Anh Nguyễn Hữu Triệu - người nặng tình với cây tiêu

Chủ nhật, ngày 13/01/2013

Năm 1989, ngay khi đặt chân đến xã An Bình, huyện Phú Giáo (Bình Dương), anh Nguyễn Hữu Triệu đã gửi gắm ước mơ làm giàu của mình vào cây tiêu. Thế nhưng, cây tiêu cũng đã làm cho gia đình anh không ít lần khốn đốn…

Những ngày gần tết này, ghé thăm lại xã An Bình, vùng đất từng được xem là thủ phủ của cây tiêu ở Bình Dương nhưng nay, diện tích cây tiêu không còn nhiều. Người dân An Bình tuyệt tình với cây tiêu vậy sao?

  Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Triệu cần mẫn chăm sóc vườn tiêuTrò chuyện với anh Võ Trung Đạo, cán bộ xã An Bình, anh nói: “Cây tiêu gặp khó lâu quá, nhiều người dân ở đây mất kiên nhẫn, thêm vào đó, cây cao su đã chứng minh lợi thế của mình so với tiêu nên người dân An Bình đã bỏ tiêu chuyển sang trồng cao su, diện tích cây tiêu vì thế mà giảm hẳn. Nói là thế, chứ vẫn còn những người quyết bám trụ với cây tiêu và họ vẫn sống tốt nhờ vào cây tiêu”. Nói xong, anh Đạo đưa chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Hữu Triệu, một người vẫn “nặng lòng” với cây tiêu.

Nhà anh Triệu cách khá xa trụ sở UBND xã An Bình. Tìm nhà anh không khó, giữa khu rừng cao su mênh mông, một căn nhà tường khá khang trang bao bọc bởi vườn tiêu gọn gàng, tươm tất. Những ngày này, tiêu bắt đầu chín, chuẩn bị cho thu hoạch. Nọc tiêu nào cũng trĩu nặng quả.

Anh Triệu là người gốc Thanh Hóa, không có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng tiêu. Chân ướt chân ráo đến xứ lạ quê người, lại chọn cây trồng mình chưa làm quen để gầy dựng cơ nghiệp. Vợ chồng anh chạy vạy làm thuê cuốc mướn để có bữa ăn hàng ngày nuôi 3 đứa con nhỏ, nhà có ít đất vay tiền ngân hàng đầu tư hết vào trồng tiêu. Vậy mà, khi tiêu bắt đầu cho thu hoạch là lúc cây tiêu rơi vào thời kỳ “suy thoái”, mất giá, sâu bệnh, mất mùa…

Anh Triệu kể: Vào những năm thập niên 90, vườn tiêu của gia đình anh phát triển tươi tốt, mỗi năm gia đình thu khoảng 500 đến 600 kg tiêu. Giá bán mỗi 1 kg tiêu khô có lúc lên tới 100 ngàn đồng. Nhờ số tiền này gia đình tích lũy vốn mua thêm 1,5 ha đất trồng cây cao su để tăng thêm thu nhập. Hiện vườn cây cao su của gia đình cũng đã cho thu hoạch, góp phần cùng cây tiêu ổn định cuộc sống.

 Cây tiêu đã giúp cho cuộc sống gia đình anh Triệu ngày càng tươm tất hơn.

“Cây tiêu thấy vậy chớ nhạy cảm với thời tiết, nhất là lúc trời mưa cũng là lúc bắt đầu tiêu ra chuỗi non, sương muối thường hay xuất hiện dễ làm rụng chuỗi, không có kỹ thuật chăm sóc là thất mùa. Bởi vậy, khi “trái gió trở trời”, hai vợ chồng mình cũng ăn không ngon ngủ không yên, túc trực tìm giải pháp mà xử lý”, anh Triệu tâm tình.

Nguồn thu từ cây tiêu, cây cao su, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Triệu đã xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh và các dụng cụ cần thiết để sinh hoạt trong gia đình. Cuộc sống gia đình anh nhờ đó ngày càng tươm tất hơn. Đặc biệt, cây tiêu đã giúp gia đình anh nuôi dạy 3 con trưởng thành. “Tất cả đều xuất phát từ tiêu, nên dù hoàn cảnh nào mình cũng không rời bỏ cây tiêu”, anh Triệu quả quyết.

Nhờ được chăm sóc kỹ càng, đúng quy trình kỹ thuật, vườn tiêu của vợ chồng anh Triệu luôn xanh mượt. Ngày nào hai vợ chồng cũng ra vườn vạch từng lá bắt bệnh cho tiêu, xem tiêu thiếu gì, cần “ăn gì” để chăm lo kịp thời. Thời điểm này, giá tiêu thị trường lên đến 130.000 đồng/kg, hứa hẹn mùa bội thu cho gia đình anh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Quang, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, toàn xã hiện còn khoảng 150 hộ duy trì phát triển cây tiêu với diện tích khoảng 130 ha. Trong đó, hộ trồng ít nhất khoảng 1.000 đến 2.000 m2, tương đương với vài chục nọc tiêu; hộ trồng nhiều khoảng 10.000 m2, tương đương với vài trăm nọc tiêu. Năm 2012 vừa qua, toàn xã đã phục hồi và trồng mới khoảng 50 ha diện tích trồng tiêu. Hiện vườn tiêu của các hộ trong xã đều phát triển tốt và hứa hẹn một mùa thu hoạch bội thu.

Trong năm vừa qua, Hội Nông dân xã An Bình đã chủ động phối hợp với các trung tâm khuyến nông tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn tiêu cho các hộ trồng tiêu trong xã. Với mục đích giúp bà con trong việc duy trì và phát triển vườn tiêu đạt năng suất và hiệu quả cao hơn.

 

Trung Nam