Anh Hồ Thanh Tùng: “Tàn nhưng không phế”
Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ chấm hết khi tai nạn giao thông đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt. Thế nhưng với quyết tâm “tàn nhưng không phế”, anh Hồ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Người mù (NM) TX.Thuận An vẫn trở thành người có ích cho xã hội, nuôi con cái ăn học nên người. Nhờ chiếc máy tính mà công việc của anh Tùng thuận lợi hơn rất nhiều
Người cán bộ hội giỏi
Nói về Chủ tịch Hội NM TX.Thuận An Hồ Thanh Tùng, mọi người đều khen ngợi về hiệu quả công việc của anh. Với trình độ đại học, cộng với sự nhiệt tình trong công việc, anh Hồ Thanh Tùng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp hội.
Mặc dù đời sống của NM cơ bản được nâng lên, nhiều NM đã biết cách làm ăn, không ít người đã có của ăn của để... nhưng nhìn chung, NM vẫn còn khó khăn về nhiều mặt. Vì vậy, với vai trò Chủ tịch hội, anh luôn trăn trở: Làm sao để cải thiện đời sống cho NM? Một trong những việc mà anh làm được cho hội viên là hỗ trợ vốn. Anh luôn tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ cho NM để giải ngân giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế. Song song đó, anh cũng quan tâm đến công tác dạy nghề cho hội viên. Hiện hội đang duy trì mô hình làm chổi tàu cau, đồng thời kinh doanh chổi đem lại thu nhập khá cho hội viên.
Anh Tùng vui mừng cho biết: Nhờ chăm lo thường xuyên nên đời sống vật chất, tinh thần của NM ngày càng được nâng cao. Hiện tại, toàn hội giảm chỉ còn 9 hộ nghèo trong tổng số 138 hộ. Hội NM TX.Thuận An như mái nhà chung ấm áp nghĩa tình, ở đó NM được đào tạo nghề, học chữ nổi, được tạo điều kiện lao động phù hợp để có thu nhập, ổn định cuộc sống... Hiện tại, anh đang chạy đôn chạy đáo tìm nguồn hỗ trợ để giúp hội làm cơ sở xoa bóp. Bởi theo anh, nghề xoa bóp phù hợp với NM, lại cho thu nhập tương đối cao so với nhiều ngành nghề khác.
Vượt lên chính mình
Anh là người lạc quan, luôn là “trung tâm gây cười” cho mọi người. Nhưng khi kể về cuộc đời của mình, anh Tùng không khỏi chua xót nói: Người xưa có câu “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, ấy vậy mà hơn 20 năm nay, tôi bị mù cả hai con mắt.
Năm 1989, anh tốt nghiệp Đại học An ninh ở Hà Nội, một trường được xem là thời thượng khi đó, ra trường có việc làm ổn định. Cứ ngỡ tương lai sẽ rất xán lạn, thế nhưng chưa đầy 2 năm sau đó, mọi chuyện như chấm hết khi một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra khiến đôi mắt anh bị mù. Anh Tùng nhớ lại: “Đây là thời gian khủng khiếp của tôi. Hàng trăm câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu. Tôi sẽ làm được gì với đôi mắt bị mù, sẽ sống như thế nào, tương lai sẽ đi về đâu... Tôi được đưa đi đủ các bệnh viện để mong cứu được đôi mắt. Nhưng cuối cùng bác sĩ đành bó tay với niềm hy vọng mong manh, nền y học hiện tại không chữa được đôi mắt cho tôi, nhưng hy vọng sau này những tiến bộ của y học sẽ cứu đôi mắt tôi sống lại. Trong lúc khó khăn đó, tôi nhận được sự động viên từ gia đình, đồng chí, đồng đội... nhất là trong tôi luôn nuôi hy vọng y học phát triển và mắt mình sẽ sáng nên đã dần dần lấy lại được tinh thần. Và tôi nghĩ rằng: “Mình tàn nhưng không phế” nên cố gắng vươn lên”.
Khi ấy, Hội NM TX.Thuận An đang mở lớp dạy chữ Braille (chữ nổi dành cho NM), anh đã theo học. Từ một NM theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng anh đã có thể đọc, viết được. Và từ một hội viên bình thường, anh được bầu làm Phó Chủ tịch hội rồi Chủ tịch hội từ năm 2000 cho đến nay. Hiện tại, anh Tùng có thể lên máy vi tính đánh văn bản, mail, mạng... thuần thục. Anh Tùng khoe: “Giờ máy tính có cài phần mềm hết nên NM cũng chẳng khác người sáng là bao”.
“Vợ tôi là số 1”
Hiện anh Hồ Thanh Tùng có một gia đình khá hoàn hảo. Đứa con lớn đang học năm thứ 3 Đại học Tự nhiên TP.HCM, đứa nhỏ đang học lớp 7. Anh Tùng rất tự hào về gia đình của mình, anh khoe: “Vợ tôi là số 1”.
Quả đúng như vậy, mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình đều do một tay chị Loan, vợ anh lo liệu. Chị vừa làm tài xế đưa đón anh một ngày 2 bận đi về, vừa lo kinh tế trong gia đình như nuôi heo, gà... Trong xóm có chuyện ma chay, cưới hỏi, chị đều thay anh đến thăm viếng, chúc mừng. Chị kể: Chị và anh quen nhau khi anh về huyện Bình Long thực tập lúc anh đang theo học đại học. Khi ấy, chị là nhân viên văn phòng của Xí nghiệp Xây dựng thuộc Công ty Cao su Bình Long (tỉnh Sông Bé trước đây). Lúc anh bị mù, nhiều người cũng nói ra nói vô, bởi theo họ lấy chồng mù khổ lắm; ai sẽ phụ chị chăm sóc con cái, ai sẽ lo kinh tế gia đình... Khi ấy, thay vì ruồng bỏ chị lại càng thấy thương anh hơn. Theo chị nghĩ, anh bị mù thì anh phải cần chị nhiều hơn bình thường. Vì vậy, chị vẫn quyết định lấy anh dù biết rằng con đường phía trước sẽ lắm chông gai. Hơn 20 năm chung sống, chị cảm thấy rất mãn nguyện khi anh là người biết lo cho gia đình, hết lòng vì vợ con. Chị vui vẻ nói: “Ngày đó, tôi mạnh dạn lấy anh cũng một phần được gia đình tôi ủng hộ. Bởi trước khi bị mù anh hay lui tới, với tính tình hiền lành, tử tế nên được cha mẹ tôi thương”.
Nhận xét về vợ mình, anh Tùng chia sẻ: “Phải nói vợ tôi là người phụ nữ can đảm và biết hy sinh. Nếu là người khác chắc họ đã không lấy tôi”. Đáp lại tấm chân tình của vợ, anh Tùng cũng đảm nhận những việc nhẹ nhàng trong gia đình phụ vợ như quét nhà, giặt quần áo, cho gà ăn... Anh nói: “Mình không thấy đường thì mình làm kỹ hơn một chút cũng giống như người sáng mắt thôi”.
Với quyết tâm “tàn nhưng không phế” đã giúp anh Hồ Thanh Tùng vượt lên chính mình, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Tương lai phía trước của anh chính là sự thành đạt của những đứa con, vì vậy anh luôn cố gắng là tấm gương sáng cho các con.
Thu Thảo