Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Từ Văn Phước: Dũng cảm, mưu lược trong từng trận đánh
Ngay từ nhỏ, Từ Văn Phước đã nổi tiếng là người tinh thông võ nghệ nhờ được chân truyền từ cha. Không chỉ giỏi võ, cậu bé Phước đã sớm bộc lộ tính cách gan dạ và trí tuệ vượt trội hơn nhiều so với chúng bạn cùng lứa, nhất là sự hào sảng, sẵn sàng giúp đỡ người thân cô thế yếu. Lợi dụng những lần tham gia đánh trận giả cùng đám bạn trẻ chăn trâu trên đồng để bí mật làm nhiệm vụ giao liên, tiếp tế cho các đồng chí du kích cũng là người cùng làng đang ẩn nấp ở bìa rừng Cò My. Nhờ sự mưu trí và dũng cảm mà cậu bé Phước đã che giấu, bảo vệ an toàn một đồng chí bộ đội trinh sát bị thương ngoài ruộng gò sau một trận đột kích bất thành vào bót địch ở gần ngã tư chùa Thầy Thỏ bấy giờ.
Anh hùng dễ có mấy tay...
Ít năm sau, chàng trai Từ Văn Phước lập gia đình và khi có đứa con thứ hai thì vợ mất, ông phải một mình gà trống nuôi con. Năm con trai út Từ Văn Hương lên 3 tuổi, Từ Văn Phước gửi 2 con lại cho cha - cũng là người đàn ông góa vợ nuôi nấng, còn mình chính thức thoát ly vào căn cứ, gia nhập lực lượng bộ đội chính quy để có cơ hội giết giặc lập công báo đền nợ nước thù nhà.
Anh Từ Văn Hương thắp nhang tưởng nhớ người cha anh hùng
Tiếp chúng tôi tại nhà, ông Trương Quốc Đấu, SN 1947, chiến đấu cùng đơn vị, nhiều lần trú ẩn cùng hầm với AH Từ Văn Phước, từng được phong là Dũng sĩ diệt Mỹ vào năm 1966 kể lại: “Anh Từ Văn Phước tốt nghiệp khóa II, còn tôi học khóa III lớp Đặc công do tỉnh tổ chức. Sau đó, tôi được phân công về làm lính dưới quyền của anh Phước, cùng chiến đấu ở đơn vị Trung đội trinh sát đặc công huyện Lái Thiêu. Cùng làng, cùng đơn vị, sát cánh bên nhau trong nhiều trận đánh lớn nhỏ nên có thể nói anh em rất hiểu tính tình, thương yêu nhau. Ở đơn vị, anh Phước có biệt danh là “ông Phật Nhị thiên đường”, không phải chỉ vì ảnh lúc nào cũng cười hề hề, mặt phúc hậu như ông Phật trên chai dầu Nhị thiên đường, mà hơn hết là cách sống chan hòa, rất độ lượng và hết mình giúp đỡ, chỉ bảo anh em cùng đơn vị. Sống và chiến đấu chung nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi nghe hay thấy anh Phước nặng nhẹ, trách phạt anh em, mà lúc nào cũng bao dung, luôn sẵn sàng nhận phần khó khăn, trách nhiệm nguy hiểm về mình, không bao giờ bỏ rơi đồng đội dù tình huống ngặt nghèo”.Người gieo rắc kinh hoàng cho giặc Mỹ
Ông Sáu Đấu bồi hồi tiếp lời: “Tôi nhớ vào một đêm khoảng đầu tháng 10-1965, tôi cùng anh Phước và đồng đội tên Trương làm thành một tổ, ôm mìn ĐH10, thủ carbin, dao găm bí mật đột nhập bót mới của Mỹ vừa đổ quân chuẩn bị tấn công vào chiến khu Thuận An Hòa (TX.Thuận An bây giờ). Đang gài ĐH10 ở vòng kẽm gai thì bất ngờ bị tụi Mỹ phát hiện giương súng lên bắn một phát vào đúng mông của anh Trương, nhưng do cự li gần chưa đủ vòng nên trái M79 không nổ, mà chỉ làm anh bị thương nằm quỵ xuống. Trong tình huống này, anh Phước bảo bằng mọi cách phải đưa Trương về căn cứ, không để đồng đội sa vào tay giặc. Vừa bắn trả vừa rút lui theo giao thông hào, thoát khỏi vòng hỏa lực của địch, anh Phước và tôi thay nhau cõng anh Trương suốt 6 tiếng đồng hồ mới về tới căn cứ an toàn”.
Không chỉ nổi trội về phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống mà anh Phước còn thật sự là một cán bộ chỉ huy mưu lược và hết sức gan dạ, dũng cảm, không nản lòng trước khó khăn, thách thức. Hầu hết các trận đánh, anh Phước đều tự mình cùng với một hai đồng đội đi trinh sát thực địa, rồi về lên kế hoạch rất kỹ lưỡng và có cả phương án dự phòng. Những trận đánh bót Thuận Giao, tua Dốc Dài (Hưng Định), Phú Long, Gò Tương... đều ghi dấu chiến công của anh Phước và các đồng đội tôi ở Trung đội Trinh sát Lái Thiêu.
Nhấp ngụm nước trà, ông Sáu Đấu kể lại: “Trận đánh đáng nhớ nhất là cuộc chống càn vào căn cứ Huyện đội Lái Thiêu lúc đó đóng tại chiến khu Thuận An Hòa, vào ngày 5-7-1965 với một tiểu đoàn của Lữ đoàn dù 173 Mỹ hành quân càn quét có xe tăng yểm trợ tấn công vào căn cứ. Dựa vào hệ thống địa đạo, giao thông hào, ô ụ chiến đấu, anh Phước và Trung đội Trinh sát cùng với lực lượng Trung đoàn Quyết thắng, Tiểu đoàn 3 Đặc khu Sài Gòn - Gia Định anh dũng chống càn. Suốt 3 ngày đêm chiến đấu, ta diệt và làm bị thương hàng trăm tên giặc Mỹ, thu 14 súng các loại, 5 máy truyền tin PRC, phá hủy nhiều xe tăng và phương tiện chiến tranh khác. Đặc biệt lúc này, anh Phước cùng với đồng chí Tư Sỹ (Huyện đội phó Lái Thiêu) cùng 1 cán bộ khác bị xe tăng địch cán sập hầm. Anh Phước đã bình tĩnh cùng với 2 đồng chí của mình dùng dao găm, lưỡi lê đào theo rễ cây để lấy không khí thở và thông miệng hầm, sau đó tốc dậy đánh địch. Sau khi gài mìn ĐH10 nhưng không nổ do bị đạn pháo làm đứt dây dẫn, anh Phước dám một mình bò trở lại nối dây dẫn kích nổ thành công, vừa chặn đường vừa tiêu diệt xe tăng Mỹ đang càn vào căn cứ!
Đến cuối năm 1965, Từ Văn Phước lại tiếp tục lập công vang dội, một mình bắn cháy một xe tăng tại cổng nhà Thơ, phá hủy một xe Jeep, diệt 5 tên Mỹ, làm bị thương 4 tên khác tại Cây Da, ngã ba nhà ông Nguyễn Văn Thời. Với những chiến công này, anh Phước 2 lần được tuyên dương “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Sang năm 1967, chiến công của anh Phước còn vang dội hơn, góp phần làm thất bại chiến lược mùa khô của Mỹ. Riêng bản thân anh Phước diệt thêm hàng chục tên Mỹ cùng rất nhiều tên ngụy, được tuyên dương Dũng sĩ diệt Mỹ cấp độ ưu tú và được tuyên dương AHLLVTND lúc vừa tròn 31 tuổi!
Tên anh sẽ thành tên đất?
Trong suốt cuộc chiến chống Mỹ, hàng trăm người mới có một người được tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” vậy mà anh Phước có tới 3 lần được tôn vinh danh hiệu này, mà cấp độ tuyên dương ở lần sau luôn cao hơn lần trước! Theo tôi nhớ và những gì các bạn chiến đấu kể lại thì anh Phước cùng đồng đội đã tiêu diệt cả trăm tên Mỹ xâm lược, chưa kể số lính ngụy, lính chư hầu...
Trong căn nhà khang trang mới cất từ nguồn thu nhập cho thuê nhà trọ, trồng hoa màu, anh Từ Văn Hương, con trai của AHLLVTND Từ Văn Phước, cẩn thận giới thiệu với chúng tôi những kỷ vật do người cha thân yêu để lại. Anh Hương cho biết: “Tôi nhớ lúc mình 12 - 13 tuổi gì đó, được cơ sở mật móc nối, đưa vào căn cứ đóng tại Hố Lào (xã Tân Bình, TX.Dĩ An hiện nay) thăm ba tôi đang bị thương nặng ở đầu, ngực và chân, phải quấn băng trắng toát, đi đứng không được, nằm trên băng ca có 2 người khiêng”.
Anh Hương thuật lại: “Lúc tôi đến bệnh xá thì cha tôi rất yếu. Ông kêu tôi lại gần thều thào dặn rằng “con về ráng học và lo cho ông nội cùng chị hai. Chừng nào giải phóng, hết giặc ba mới về với 2 con”. Nói tới đó, ba tôi mệt thiếp đi. Đợt đó tưởng rằng ba tôi không qua nổi. Nhưng cũng giống như 3 lần bị thương trước đó, nghe nói khi vừa khỏe lại ba tôi tiếp tục xung phong cầm súng, dẫn đầu Trung đội Trinh sát của Huyện đội Lái Thiêu công đồn giặc”.
Câu chuyện của chúng tôi tiếp nối xung quanh những kỷ vật của AH Từ Văn Phước để lại, nay đã trở thành gia tài quý giá cho hai chị em anh Hương. Trong số này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến 3 chiếc huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp độ I, cấp độ II và cấp độ III trao tặng cho AH Từ Văn Phước trong những năm 1962-1969. Bên cạnh đó, những chiếc huy chương khắc bằng tiếng Nga do Liên Xô trao tặng và tấm giấy báo tử đã ố màu vàng làm chúng tôi không thể rời mắt.
Cầm di vật của người cha để lại, anh Hương kể: “Nghe bạn chiến đấu của ba tôi nói là sau lần bị thương vào năm 1970, khiến nhiều cơ quan nội tạng bị xuất huyết, sưng phù, ông già được đưa ra Hà Nội chữa trị tại Viện Quân y 108. Sau đó, nghe nói ba tôi được Đảng và Nhà nước ta đưa qua Liên Xô chữa trị” để kéo dài cuộc sống. Những nỗ lực cứu chữa của bác sĩ 2 nước và ý chí sinh tồn mãnh liệt chỉ có thể giúp AH Từ Văn Phước chống chọi thêm được gần 2 năm với tử thần trên giường bệnh trước khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1973 tại Viện Quân y 108.
Câu chuyện về những chiến công, những giai thoại về biệt tài đi trong bóng đêm nhanh như bay, hạ gục tên Mỹ cao to chỉ sau một thế võ hiểm Bà Trà - Tân Khánh, những lần bị thương chết đi sống lại... của AH Từ Văn Phước qua lời kể của các cựu binh và anh Hương, cứ như mạch suối ngầm được khơi đúng chỗ, dâng tràn không ngớt...
NGUYỄN CHÍ THANH