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi cũng ước mơ được cắp sách đến trường. Nhưng khi tôi chuẩn bị bước vào lớp 5 thì bị căn bệnh lao màng não phát tán và mắt tôi đã không nhìn thấy gì nữa… Không lâu sau đó, mẹ tôi ngã bệnh và qua đời khi tôi 11 tuổi. Sau đó tôi được sự động viên của gia đình, lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đến Hội Người mù học chữ Braille. Được sự giới thiệu của Tỉnh hội, tôi xuống Sài Gòn theo học tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để học cao hơn. Tại đây tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng quyết tâm phấn đấu trong học tập. Kết quả cuối cấp bậc tiểu học tôi đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Sau đó tôi được học tiếp THCS và THPT. Tôi học hòa nhập với các bạn sáng mắt. Đó là ngôi trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 5, TP.Hồ Chí Minh. Lên trung học, tôi học ở trường Chu Văn An, quận 5, TP.Hồ Chí Minh. Kết quả hàng năm đều được loại giỏi, khá. Tốt nghiệp THCS đạt loại giỏi và được Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh trao tặng”. Bây giờ mọi chuyện đã bình thường chứ trước đây là cả một cuộc chiến đấu mãnh liệt với bản thân. Bởi, từ một đứa trẻ bình thường, học hành giỏi giang nay bỗng dưng mù mắt, cả thế giới như sụp đổ trước mắt anh. Rất lâu sau anh mới “làm quen” lại với bản thân mình. Nhờ sự yêu thương, giúp đỡ của người thân, anh dần dần quen với cuộc sống thiếu ánh sáng. Mọi chuyện từ sinh hoạt, học hành đều khó khăn, bực bội hơn khi còn sáng mắt nhưng anh buộc phải quen với nó. “Nếu mình không vượt qua được hoàn cảnh, mình sẽ bị nó nhấn chìm luôn”, đó là câu mà anh luôn tự nhắc mình để phấn đấu, vươn lên.
Nghị lực phi thường
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Anh Thi được tuyển thẳng vào khoa Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, bên cạnh việc học chuyên ngành, anh Thi còn học các lớp vi tính nâng cao dành cho người mù, học tiếng Nhật, massage Nhật Bản, massage Việt Nam… Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên trong suốt 4 năm học đại học, anh tranh thủ đi làm thêm massage tại cơ sở của trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu vào những ngày cuối tuần và mùa nghỉ hè để kiếm thêm thu nhập mà lo cho việc học và giảm áp lực cho gia đình.
“Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi cũng ước mơ được cắp sách đến trường. Nhưng khi tôi chuẩn bị bước vào lớp 5 thì bị căn bệnh lao màng não phát tán và mắt tôi đã không nhìn thấy gì nữa… Không lâu sau đó, mẹ tôi ngã bệnh và qua đời khi tôi 11 tuổi. Sau đó tôi được sự động viên của gia đình, lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đến Hội Người mù học chữ Braille. Được sự giới thiệu của Tỉnh hội, tôi xuống Sài Gòn theo học tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu để học cao hơn. Tại đây tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng quyết tâm phấn đấu trong học tập. Kết quả cuối cấp bậc tiểu học tôi đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Sau đó tôi được học tiếp THCS và THPT. Tôi học hòa nhập với các bạn sáng mắt. Đó là ngôi trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 5, TP.Hồ Chí Minh. Lên trung học, tôi học ở trường Chu Văn An, quận 5, TP.Hồ Chí Minh. Kết quả hàng năm đều được loại giỏi, khá. Tốt nghiệp THCS đạt loại giỏi và được Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh khen thưởng”, anh Trần Anh Thi tâm sự. |
Điều ngạc nhiên với những ai khi tiếp xúc với anh Thi là sự luyện tập bền bĩ của anh trong thể thao. Bên cạnh việc học tập, anh còn tham gia học một số môn thể thao để tăng cường sức khỏe như: Ném lao, ném đĩa, đẩy tạ, võ Judo và được tham gia nhiều hội thi dành cho người khuyết tật toàn quốc. Anh đã đạt được 13 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 8 huy chương đồng. “Năm 2005, tôi được chọn đi thi cùng các vận động viên khiếm thị khác. Tôi đăng ký các môn thể thao như: Ném lao, ném đĩa, đẩy tạ… Năm đó, tôi được một huy chương vàng. Tiếp theo, có năm tôi nhận được 3 huy chương vàng cho 3 môn thi”, anh Thi chia sẻ. Điều đáng nể hơn nữa là anh toàn chọn việc… khó để làm, để học. Hiện nay, anh có thể dạy tiếng Nhật cho người sáng mắt. Một lý do anh chọn ngôn ngữ này theo Anh Thi còn là “nể người Nhật, họ luôn biết vượt qua nghịch cảnh để tồn tại và sống tốt hơn, ý thức kỷ luật cũng rất cao”.
Bằng một giọng nói nhẹ và ấm, anh Thi trải lòng mình: “Nỗi đau thêm chồng chất, khi tôi đang học đại học năm thứ ba thì ba tôi qua đời. Nhưng nỗi đau ấy không làm tôi gục ngã mà còn khiến tôi cố gắng phấn đấu nhiều hơn. Đến tháng 7-2012, tôi tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt với tấm bằng sư phạm loại khá. Sau đó tôi được trường Mầm non chuyên biệt Bình An (chuyên nuôi dạy trẻ khuyết tật về trí tuệ và vận động) TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương mời về phụ trách mảng xoa bóp trị liệu của trường. Sau 2 năm công tác với những kiến thức được học đã giúp các em có được nhiều kinh nghiệm bổ ích cho bản thân”. Sự cố gắng, nỗ lực của anh Thi đã được ghi nhận. Năm 2014, tại Đại hội nhiệm kỳ VII (2009-2014) của Hội Người mù Bến Cát, Trần Anh Thi được bầu vào Ban Chấp hành Thị hội Bến Cát và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Người mù TX.Bến Cát. Đó là niềm hạnh phúc lớn của anh. Với trách nhiệm mới, anh Thi càng nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập chuyên môn và nghiệp vụ, cùng với Ban Chấp hành hội xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức nhiều phong trào hoạt động chăm lo đời sống người mù trong thị xã ngày càng tốt hơn cả về tinh thần và vật chất, xứng đáng với niềm tin yêu của Hội Người mù, của lãnh đạo thị xã, đặc biệt vươn lên thực hiện lời dạy “tàn nhưng không phế” của Bác Hồ.
Anh Thi chân tình chia sẻ rằng, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể và những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời đã hỗ trợ người mù. Anh là một người được quan tâm giúp đỡ và đã không phụ lòng những người kỳ vọng vào mình.
Gặp tôi, anh Thi khoe là mình vừa mới lập gia đình. Người bạn đời của anh tự nguyện làm “đôi mắt” cũng như bù đắp những gì còn khiếm khuyết ở chồng mình. Để có được hạnh phúc như ngày hôm nay là một quá trình vượt qua bao khó khăn để tự chiến thắng nghịch cảnh, để mình tự tin hơn trong cuộc sống. Gia đình anh Thi đông anh em, đến 9 anh chị em nhưng luôn thương yêu, giúp đỡ nhau và đây cũng là nguồn động viên, giúp đỡ anh Thi thật nhiều khi ba mẹ không còn…
Nói về cuộc sống hiện tại, anh Thi cho biết, ngoài chăm lo cho gia đình, anh còn làm nhiều công tác của hội với mong muốn cho hội viên ngày một có cuộc sống tốt đẹp hơn qua các chương trình của Hội Người mù như tạo việc làm, vay vốn. “Vấn đề quan trọng là tự bản thân người mù phải vươn lên. Đừng trông chờ vào ai có thể cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn được. Có học thức, có nghề nghiệp thì tự nhiên mình cũng sẽ tự tin hẳn lên để vượt qua nghịch cảnh tối tăm của cuộc đời. Một điều nữa là cộng đồng cần giúp họ hòa nhập bằng công việc, bằng thu nhập ổn định và bằng cái nhìn không kỳ thị, chỉ thế thôi”, anh Thi chia sẻ thêm. Hiện tại, TX.Bến Cát có 119 hội viên Hội Người mù và không có hộ nghèo. Anh Thi cùng lãnh đạo hội đã tham mưu, lập dự án vay vốn cho 8 hộ vay 98 triệu đồng làm kinh tế gia đình. Nhân viên massage của hội hiện có 4 người với thu nhập gần 2,3 triệu đồng/tháng. Mong muốn của anh Thi là mở nhiều cơ sở sản xuất, massage để người mù ngày càng vươn lên, tự tin trong cuộc sống.
Anh cũng là một trong những cá nhân tiêu biểu nhất của tỉnh được chọn đi Hà Nội dự Hội nghị điển hình người mù toàn quốc. Đó là niềm vinh dự và cũng là phần thưởng xứng đáng cho những gì Trần AnhThi đã nỗ lực phấn đấu.
QUỲNH NHƯ