An toàn lao động ngành gỗ: Còn đó những nỗi lo

Thứ bảy, ngày 20/04/2019

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.215 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ. Đây cũng là ngành thường xuyên xảy ra vi phạm pháp luật lao động, tai nạn lao động. Do đó, lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành thực hiện thanh, kiểm tra liên tục để bảo đảm an toàn cho người lao động (NLĐ).

(BDO)

 DN ngành gỗ cần quan tâm hơn nữa bảo hộ lao động cho NLĐ và đầu tư thêm máy móc hiện đại để bảo đảm an toàn lao động

 Nguy hiểm luôn rình rập

Chúng tôi có mặt tại các xưởng gỗ, chứng kiến không khí làm việc khá nhộn nhịp, NLĐ hối hả với từng công đoạn sơ chế đến thành phẩm. Theo quan sát của chúng tôi, đối với những lao động sử dụng máy móc có nguy cơ mất an toàn cao nhưng đồ bảo hộ lao động của họ chỉ có đôi găng tay vải, kính, khẩu trang. Có bảo hộ lao động nhưng rất nhiều người không sử dụng với lý do trời nóng mồ hôi ra nhiều khi đeo găng tay, khẩu trang sẽ rất khó chịu.

Bên cạnh ý thức về an toàn lao động của NLĐ còn thấp thì việc nhắc nhở của DN, cũng như đầu tư máy móc hiện đại tại các xưởng gỗ vẫn còn nhiều “lỗ hổng” dẫn đến tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó, đối với ngành chế biến gỗ không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người bởi bụi gỗ, hóa chất mà còn hàng ngàn lý do, tình huống tai nạn nghề nghiệp xảy ra, luôn rình rập từ các hệ thống máy móc sản xuất. Dù NLĐ có kinh nghiệm làm việc nhưng chỉ vì một giây phút lơ là cũng có thể xảy ra tai nạn lao động bất cứ lúc nào.

Theo nhận định của ông Nguyễn Kim Khánh, Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến nay chưa có số liệu thống kê chính xác, song nhận định của ngành thì số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gỗ luôn ở mức cao so với một số ngành nghề khác. Lý do, máy móc lạc hậu; NLĐ chưa được qua đào tạo và chủ yếu là “cầm tay chỉ việc”; kiến thức an toàn vệ sinh lao động còn thấp.

Nâng cao ý thức cho NLĐ, cũng như người sử dụng lao động, về phía công đoàn cấp trên cũng đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người sử dụng lao động, NLĐ về an toàn vệ sinh lao động. Ông Đào Trần Đông, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, cho biết bảo đảm an toàn lao động cho NLĐ làm việc tại các DN ngành gỗ, công đoàn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở DN đầu tư mới các thiết bị máy móc và bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, công đoàn tổ chức các hội thi về an toàn lao động để người sử dụng lao động, NLĐ tham gia có thêm kiến thức nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn lao động.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, NLĐ các DN ngành gỗ, công tác thanh, kiểm tra cũng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm tăng cường nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về tầm quan trọng của việc thúc đẩy tuân thủ pháp luật. Với mục tiêu đó, mới đây, tại Bình Dương, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức lễ phát động chiến dịch thanh tra lao động năm 2019 với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động để phát triển bền vững ngành chế biến gỗ”. Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ- TB&XH, cho biết trong quá trình sản xuất, các DN ngành gỗ còn nhiều sai phạm Luật Lao động, như: Giờ làm thêm, hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc, an toàn và sức khỏe lao động, bảo hiểm xã hội…

Thực hiện chiến dịch thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh gồm Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, công đoàn, y tế… đã tiến hành thanh tra các DN gỗ trong tỉnh. Cùng với đoàn thanh tra liên ngành tỉnh đến kiểm tra tại các DN ngành gỗ trong tỉnh mới thấy so với các ngành nghề khác, ngành gỗ vẫn còn sử dụng nhiều máy móc thô sơ trong sản xuất. Máy móc đó hiện nay không còn phù hợp, có thể gây mất an toàn cho NLĐ. Cũng chính vì vậy, đoàn kiểm tra liên ngành đã tạm đình chỉ một số máy móc có nguy cơ mất an toàn lao động cao.

Theo ông Nguyễn Kim Khánh, thực hiện kế hoạch thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH, năm nay, thanh tra sở sẽ tiến hành thanh tra 120 DN, trong đó có 80 DN ngành gỗ. Sau gần 3 tuần phát động thanh tra, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã thanh tra được 30 DN. Trong quá trình thanh tra phát hiện DN vi phạm an toàn lao động, đoàn sẽ nhắc nhở, xử phạt theo quy định của pháp luật. Kết thúc đợt thanh tra (vào cuối năm), sở sẽ có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH. Qua đó, giúp Bộ LĐ-TB&XH đánh giá đúng thực trạng và đưa ra giải pháp để thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật lao động của các DN ngành gỗ; đồng thời bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

 “Chiến dịch thanh tra là cơ hội để các DN chế biến gỗ tiếp cận các quy định, kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lao động; đồng thời phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục; qua đó cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng ngày càng bền vững”.

(Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

 THIÊN LÝ