Ấn Độ: “Gió” có vẻ vẫn xuôi chiều với ông Modi
(BDO) Dù ai trở thành Thủ tướng Ấn Độ, kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện có ra sao, những cơ hội và thách thức trong đối ngoại của New Delhi sẽ không có nhiều thay đổi. Thành công đối ngoại rõ rệt trong nhiệm kỳ trước của ông Modi và năng lượng tích cực của cá nhân vẫn được coi như những điểm nhấn cho cuộc đua lần này.
3 kịch bản và những sự lựa chọn
Trong tháng 5 này, Ấn Độ hoàn tất cuộc bầu cử Hạ viện. Theo các chuyên gia, chính trường nước này sẽ đi theo 3 kịch bản lớn. Thứ nhất, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Modi, đảng Bharatiya Janata (BJP) sẽ chiến thắng vang dội và nổi lên là một đảng độc lập chiếm thế đa số đáng kể trong Hạ viện với 543 thành viên. Kịch bản này có mức độ khả thi không cao bởi lẽ có thể thấy những tuần lễ cuối của chiến dịch vận động bầu cử kéo dài hơn dự định.
Kịch bản thứ hai là BJP nổi lên là đảng độc lập lớn nhất song dù vậy, không vượt qua được 272 ghế cần thiết và sẽ phải thành lập một chính phủ liên minh. Do đó, việc ông Modi có được lựa chọn là thủ tướng của một chính phủ liên minh hay không vẫn sẽ là một ẩn số. Kịch bản này được giới chuyên gia đánh giá là khả thi nhất cho tới thời điểm đầu tháng 5.
Ông Modi đã làm được nhiều điều trong nhiệm kỳ vừa qua
Kịch bản thứ ba là BJP không thể thành lập một chính phủ liên minh mà thay vào đó là một nhóm các đảng khu vực không có BJP sẽ thành lập chính phủ. Nếu điều này xảy ra, rất có thể lãnh đạo của một đảng khu vực quan trọng, điển hình là Mayawati hay Mamta Banerjee, có thể trở thành thủ tướng của một chính phủ tồn tại trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra.
Câu hỏi đặt ra rằng sau bầu cử chính sách đối ngoại của New Delhi liệu có sự thay đổi? Câu trả lời là sẽ không có nhiều biến động. Định hướng chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ trước tới nay vẫn tương đối nhất quán và phục vụ 2 mục tiêu: Thứ nhất là đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền không bị bất kỳ nhân tố nào đe dọa; thứ hai là thúc đẩy quan hệ đa phương hóa, trách nhiệm toàn cầu nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng. Một tỷ lệ dân số lớn của Ấn Độ vẫn trong cảnh nghèo khổ và mất trật tự về an ninh.
Dấu ấn Modi
Nhìn lại quá trình lịch sử, kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, chính sách đối ngoại của nước này đã tỏ ra tương đối thành công trong việc bảo vệ những lợi ích cốt lõi của quốc gia dù phải đối phó với sự hỗn loạn và những nhân tố thù địch bên ngoài.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ theo đuổi xu hướng không liên kết. Sự thay đổi lớn về cấu trúc trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ bắt đầu từ khoảng tháng 12-1991. Thủ tướng khi đó là Narasimha Rao đã khéo léo xoay xở trong một môi trường chiến lược toàn cầu không có Liên Xô. Xây dựng trên nền tảng sự đột phá chính trị với Washington và Bắc Kinh do cựu Thủ tướng Rajiv Gandhi tạo nên, từ đó Ấn Độ có mối quan hệ ổn định với Mỹ và Trung Quốc.
Trên cương vị thủ tướng, ông Modi đã tiến hành 35 chuyến công du nước ngoài, cho thấy sự năng động và quyết tâm của ông. Dưới thời Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã vươn ra Tây Á và khối các nước Hồi giáo. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Các nước Hồi giáo (OIC) vào tháng 2-2019.
Ấn Độ còn giành được sự ủng hộ ngoại giao từ OIC trong giai đoạn xảy ra vụ tấn công khủng bố Pulwama. Chính phủ ông Modi cũng đã hoàn tất Thỏa thuận Biên giới trên bộ với Bangladesh vào tháng 5-2015.
Quan hệ với Mỹ đã đạt được một cột mốc quan trọng bằng việc sửa đổi hợp tác phát triển 3 bên với các nước châu Á và châu Phi. Hai nước đã thống nhất sự bổ sung đầu tiên đối với Tuyên bố hướng dẫn nguyên tắc (SGP), chính thức mở rộng mối quan hệ đến năm 2021. Hợp tác 3 bên Ấn-Mỹ với các quốc gia châu Á, châu Phi được đưa ra tại tuyên bố chung trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi hồi năm 2016 với lợi ích ban đầu là hợp tác phát triển.
Khái niệm này còn xuất hiện trước cả khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên thực tế, khái niệm hợp tác 3 bên có từ năm 2014, khi Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đồng ý cùng hợp tác với các quốc gia khác.
Có thể nói, quan hệ Ấn Độ và Mỹ đã trải qua một chặng đường dài từ thời Chiến tranh Lạnh đến quan hệ đối tác chiến lược hiện tại với các chiến lược hợp tác xuyên suốt từ song phương đến đa phương, từ các khía cạnh dân sự đến quân sự. Quỹ đạo của mối quan hệ Ấn-Mỹ đã vượt ra ngoài sự thay đổi lãnh đạo và chính quyền ở hai nước. Quan hệ đối tác Ấn-Mỹ được khẳng định trong gần 2 thập kỷ qua bởi cả đảng Cộng hòa và Dân chủ nắm quyền ở Mỹ, cũng như các chính phủ khác nhau ở Ấn Độ.
Vị trí địa chính trị mới của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang đến cả thách thức và triển vọng phát triển cho quan hệ Ấn-Mỹ. Một mặt, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang đến cơ hội hợp tác giữa các nền dân chủ như Ấn Độ và Mỹ để phát triển quan hệ đối tác chung, thực hiện các dự án liên quan tại nước thứ ba.
Mặt khác, sự trỗi dậy của Trung Quốc với những chiến lược gây ảnh hưởng và phát triển quân sự đang là thách thức cho mối quan hệ Ấn-Mỹ. Một cuộc thăm dò cho thấy quan hệ song phương Ấn-Mỹ năm 2019 có thể sẽ gai góc hơn và bất hòa hơn so với năm 2014. Các lệnh trừng phạt mà ông Trump áp lên Iran và kéo theo là cú sốc dầu mỏ cũng sẽ là một vấn đề lớn đối với chính phủ kế tiếp của Ấn Độ.
Trung Quốc cũng sẽ là thách thức chiến lược lớn của Ấn Độ khi New Delhi vẫn luôn xa lánh Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Còn với Pakistan, bất đồng xuất phát từ những căng thẳng xung quanh Pulwama và Balakot vẫn là một thách thức dai dẳng của quá khứ và hiện tại.
Theo CAND