Ảnh hưởng của châu Á trong gián đoạn cục bộ chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ hai, ngày 04/12/2023

(BDO) Ngày 4-12, Diễn giả Francis Schortgen, Phó trưởng khoa, Đại học Utah Cơ sở châu Á (Hàn Quốc) điều hành phiên đối thoại với chủ đề “Ảnh hưởng châu Á trong gián đoạn cục bộ chuỗi cung ứng toàn cầu”, trong chuỗi các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023. 


Các đại biểu tham gia phiên đối thoại

Theo các diễn giả, các sự kiện cục bộ đôi khi nổ ra và gây ra nhiều gián đoạn, sau đó tất cả các dịch vụ trở nên quá tải. Gần đây, hệ thống tài chính toàn cầu bị mất ổn định sau đại dịch Covid - 19 và có khả năng phát triển thành suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. 

Tại phiên đối thoại, các diễn giả đã thảo luận xung quanh những vấn đề như: Các khu vực, quốc gia và doanh nghiệp địa phương có thể thiết lập khả năng phục hồi như thế nào; làm thế nào để củng cố các dự án công cộng, tư nhân để chống lại các hiện tượng thiên nga đen; vai trò của ASEAN trên khắp Đông Nam Á để giảm lây nhiễm kinh tế là gì…



Các diễn giả thảo luận tại phiên đối thoại

Theo diễn giả Nobumitsu Akai, Giám đốc, Tập đoàn JFR (Nhật Bản), sự gián đoạn chuỗi cung ứng vừa tạo cơ hội và thách thức cho sự phát triển kinh tế. Việc gián đoạn giúp đa dạng hóa nền kinh tế toàn cầu, kinh tế tuần hoàn, tạo ra đa dạng hóa nền cung ứng. Đây cũng chính là “chìa khóa”, cơ hội để mỗi quốc gia đa dạng hóa nền kinh tế của mình. 

Việt Nam có một nền kinh tế tốt. Nền kinh tế Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp nhỏ. Ông tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục thành công và tận dụng được đà phát triển.

Diễn giả Francis Schortgen cho rằng, sức mạnh đàm phán của các bên sẽ là giải pháp tốt hơn để giảm sự ảnh hưởng kinh tế do gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra. Ngoài ra, mỗi quốc gia cần có giải pháp để ít phụ thuộc vào quốc gia khác về chuỗi cung ứng. Với nền kinh tế tuần hoàn, mỗi quốc gia sẽ  giảm bớt sự phụ thuộc vào chủ thể, đồng thời ứng dụng công nghệ blockchain sẽ tạo gắn kết tốt hơn.

Tin, ảnh: Phương Lê