An ninh mạng là an ninh quốc gia
(BDO) Cùng quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nước ta cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều đứng trước tình hình bức thiết giải quyết những vấn đề diễn ra trên không gian mạng. Vì vậy, trong ngày hôm qua (12-6), Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật An ninh mạng với 423 đại biểu tán thành (tương đương 86,86% số phiếu).
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp lực lượng chuyên trách xử lý những nguy cơ, thách thức từ không gian mạng một cách kịp thời và hiệu quả.
Quá trình xây dựng luật đã được tiếp thu ý kiến xây dựng của các chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp để bảo đảm tính chặt chẽ và thống nhất với các bộ luật khác. Đây chính là hành lang pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Một số người lo ngại khi luật này được ban hành, mọi tài khoản cá nhân của người sử dụng sẽ bị cơ quan chức năng giám sát. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, tài khoản cá nhân sẽ được bảo vệ tốt hơn khi Luật An ninh mạng được ban hành. Đồng thời, sẽ bảo đảm tốt hơn môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Báo cáo của Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho thấy, Việt Nam là quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong khu vực. Từ năm 2016 đến nay, có hàng chục ngàn cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta, làm ảnh hưởng an ninh quốc gia, gây thất thoát, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Đấy là chưa kể mạng internet bị lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động các hoạt động chống phá Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm cá nhân, bịa đặt thông tin…
Trong thời đại hiện nay, khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, không gian mạng đã trở thành môi trường cho các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động. Vì vậy, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đều đã có các chính sách, chiến lược bảo đảm an ninh mạng, đầu tiên phải kể đến Liên minh châu Âu, sau đó đến Mỹ rồi Trung Quốc… Với Việt Nam, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thảo luận kỹ, cho ý kiến và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi biểu quyết thông qua, dựa trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia và xây dựng một môi trường cởi mở cho hợp tác quốc tế, tạo cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển kinh tế đồng thời vẫn bảo đảm những quyền cơ bản của công dân. Do đó, mỗi người thực hiện tốt Luật An ninh mạng cũng chính là đã góp phần vào việc bảo đảm an ninh quốc gia.
T.ĐỒNG