Anh bộ đội Cụ Hồ trong dòng chảy thi ca
(BDO) Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay sau năm 1975 đã trở nên đẹp, sống mãi trong ký ức của muôn người và bất tử trong thi ca. Qua những vần thơ, thế hệ trẻ hôm nay luôn cảm thấy tự hào về một đất nước anh hùng. Hôm nay, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ được các em trường THPT Tân Bình (Bắc Tân Uyên) mang lên sân khấu, giờ học ngoại khóa đầy trân trọng. Hình ảnh ấy làm cho giờ học văn của các em thêm phần sống động, hấp dẫn…
Giao lưu các thế hệ cựu học sinh giỏi văn của trường trong chuyên đề ngoại khóa “Anh bộ đội Cụ Hồ trong dòng chảy thi ca”
Có lẽ thời học sinh những vầng thơ về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thời kháng chiến chống Pháp như: Đồng chí, Đất nước, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Lên Tây Bắc, Núi đôi, Màu tím hoa sim… đã trở nên nằm lòng. Còn với những bài như: Bài ca xuân 68, Dáng đứng Việt Nam hay Quê hương… trong kháng chiến chống Mỹ đã được Tố Hữu, Lê Anh Xuân, Giang Nam… đưa vào thơ một cách ngọt ngào, bất tử với thời gian. Chính những bài thơ này đã nâng tâm hồn của anh bộ đội Cụ Hồ lên một tầm cao mới. Nó giúp cho thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào cho nền độc lập tự do của đất nước mình.
Em Lê Hồng Quân, học sinh lớp 12C4, trường THPT Tân Bình (Bắc Tân Uyên) nói: “Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thi ca quả thật tuyệt đẹp, qua những bài thơ, chúng em luôn cảm thấy yêu đất nước mình. Và cũng qua hình ảnh ấy mà chúng em càng ra sức học tập thật tốt để cùng chung tay gìn giữ quê hương và thêm tự hào mình là người Việt Nam…”. Hồng Quân chia sẻ thêm, những vầng thơ về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ là quá đẹp, không cần giải thích nhiều. Bên cạnh đó, chính thơ cũng giúp cho Quân thấy yêu đời hơn, phấn chấn hơn trong học tập, trong cuộc sống như trong câu thơ tình của nhà thơ Xuân Diệu: “Tôi không buồn những buổi chiều. Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai…”.
Buổi ngoại khóa của các em học sinh lớp 12, trường THPT thật sự hào hứng với phần thử sức tranh tài trắc nghiệm làm cho hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trở nên gần gũi, thân thương hơn bao giờ hết. Song, phần giao lưu được các em chờ đợi đó là những bài hát, điệu múa và những tiểu phẩm đến từ 5 lớp 12 của trường. Một lần nữa, chân dung anh bộ đội Cụ Hồ được các em khắc họa thật đẹp và dung dị. Em Ngô Thị Ngọc Tuyền, học sinh lớp 12C3 chia sẻ: “Văn học, thơ ca rất kỳ diệu, chúng em chỉ là thế hệ hậu sinh nhưng qua các tác phẩm, bài thơ lãng mạn thì hình ảnh anh bộ đội vừa hùng dũng, vừa lãng mạn cứ hiện lên như mới vừa hôm qua. Buổi sinh hoạt ngoại khóa này, chúng em có thêm dịp nghiên cứu nhiều hơn hình ảnh anh bộ đội để đưa lên sân khấu cho các bạn cùng nhau tự hào…”.
Và để giờ học văn của các em càng trở nên lý thú thì những buổi ngoại khóa theo từng chủ đề cũng được các thầy cô tổ ngữ văn của trường thường xuyên tổ chức. Lần này, các em còn được giao lưu với các anh chị cựu học sinh của trường như: Chị Thiên Nhi, giỏi văn cấp quốc gia năm 1999-2000, hiện là biên tập viên của Đài PTTH Bình Dương; chị Thanh Hà giỏi văn cấp quốc gia năm 2001-2002, hiện là giáo viên dạy văn trường THPT Phước Vĩnh; hay Tuấn Anh, sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng là học sinh giỏi văn cấp quốc gia năm 2013-2014… Đó là sự thành công, là bằng chứng cho sự đam mê văn học để các em yêu thích bộ môn cảm thấy tự tin hơn trong việc lựa chọn nghề cho tương lai của mình.
Buổi giao lưu thêm phần ý nghĩa khi những suất học bổng được trao từ trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương. Đây là phần quà động viên các bạn hãy thật sự nghiêm túc, sống trọn đam mê với bất kỳ môn học nào cũng giống như hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ luôn bất tử với thời gian.
SONG ANH