An toàn từ kỹ thuật đến quản lý

Thứ ba, ngày 04/04/2023

(BDO) Chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp bao gồm cả kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra, gây hại đến con người, vật nuôi và hệ sinh thái.

Thời gian qua, được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp cùng UBND huyện, thị, thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các nông hộ về “Chăn nuôi hữu cơ - Xu thế phát triển hướng tới nền chăn nuôi an toàn và bền vững, thân thiện với môi trường”.

Mục đích là giúp các hộ dân nhận thức, hiểu và nắm được lợi ích từ việc chăn nuôi an toàn sinh học đối với bản thân và cộng đồng, từ đó thay đổi tư duy, phương thức chăn nuôi theo hướng tiên tiến hơn, thay đổi dần các phương thức chăn nuôi truyền thống. Qua đó, ngành chăn nuôi Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất chăn nuôi, như: Máng ăn, máng uống tự động, công nghệ sau thu hoạch, con giống năng suất cao, hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, hệ thống làm mát và sưởi ấm… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, Bình Dương đã tiếp tục khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm như dịch cúm gia cầm H5N1, dịch lở mồm long móng gia súc và dịch tai xanh trên heo. Bình Dương là tỉnh đầu tiên trên cả nước xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả, an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn thách thức như mô hình chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ còn rất phổ biến, dịch bệnh xuất hiện thường xuyên, giá thức ăn tăng cao… đã làm giảm hiệu quả và tính bền vững của ngành chăn nuôi. Trước đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng, ngành chăn nuôi của tỉnh cần có hướng đi cụ thể cho sự phát triển an toàn và bền vững hơn.

 PHƯƠNG ANH