Anh Đinh Văn Thắng: Khá lên từ nghề điêu khắc gỗ
(BDO) Sinh năm 1981 nhưng anh Đinh Văn Thắng, ở ấp Bến Giảng, xã Phú An, TX.Bến Cát đã có hơn 20 năm làm thợ điêu khắc chạm trổ. Với đôi bàn tay khéo léo cùng niềm đam mê sáng tạo, anh Thắng đã làm nên những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật gỗ độc đáo được nhiều người ưa chuộng, đánh giá cao và cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Anh Thắng đang miệt mài với công việc Ảnh: TÂM BÌNH
Đam mê từ nhỏ
Anh Thắng sinh ra ở làng Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cách đây hơn 20 năm, anh rời quê hương vào Bình Dương lập nghiệp. Anh tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê với nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ. Năm 1995 sau khi học xong cấp 2, tôi theo anh trai vào Nam sinh sống. Ban đầu tôi xin vào làm tại các xưởng mộc tư nhân và vừa làm vừa học hỏi. Dần dần với kỹ thuật tinh xảo của những người đi trước truyền lại, cộng với sự tự tìm tòi nghiên cứu đã giúp tôi cho ra đời rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng gỗ” .
Quá trình tích lũy, học hỏi kinh nghiệm đã giúp anh Thắng cho ra đời những sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn và mang đậm bản sắc riêng. Anh đã thoát khỏi phạm vi của một người thợ làm thuê để trở thành một người thợ độc lập mở xưởng riêng cho mình. Sản phẩm của anh hiện nay là các loại tượng, tranh gỗ dân gian như: Long chấn thủy, tam tài ngũ phúc, vườn bách tử, tượng tế công, gia đình kiến... với đủ kích thước, màu sắc, đường vân, thớ gỗ.
Hầu hết tác phẩm của anh được tạo ra từ gốc, rễ cây khô thuộc gỗ nhóm I như thủy tùng, cẩm thị, trắc đỏ, lim, sưa… mà tưởng chừng như chỉ có làm củi. Những thứ tưởng chừng không giá trị khi đã được đôi bàn tay khéo léo của anh Thắng truyền cho cái “thần” tự khắc trở thành tác phẩm có linh hồn. Anh đã tạo nên sự khác biệt độc đáo trong từng tác phẩm. Nổi bật nhất trong số những tác phẩm của anh có thể nhắc đến là “tam tài ngũ phúc” bằng chất liệu gỗ sưa, được thể hiện qua hình ảnh 3 đứa trẻ (tam tài), 5 con dơi (ngũ phúc) tượng trưng cho sức khỏe và 5 điều tốt lành là giàu, sang, sống lâu, mạnh khỏe, an toàn. Tác phẩm này của anh đã được Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh là sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề năm 2013.
Chinh phục khách hàng bằng chữ “tín”
Những tác phẩm được công nhận tại các cuộc thi cũng là một cách để sản phẩm gỗ mỹ nghệ của anh Thắng được nhìn nhận và quảng bá rộng rãi. Nhờ vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản phẩm tồn kho nhiều, đặc biệt là với sản phẩm mỹ nghệ, thì cơ sở của anh vẫn có khách đặt hàng liên tục. Không chỉ khách trong nước, mà còn có nhiều khách nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc… tới chỗ anh đặt hàng. Hiện nay, cơ ngơi của anh chỉ là một xưởng chế tác nhỏ và các bức tượng đủ kích cỡ, thể loại độc đáo, đa dạng. Tượng anh làm ra có đủ giá cả, từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, ấy vậy mà vẫn có khách đến mua.
Anh Thắng cho biết anh mê nhất là tạc tượng dân gian, phong cảnh. Mỗi bức tượng anh tạc là một hình ảnh tưởng tượng riêng nên không bức tượng nào giống bức tượng nào. Nhờ sự độc đáo ấy mà khách tới đặt hàng của anh ngày càng đông. Điều anh quan tâm nhất hiện nay là vừa làm nghề vừa theo học các nghệ nhân giỏi khác. Lúc rảnh thì tìm tòi nghiên cứu tài liệu để nâng cao tay nghề. Còn về lâu dài, anh dự định sẽ mở xưởng chế tác lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nhận nhân công về đào tạo, truyền nghề lại cho những ai thực sự đam mê nghệ thuật điêu khắc.
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm điêu khắc gỗ là không hề dễ dàng. Nhưng bằng cách luôn lấy chữ tín làm đầu, lấy chất lượng, tính thẩm mỹ và độ bền của tượng gỗ phục vụ khách hàng nên xưởng chế tác của anh Thắng ngày càng ăn nên làm ra. Mỗi tháng, nghề này cho anh thu nhập 20 - 30 triệu đồng. Đây sẽ là động lực để anh hoàn thiện thương hiệu gỗ của mình và phát triển mạnh nghề này trong thời gian tới.
TÂM BÌNH