Anh: Chiếc ghế Thủ tướng lại lung lay
(BDO) Bất chấp việc Thủ tướng Rishi Sunak tiếp tục thành công với những tin tức kinh tế tốt đẹp, các đồng minh của Thủ tướng Anh nói rằng họ đang nhìn thấy lâu đài của ông được xây trên cát.
Trong bài báo với tựa đề “Rishi Sunak vẫn có thể chịu chung số phận với Boris Johnson”, tờ The Guardian của Anh đưa ra những bình luận có vẻ tiêu cực nhiều hơn những gì được thể hiện.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Tờ báo này viết: “Đầu tiên là tin tốt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong tuần này rằng Anh không còn đi theo hướng suy thoái nữa. Lạm phát và giá năng lượng đang giảm, mặc dù chậm hơn ông Sunak mong muốn. Tuy mọi thứ vẫn chưa đến mức tuyệt vời, nhưng với mớ hỗn độn mà ông Sunak thừa hưởng từ người tiền nhiệm Liz Truss - với canh bạc kinh tế lớn đã khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ so với đồng USD - có thể nói ông Sunak đã ổn định con tàu kinh tế Anh ở một mức độ nào đó”.
Còn đây là tin xấu: “Đảng Bảo thủ của ông vẫn còn chia rẽ và đầy những cá nhân có “ân oán” để giải quyết với nhau. Cách đây chưa tròn 1 năm, ông Boris Johnson vẫn còn là thủ tướng, cố gắng hết sức để bám lấy quyền lực mặc dù chìm trong những bê bối do chính mình tạo ra. Chính ông Sunak, khi đó là Bộ trưởng Tài chính của ông Johnson, đã giáng đòn chí mạng bằng cách từ chức khỏi nội các của ông Johnson vì những vụ bê bối”.
Các đồng minh quyết liệt nhất của ông Johnson đã không tha thứ cho sự phản bội của ông Sunak. Tất cả họ đều tập hợp lại phía sau bà Truss khi bà này đấu tay đôi với ông Sunak để tiếp quản chiếc ghế do ông Johnson để lại. Chỉ 49 ngày sau, chính bà Truss cũng bị buộc phải từ chức, nhờ đó ông Sunak về cơ bản không cần ứng cử cũng trở thành Thủ tướng Anh vào ngày 25/10 và ngay lập tức bắt đầu “trả thù” bà Truss.
Trong chính sách cầm quyền của mình, ông Sunak đã làm dịu đi mối quan hệ với châu Âu và tránh xa chủ nghĩa bảo thủ như 2 người tiền nhiệm Johnson và Truss từng làm. Đối với một số người theo phe bảo thủ, ông Sunak về cơ bản là một sự “bán tháo”. Điều này khiến ông dễ bị thương tổn trước chính trị nội bộ hỗn loạn của đảng Bảo thủ.
Có 2 chuyện đã xảy ra nhắc nhở một số đảng viên Bảo thủ rằng mọi thứ có thể đi xuống nhanh thế nào. Đầu tiên, ông Sunak phải đưa ra quyết định làm gì với Bộ trưởng Nội vụ của mình, bà Suella Braverman, sau khi có thông tin tiết lộ rằng bà này đã nhờ các công chức giúp mình tránh bị phạt quá tốc độ bằng cách tổ chức một khóa học nâng cao nhận thức lái xe riêng.
Ông Sunak khẳng định rằng hành động của bà Braverman không vi phạm Bộ luật Bộ trưởng (nếu vi phạm sẽ buộc phải từ chức theo quy định). Ông Sunak ngay lập tức bị buộc tội đã để bà Bộ trưởng Nội vụ thoát tội vì ông quá mềm yếu khi đối mặt với một thành viên kiên quyết của đảng, khiến nhiều người trong đảng coi thường ông.
Vụ việc diễn ra chỉ 1 tuần sau khi bà Braverman có bài phát biểu tại một hội nghị chống ông Sunak ở London. Ông Sunak không chỉ cho bà này quyền tự do phát biểu tại hội nghị mà trong bài phát biểu của mình, bà Braverman còn tuyên bố rõ ràng về mục tiêu giành quyền lãnh đạo của mình vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Vụ việc thứ hai, ông Johnson đã lại lên mặt báo sau khi có người báo cáo với cảnh sát rằng ông đã nhiều lần vi phạm các quy định về phòng chống COVID. Các đồng minh của ông Johnson đã tận dụng cơ hội để buộc tội ông Sunak đứng sau tất cả những điều này.
Một số đồng minh của ông Sunak chỉ trích ông vì đã đưa bà Braverman vào nội các của mình. Bà này đã từng phải từ chức khỏi chính phủ của bà Truss vì vi phạm Bộ luật Bộ trưởng một lần. Tham vọng của bà Braverman đã được nhiều người biết đến và bà đứng đầu danh sách các bộ trưởng nội các tự mình “hy sinh” trước cuộc bầu cử sắp tới nhằm ra ứng cử cho vị trí lãnh đạo nếu đảng Bảo thủ mất quyền lực. “Ông ấy bước vào Số 10 phố Downing với suy nghĩ rằng mình yếu hơn ông Boris Johnson và bà Liz Truss”, một nghị sĩ cấp cao của đảng Bảo thủ nhận xét.
Một cựu cố vấn của đảng Bảo thủ cho biết “rủi ro đối với ông Rishi sẽ đến nếu các kết quả thăm dò dư luận không được cải thiện”. Một khi các nghị sĩ bắt đầu nghĩ rằng cuộc bầu cử tiếp theo sẽ thất bại, một số người trong số họ sẽ quyết định ra đi.
Một đảng đoàn kết thống nhất là rất quan trọng nếu đảng đó muốn tìm cách giành chính quyền. Về mặt lịch sử, đảng Bảo thủ đã làm tốt điều này hơn nhiều so với các đảng khác của Anh. Tuy nhiên, một cố vấn chiến dịch cấp cao của đảng Bảo thủ nói rằng cuộc bầu cử sắp tới cũng sẽ có vô vàn khó khăn đang chờ đón đảng Bảo thủ.
Nhiều đảng viên Bảo thủ quyết định trò chơi đã kết thúc. Danh sách các nghị sĩ quyết định không tham gia cuộc bầu cử sắp tới đang tăng lên và những người đứng sau hậu trường, cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, đang tìm kiếm công việc thay thế.
Ông Rishi Sunak lên nắm quyền hứa hẹn một cách tiếp cận chính phủ chuyên nghiệp hơn so với những gì nước Anh đã thấy trong 3 năm trước. Phong cách quản lý chậm rãi và ổn định của ông đã cải thiện những vấn đề khủng khiếp mà ông được thừa hưởng. Và, ngay bây giờ, chưa ai nghĩ đến việc sẽ tìm cách loại ông khỏi chiếc ghế ông đang ngồi. Cụ thể hơn: không ai nghĩ rằng mọi thứ sẽ đột nhiên bùng phát hoặc rằng ông Boris Johnson sẽ gây ra “cơn bão” nào đó để quay trở lại nắm quyền. Hầu hết đều chấp nhận rằng họ sẽ gắn bó với ông Sunak cho đến cuộc bầu cử tiếp theo và hy vọng nền kinh tế sẽ cải thiện để mọi người cảm thấy giàu có hơn.
Theo CAND