Ấn Độ - “tay chơi” mới trên đấu trường siêu thanh
(BDO) Giới chức Ấn Độ mới đây tuyên bố lần đầu tiên thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh tầm xa. Đây là chương trình phát triển vũ khí bí mật của tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) thuộc chính phủ Ấn Độ.
Nếu những gì phía Ấn Độ nói là chính xác, họ đã tiếp bước những thành công của Nga và Trung Quốc, những nước đầu tư phát triển vũ khí siêu thanh kể từ đầu những năm 2000 và cho đến nay đã thu được một số thành tựu.
Tầm bắn trên 1.500 km
Vũ khí siêu thanh (hypersonic weapon) là loại vũ khí hiện đại có khả năng di chuyển với tốc độ siêu thanh, tức là nhanh hơn tốc độ âm thanh (Mach) ít nhất 5 lần, tương đương trên 6.125 km/h. Đây được xem là bước tiến lớn trong lĩnh vực quân sự, mang lại ưu thế về tốc độ, tầm bắn, và khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ hiện đại.
Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh.
Cuộc thử nghiệm được cho là đã diễn ra ngày 16/11 trên đảo Abdul Kalam ngoài khơi bờ biển miền đông Ấn Độ, theo Pop Mech. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố rằng tên lửa đã có "các động tác cơ động cuối cùng thành công và tác động vào mục tiêu với độ chính xác cao", ngụ ý rằng cuộc thử nghiệm đã đánh giá khả năng tấn công mục tiêu của tên lửa - không chỉ là động cơ đẩy và các tính năng bay. Ông Singh nói tầm bắn tối đa của tên lửa vượt quá 1.500 km, tương đương với tên lửa đạn đạo tầm trung.
Theo EA Times, tên lửa được “phóng lạnh” từ một thùng chứa kín đặt trên mặt đất vào ban đêm. “Phóng lạnh” nghĩa là tên lửa được phóng lên từ ống phóng hoặc bệ phóng bằng cách sử dụng áp lực khí hoặc một cơ chế đẩy ban đầu, thay vì kích hoạt động cơ chính ngay từ đầu. Khi chính thức được biên chế cho các lực lượng quân đội, có khả năng tên lửa sẽ được phóng từ các thùng chứa trên các bệ phóng xe bánh lốp hoặc bánh xích.
Báo chí Ấn Độ mô tả, khi ra khỏi thùng chứa, tên lửa dường như đã sử dụng bộ đẩy điều khiển tư thế hai lần trước khi động cơ tên lửa nhiên liệu rắn giai đoạn đầu tiên kích hoạt. Tên lửa thay đổi quỹ đạo từ thẳng đứng sang nằm ngang trong khoảng 6 giây, bắt đầu từ giây thứ 8 sau khi cất cánh.
Hình dạng của tên lửa cho thấy nó có hai tầng đẩy nhiên liệu rắn. Tầng đầu là tầng đẩy, tầng thứ hai duy trì tốc độ siêu thanh, có các bề mặt khí động học hình chữ thập, sải cánh ngắn ở giữa thân và bốn cánh tam giác ngắn ở phía sau.
Các bề mặt khí động học giữa thân có khả năng cung cấp lực nâng, kiểm soát đường bay và khả năng cơ động, trong khi các cánh cung cấp độ ổn định khi bay. Ở tốc độ cao, thiết kế hình chữ thập có thể giảm lực cản so với các cấu hình khác như cánh phẳng.
Một nguồn tin nói với tờ Times of India: "Cuộc thử nghiệm ban đầu đã thành công. Nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn về hiệu suất của động cơ scramjet". Tuy nhiên, cả Bộ Quốc phòng Ấn Độ và DRDO đều không chính thức tuyên bố liệu cuộc thử nghiệm có thành công hay không.
Theo EA Times, tên lửa siêu thanh do DRDO thử nghiệm vào ngày 16/11 có thể là một khái niệm mới dựa trên các loại động cơ tên lửa và hệ thống điều khiển bay đã được chứng minh trong thực tế mà DRDO đã phát triển và sử dụng trên các tên lửa khác.
Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ không tiết lộ thêm thông tin về tên lửa mới. Mặc dù có thể là vũ khí trên bộ với đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nhắm vào các mục tiêu tĩnh trên bộ, nhưng báo chí Ấn Độ nhận định loại vũ khí mới có thể là tên lửa chống hạm tầm xa có tên gọi LR-AShM (long range anti-ship missile) với tầm bắn tương tự như tên lửa DF-21D của Trung Quốc. DF-21D (Đông Phong 21D) được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” do khả năng tấn công các mục tiêu lớn trên biển, đặc biệt là tàu sân bay, với độ chính xác cao, là tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới. Tầm bắn của DF-21D ước tính khoảng 1.500 - 2.000 km, đủ để từ đất liên tấn công các tàu chiến và tàu sân bay hoạt động trong khu vực tây Thái Bình Dương.
Cán cân sức mạnh thay đổi?
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ thử nghiệm vũ khí siêu thanh (hay vũ khí siêu vượt âm), nhưng sự kiện này đánh dấu một cột mốc trong cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra giữa hai quốc gia đông dân nhất hành tinh là Ấn Độ và Trung Quốc. Giống như chương trình chế tạo tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Ấn Độ, New Delhi một lần nữa đang tìm cách bắt kịp năng lực vũ khí của Trung Quốc.
Vũ khí mới của Ấn Độ cũng có thể làm thay đổi cán cân quân sự với đối thủ lâu năm là Pakistan, một đồng minh thân cận của Trung Quốc và là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 1 năm nay, Không quân Pakistan tuyên bố họ có một vũ khí siêu thanh đang trong quá trình đưa vào sử dụng. Theo các nhà quan sát, phía Pakistan có thể bóng gió nói đến một vũ khí phóng từ trên không được mua từ Trung Quốc.
Đó là những mảnh ghép của bức tranh chạy đua vũ trang siêu thanh toàn cầu mà Nga và Trung Quốc đã khởi động từ những năm 2000 sau khi Mỹ cải thiện khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, làm dấy lên lo ngại rằng những tiến bộ của Mỹ có thể làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của Moscow và Bắc Kinh. Mặc dù cho đến thời điểm này, Mỹ tập trung phát triển các tên lửa hành trình bay chậm nhưng có khả năng tàng hình, nhưng từ giữa những năm 2010, Mỹ cũng bắt đầu nghiên cứu phát triển nhiều loại vũ khí siêu thanh để cạnh tranh với khả năng của Trung Quốc và Nga (mặc dù những nỗ lực của Washington đã gặp phải một số trở ngại).
Nhìn chung, vũ khí siêu thanh không chỉ có ưu thế tốc độ mà còn cả khả năng cơ động cực cao để tấn công mục tiêu chính xác hơn, làm rối loạn các hệ thống phòng thủ được thiết kế để đánh chặn các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo truyền thống bay theo quỹ đạo tương đối dễ đoán.
Tên lửa đạn đạo bay theo quỹ đạo parabol hoặc gần parabol, được xác định bởi các yếu tố như vận tốc, góc phóng và trọng lực. Sau khi giai đoạn đẩy kết thúc (thường ở giai đoạn đầu), tên lửa chủ yếu bay theo quỹ đạo tự do chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn và không có khả năng tự điều chỉnh quỹ đạo đáng kể. Do tính chất này, khi xác định được vị trí phóng, vận tốc và góc phóng ban đầu, người ta có thể tính toán và dự đoán chính xác quỹ đạo của tên lửa bằng các phương trình vật lý.
Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo siêu thanh đã khiến việc dự đoán đường bay của quả đạn phức tạp hơn rất nhiều. Bản thân thuật ngữ "siêu thanh" ngụ ý rằng vũ khí có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh hoặc 1,6 km mỗi giây. Nhưng định nghĩa đó chưa đầy đủ, vì nhiều tên lửa đạn đạo kể từ những năm 1950 đã có khả năng di chuyển với tốc độ siêu thanh, bao gồm các tên lửa đạn đạo Agni và K-series đang trong biên chế của quân đội Ấn Độ.
Viết trên Pop Mech, chuyên gia quân sự Sebatian Roblin cho rằng Ấn Độ có thể đang sử dụng một định nghĩa chặt chẽ hơn cho cuộc thử nghiệm tên lửa mới: vũ khí siêu thanh này phải có khả năng cơ động giữa chuyến bay, áp dụng hai giải pháp kỹ thuật. Một giải pháp liên quan đến việc trang bị cho tên động cơ ramjet hoặc scramjet để duy trì tốc độ cao. Ramjet và scramjet là hai loại động cơ phản lực sử dụng không khí để đốt cháy nhiên liệu, hoạt động hiệu quả ở tốc độ cao, không cần cánh quạt hoặc máy nén như động cơ phản lực thông thường.
Điều này có nghĩa là phải cần đến tên lửa đẩy hoặc máy bay mang phóng để ban đầu đẩy vũ khí siêu thanh lên tốc độ cần thiết, cho phép các động cơ scramjet hoặc ramjet của nó hoạt động.
Ấn Độ đã đạt nhiều bước tiến trong lĩnh vực tên lửa.
Ấn Độ và Nga đã cùng nhau phát triển tên lửa hành trình BrahMos chạy bằng động cơ ramjet, có thể đạt tới tốc độ Mach 3.5. Ấn Độ đang nỗ lực nâng cấp tên lửa này thành vũ khí siêu thanh BrahMos II và đã tiến hành ba cuộc thử nghiệm trình diễn phương tiện siêu thanh chạy bằng động cơ scramjet trong giai đoạn 2019 - 2023.
Tuy nhiên, vụ thử nghiệm mới nhất có vẻ liên quan đến một thiết kế khác: phóng một tên lửa đạn đạo, khi thoát khỏi bầu khí quyển của trái đất, các cánh mở ra để giải phóng một hoặc nhiều phương tiện lướt siêu thanh có thể điều khiển được. Các tàu lượn siêu thanh lướt phía trên bầu khí quyển, được điều khiển để tối ưu hóa khả năng xuyên thủng hàng phòng thủ của đối phương.
Trung Quốc, tuy không chính thức tuyên bố sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, nhưng họ triển khai hệ thống tên lửa chống lại tên lửa đạn đạo cấp khu vực có tên là HQ-19, sử dụng tên lửa đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung cũ hơn của Ấn Độ như Agni-II. Vì loại tên lửa mới của Ấn Độ có tầm bắn tầm 1.500 km không thể vươn tới các mục tiêu ở miền trung và miền đông Trung Quốc, nó có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công thông thường vào các căn cứ quân sự trên biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ - hoặc giữa Ấn Độ và Pakistan.
Tuy nhiên, nếu là vũ khí chống hạm có dẫn đường như các tin đồn, tên lửa mới có thể đe dọa các tàu chiến mặt nước của Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương qua Eo biển Malacca.
Bất kể thế nào, cuộc thử nghiệm mới nhất của Ấn Độ phản ánh sự tiến triển của cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, bao gồm cả Mỹ.
Thời gian sẽ trả lời liệu công nghệ mà Ấn Độ vừa thử nghiệm có phải là sự bổ sung hiệu quả về mặt chi phí và hấp dẫn hơn các loại vũ khí khác mà Ấn Độ đang đồng thời phát triển mà đối tượng tác chiến là Trung Quốc hay không. Đó cũng là một câu hỏi mà quân đội Mỹ phải đối mặt khi cân nhắc những lợi ích của việc phát triển vũ khí siêu thanh đầy đắt đỏ so với việc tăng cường kho vũ khí vốn đã mạnh mẽ và đa dạng của mình.
Theo nhà phân tích quân sự Vijainder K Thakur, cựu phi công tiêm kích Ấn Độ, có khả năng DRDO phát triển loại tên lửa mới dựa trên một trong những bài học quan trọng nhất về chiến tranh trên không rút ra từ hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine: Một tên lửa siêu thanh có khả năng cơ động ở giai đoạn cuối rất khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng không hiện có. Một tên lửa siêu thanh bay theo quỹ đạo phẳng (không phải đạn đạo) ở độ cao tương đối thấp cũng không thể bị tấn công bằng các hệ thống phòng không hiện có. Những tên lửa như vậy có khả năng bất khả chiến bại trong vài thập kỷ tới.
Nga đang có trong tay một số tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình siêu thanh như Avangard, Zircon, Kinzhal hay mới đây là Oreshnik… Trong khi lực lượng Ukraine tuyên bố thỉnh thoảng đã bắn hạ tên lửa đạn đạo siêu thanh phóng từ trên không Kinzhal, họ thừa nhận rằng chưa bao giờ bắn hạ được tên lửa hành trình siêu thanh Zircon. Và trong cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik vào một cơ sở quân sự của Ukraine ở Dnipro mới đây, phía Ukraine thừa nhận không thể đánh chặn được tên lửa siêu thanh Nga.
Theo CAND