Hướng tới Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Báo Sông Bé - Bình Dương (1.12.1976 - 1.12.2016):

Ân tình với Báo Sông Bé - Bình Dương - Bài 3

Thứ ba, ngày 29/11/2016

(BDO) Bài 3: Duyên làm báo của một thầy thuốc

Đến nhà Thầy thuốc ưu tú Lê Hưng (phường Chánh Nghĩa, TP.TDM), điều ngạc nhiên thú vị của những người “mê chữ nghĩa” là sách báo! Có cả một kho tư liệu để ông nghiên cứu. Trong đó, có 4 cuốn là những bài báo ông từng cộng tác với Báo Sông Bé - Bình Dương từ những năm 80 được đóng thành tập, rất trang trọng…

 Theo thời gian, những cuốn tư liệu này đã ố vàng. Chữ in trên báo hồi đó là chữ in bảng kẽm, nhỏ và khó đọc. Nhưng nếu chịu khó, bạn sẽ thấy cả một kho thông tin quý giá về khoa học và đời sống, về thường thức cuộc sống như tên gọi của chuyên mục mà ông cộng tác. Lần giở vài trang báo mà ông Lê Hưng lưu giữ, thấy có những bài thuốc, lời khuyên hay về bệnh đau lưng, về ẩm thực, dinh dưỡng. Y học cổ truyền là cả một kho tàng kiến thức để người ta luyện tập sức khỏe thể lực, tinh thần. Ngày nay, thời đại công nghệ số dễ dàng hơn nhiều cho những ai tìm tư liệu. Cứ lên mạng gõ là có nhưng cách đây vài thập kỷ, khi báo in còn là kênh thông tin chủ đạo thì những bài viết này có giá trị vô cùng. Bởi thế, ông Lê Hưng vẫn còn lưu giữ cả những lời cảm ơn của độc giả gửi về Báo Sông Bé nhờ chuyển đến tác giả bài báo. Bởi, họ đã tìm được phương thuốc hay để điều trị bệnh cho bản thân.

Một bài báo Sông Bé mà ông Lê Hưng vẫn còn lưu giữ cẩn thận.
Ảnh: Q.NHƯ

Kể về duyên làm báo, ông Lê Hưng nói: “Hồi đó ông Nguyễn Xuân Quang làm Tổng Biên tập Báo Sông Bé. Chúng tôi là một nhóm thầy thuốc Đông y cùng chữa bệnh giúp người và tìm tòi tài liệu, viết bài như một cách tuyên truyền cho bà con những bài thuốc hay. Được sự gợi ý của ông Quang rằng nên cộng tác cho mục Khoa học và Đời sống trên báo tỉnh nhà, tôi và các anh em thay nhau viết bài gửi đến tòa soạn. Điều đáng mừng là tất cả những bài báo của tôi đều được tòa soạn đăng một cách trân trọng. Thêm vào đó là những phản hồi của độc giả về chuyên mục cũng được đăng tải rất khách quan. Điều này khích lệ chúng tôi yêu thích và có trách nhiệm hơn với tay bút của mình. Sau này tôi làm Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, thời gian rảnh rỗi ít hơn, ít viết bài hơn. Nhưng chúng tôi vẫn duy trì bản tin của Hội Laser y học Bình Dương. Cái duyên làm báo vẫn còn hoài đến nay vậy!”.

Một điều đáng quý nữa ở ông Lê Hưng là ông rất trân trọng nghề viết nói chung cũng như những người làm báo nói riêng. Ngoài thầy thuốc, ông còn là một nhà giáo. Bởi thế, những lần có phóng viên các tờ báo đến tìm hiểu, viết bài về Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) hay dịp kỷ niệm Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam (20-11), ông thường giúp đỡ tận tình. Có những bài ông góp ý chân tình để thông tin chính xác hơn. Một dạo tôi phụ trách mảng y tế của Báo Bình Dương cũng thường được ông sửa bài giúp. Những lỗi về chuyên môn ngành y người viết khó có thể nhận ra được ông tận tình chỉ bảo để những bài viết về mảng này được chính xác, hiệu quả hơn!

Cũng bằng tình cảm đầy quý mến dành cho Báo Bình Dương, ông Lê Hưng nay vẫn là độc giả trung thành của báo như mấy chục năm nay. Góp ý cho tờ báo, ông cho rằng cần đưa những bài viết, hình ảnh sát sườn hơn với cuộc sống của người dân. Ngoài những thông tin về hội họp, về tổ chức Đảng, chính quyền, cần có những bài viết sinh động hơn về kinh tế nông thôn, thành thị, công nghiệp… bởi đó là thế mạnh của tỉnh. Làm sao để mọi người có thể học tập nhiều hơn từ kênh thông tin chính thống của tờ báo Đảng địa phương, từ đó vận dụng cho cuộc sống của mình.

Nghiêm khắc với bản thân và nghiêm túc với nghề luôn là điều được ông Lê Hưng coi trọng, nhất là trong nghề thầy thuốc, viết báo. Thế nên, ông cũng khuyên những nhà báo như thế. Trau chuốt văn phong, chính xác về tư liệu, nguồn tin là không thể thiếu đối với ai đã chọn nghề này. Có như thế, độc giả mới tin và ủng hộ người làm báo…

QUỲNH NHƯ

 Bài 4: Và một người Quảng làm nhà “Bình Dương học” qua báo chí!