Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Tèo: Dũng cảm bắn rơi máy bay địch
Bà Ngô Thị Nhôm đứng trước bàn thờ anh hùng liệt sĩ Phan Văn Tèo Sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, cha, mẹ, chị đều theo cách mạng cầm súng bảo vệ quê hương xóm làng. Từ nhỏ, trái tim anh Tèo đã trao hết cho quê hương Tân Bình. Càng yêu quê hương bao nhiêu anh càng hận thù kẻ dịch giày xéo quê hương bấy nhiêu. Bà Ngô Thị Nhôm, vợ liệt sĩ Phan Văn Tèo nhớ lại: “Cứ mỗi lần ông nghe bọn ác ôn hay bọn Mỹ kéo về, máu trong người ông cứ sôi sục, luôn trầm tư tìm mọi cách diệt cho được giặc. Bao nhiêu tên giặc, tên ác ôn bị ông giết tôi không nhớ hết, chớ bản tính gan dạ, dũng cảm ấy đã chinh phục tôi lúc tuổi 18 vừa chớm yêu”.
Phan Văn Tèo tham gia cách mạng tuổi 18, chỉ hơn một năm sau ông đã hiến thân mình cho Tổ quốc. Nhưng một năm ấy lòng gan dạ dũng cảm của ông đủ chinh phục biết bao thế hệ. Anh Ngô Phú Cường, hiện là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Phước Hòa, Phú Giáo cho biết, sinh ra lớn lên tôi thấm nhuần tấm gương anh dũng hết lòng vì nước, vì quê hương của bác Tèo, tôi nguyện phấn đấu hết mình, tiếp nối truyền thống của Bác.
Gói gọn chỉ một năm chiến đấu, Phan Văn Tèo đã đánh 50 trận lớn nhỏ. Có lần bị địch bắt, chúng đánh đập, tra trấn suốt 15 ngày, ông không khai báo một lời. Không một manh mối nào của cách mạng được tiết lộ, sau đó chúng đành phải thả ông. Trở về địa phương ông lại tiếp tục chiến đấu, riêng ông đã tiêu diệt 65 tên địch, trong đó có 6 tên tề, điệp, ác ôn, bắn rơi 1 máy bay, bắn hỏng 4 xe quân sự. Trận đánh đêm 25-12-1969, Phan Văn Tèo cùng với một du kích mật đi đánh đồn lính Mỹ, đợi chúng lọt hết vào tầm sát thương mìn, ông điểm hỏa diệt 20 tên.
Bà Nhôm vợ ông cho biết, ông ấy có máu kỳ lạ, việc gì làm phải làm cho trót. Nói diệt đồn nào phải diệt cho được, hôm nay không được thì ngày mai, diệt được mới thôi. Khi gặp địch, xông pha đi trước phân tán chú ý của địch để bảo vệ anh em cả đoàn phía sau. Một lần ông dẫn một đoàn cán bộ đi công tác qua cánh đồng trống, bất ngờ máy bay lên thẳng của địch ào tới, không hề hoảng loạn, ông bình tĩnh bắn rơi một chiếc, hút địch về phía mình cho cả đoàn đi thoát.
Một lần khác, ông bố trí một trận đánh xe rất táo bạo giữa ban ngày. Nắm được quy luật chiếc xe chở sĩ quan ngụy từ Phước Vĩnh về Bình Dương, ông bố trí một tổ phục kích cách đường 100m để yểm trợ, còn mình hóa trang, giấu súng đứng ngay trên đường chờ địch, chiếc xe vừa đến gần ông bắn chết tên lái làm xe đổ nhào, tiếp tục diệt nốt những tên còn lại rồi trở về an toàn.
Lòng gan dạ ấy, tên tuổi của ông đã lan khắp các chiến trường và đã chinh phục trái tim người phụ nữ Ngô Thị Nhôm, một nữ du kích tính khí dũng cảm không kém gì đấng mày râu. Nhiều lần cùng ông thi đua lập thành tích diệt Mỹ. Cả hai đem lòng yêu nhau, nguyện cùng nhau kề vai sát cánh chống lại kẻ thù xâm lược.
Vào tháng 3-1970, ông đưa đoàn cán bộ đi công tác, bị máy bay địch phát hiện, với nhiệm vụ kép vừa bảo vệ dân làng còn đang lao động trên đồng vừa tìm cách để đoàn chạy thoát, một mình ông bắn trả đánh lạc hướng địch, bảo vệ an toàn cho đoàn cán bộ và dân làng. Riêng ông đã trúng đạn và hy sinh để lại người vợ mang thai 3 tháng cũng bị địch bắt, tù đày cùng ngày.
Thế mới biết sự tàn khốc của chiến tranh, biết bao mất mát, đau thương, gia đình ly tán. Nhưng ông sẽ mỉm cười nơi chín suối vì người phụ nữ ông kết tóc xe duyên có lòng dũng cảm, kiên định không kém gì ông. Dù bị tra tấn đòn roi, bà vẫn nén đau thương nuôi dưỡng niềm hy vọng của cả 2 người, đồng thời mưu trí giữ gìn tuyệt đối bí mật của tổ chức. Đã 42 năm vĩnh viễn chia cắt đôi đường, bà nén nỗi buồn mất chồng vượt trăm bề gian khó, một mình nuôi con khôn lớn và quyết không tái giá cho đến ngày nay.
Với những chiến công ấy, Phan Văn Tèo đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như: Huân chiến Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương chiến công giải phóng hạng 3. Ngày 6 tháng 11 năm 1978, ông được nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời kỳ nào, xương máu của những chiến sĩ dũng cảm ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc, sử sách sẽ mãi mãi ghi dấu không phai. Sự hy sinh của anh hùng Phan Văn Tèo ở tuổi đôi mươi mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ noi theo.
HÒA NHÂN - CHÍ THANH