Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Tính: “Chỗ không đề phòng chính là tử huyệt của địch...”
Đại tá Lê Tính, nguyên Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước là một trong những người có mặt tại Thủ Dầu Một vào ngày 30-4-1975. Người có bề dày trận mạc và một trong những trận đánh để đời do ông chỉ huy là trận đánh vào Chi khu Chơn Thành trong những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4-1975, mở đường cho quân ta tiến về giải phóng Thủ Dầu Một, Sài Gòn.
Niềm vui tuổi già hàng ngày của Đại tá Lê Tính là chăm sóc cây cảnhKhi đề cập đến những ngày tháng của mùa xuân đại thắng 1975, khuôn mặt bao dung, hiền từ của người anh hùng như bộc lộ hết những kỷ niệm của một thời trai trẻ, súng khoác trên vai hiên ngang ra trận. Đại tá Lê Tính kể: “Lúc 17 tuổi, tôi tham gia quân đội và có mặt ở nhiều nơi trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Đến năm 33 tuổi giữ chức Phó Tham mưu trưởng Đoàn 203”. Từ những lời ông kể, hình ảnh của những đoàn quân chiến thắng năm xưa tiến về giải phóng Sài Gòn như hiển hiện trong tâm trí chúng tôi. Đại tá Lê Tính cho biết trong chiến dịch Nguyễn Huệ đánh chiếm Bình Long, giải phóng sân bay Tếch-ních, Đoàn 203 của ông cùng với bộ đội chủ lực bao vây tiểu khu và đánh vào dinh Tỉnh trưởng Bình Long ở thế giằng co với địch hàng chục ngày liền. Đến ngày 23-3-1975, quân địch yếu thế nên rút lui.
Lúc này, Đoàn 203 tiếp tục được lệnh đánh thẳng xuống phía bắc Chơn Thành để tạo ra thế bàn đạp cho các đơn vị khác đánh thọc sâu vào Chi khu Chơn Thành, mở đường cho các cánh quân khác tiến về Thủ Dầu Một, Sài Gòn. Lúc này, quân địch rút về co cụm ở đây rất đông (theo Biên niên sự kiện Quân đoàn 4, ở Chơn Thành lúc bấy giờ phía địch có cả Liên đoàn biệt động quân 31; Chi đoàn thiết giáp và 1 tiểu đoàn pháo, ngoài ra còn có lực lượng tại chỗ - PV). “Đúng 5 giờ sáng ngày 30-3-1975, tiểu đoàn do tôi chỉ huy được lệnh nổ súng đánh Chi khu Chơn Thành. Tuy nhiên, do hỏa lực của địch khá mạnh, quân ta lại ở phía ngoài ruộng trống, trong khi địch ở trong công sự cố thủ nên tiểu đoàn bị thương vong khá nhiều”. Kể đến đây, khuôn mặt của Đại tá Lê Tính bỗng chùng xuống, ông chậm rãi kể tiếp: “Lúc đó, Bộ Chỉ huy Miền ở ngay khu vực xã Minh Thạnh (Dầu Tiếng) hỏi tôi, có cần chi viện thêm pháo binh không? Tôi trả lời không cần, vì lúc này tiểu đoàn đã áp sát công sự của địch, chỉ cách khoảng 50 mét. Địch lại sử dụng pháo, cối và đại liên bắn ra loạn xạ nên mình dùng pháo lớn sẽ không tiện”.
Theo lời kể của ông, sau khi nghiên cứu tình hình địa thế, ông nhận thấy có một vị trí địch phòng thủ sơ sài là phía con suối sâu và đường ray xe lửa cắt ngang. Để đánh vào đầu não chỉ huy của địch ở phía này, quân ta phải vượt qua con suối sâu và một đường ray xe lửa khá trống trải. Xác định đây là tử huyệt của địch, ông cho di chuyển đội hình chiến đấu, vượt qua con suối sâu, băng luôn qua đường ray xe lửa và đánh thẳng vào công sự của địch. Vì quá bất ngờ nên địch không kịp trở tay, chỉ khoảng 20 phút sau, quân ta đã đánh chiếm được công sự của địch tại Chi khu Chơn Thành. Đến khoảng 4 giờ chiều, trước sức ép và hỏa lực của ta bủa vây, địch ở Chi khu Chơn Thành phải tháo chạy. Sau đó, tiểu đoàn do ông chỉ huy tiếp tục đánh thẳng vào đường 13 và đánh dần xuống phía bắc Lai Khê, Bến Cát. Đến ngày 30-4-1975, Sư đoàn 5 của địch ở Lai Khê bỏ chạy. Ông đưa quân tiến thẳng vào trung tâm chỉ huy của địch, lấy luôn chiếc xe Jeep của Sư trưởng Sư đoàn 5 ngụy làm phương tiện vận chuyển và trong ngày 30-4-1975 ông đã dùng chiếc xe này tiến về Thủ Dầu Một cùng với các cánh quân khác và nhân dân giải phóng thị xã Thủ Dầu Một.
Với những thành tích trong chiến dịch, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đại tá Lê Tính vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau đó, ông tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ trong quân đội ở nhiều vị trí khác nhau. Sau khi tái lập tỉnh, ông tiếp tục giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước. Đến năm 2005, Đại tá Lê Tính nghỉ hưu và hiện ở tại phường Phú Hòa, TX.Thủ Dầu Một.
ĐỖ TRƯỜNG