Ẩn chứa từ thông điệp của ông Donald Trump

Thứ hai, ngày 24/02/2020

(BDO) Thông điệp Liên bang lần thứ 3 và là năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã hé lộ nhiều nội dung rất đáng quan tâm, được đại biểu, chính giới tham dự đón nhận với một tâm thế, thái độ hỗn độn, trái chiều.

Thông điệp Liên bang kéo dài gần 80 phút theo cách kịch tính, bất ngờ đúng như diễn biến trên chính trường thường thấy của nền chính trị cường quốc số 1 thế giới.

“Nước Mỹ vĩ đại trở lại và đang vững mạnh hơn bao giờ hết”?

Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống D.Trump nêu những thành tựu bằng những liệt kê: gia tăng khoảng 7 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, thị trường chứng khoán tăng mạnh (tăng 70%) và thỏa thuận NAFTA phiên bản 2.0 được ký kết giữa Mỹ - Mexico và Canada.

Ông nêu bật một loạt vấn đề đối nội trọng tâm, trong đó nhấn mạnh tới các thành tựu quan trọng, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vấn đề siết chặt làn sóng nhập cư bất hợp pháp, đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng; đồng thời cam kết về một triển vọng lạc quan về tương lai của nước Mỹ.

Riêng về quân sự, ông Trump nhấn mạnh tới ngân sách 2.200 tỷ USD cho lực lượng không gian - một lực lượng quân sự mới trong giai đoạn ông đang cầm quyền. Ông khẳng định, ông là người có công trong việc yêu cầu sự đóng góp hơn 400 tỷ USD từ các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tính tới 2024...

Thông điệp Liên bang lần thứ 3 của Tổng thống Trump được cho là đã hé lộ nhiều nội dung rất đáng quan tâm.

Sau 3 năm cầm quyền, ông Trump cho rằng các chỉ số kinh tế, xã hội của Mỹ có sự chuyển biến tích cực, nhất là vấn đề việc làm, thu nhập của người dân. Không khó để hiểu sự tự tin đánh giá này là muốn khẳng định, những thành tựu mang tính “kỳ tích”, “ngoạn mục” để truyền đi thông điệp “Sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại”, hoàn thành lời hứa với cử tri với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” như lúc tranh cử ban đầu.

Tuy nhiên, nếu như không phải là có dụng ý thì dễ thấy, ông Trump “quên” đề cập nhiều vấn đề mang tính thách thức trong lòng nước Mỹ. Nợ công tương đương GDP nền kinh tế vượt 23.000 tỷ USD. Vấn đề nhập cư vốn gây nhiều tranh cãi với “bức tường tốn kém” dẫn đến chính phủ phải đóng cửa kéo dài kỷ lục vì ngân sách hoạt động không được thông qua. Kiểm soát súng đạn chưa có giải pháp sau những cuộc xả súng rúng động phải trả giá bằng mạng sống của người dân vô tội, tâm lý bất an về “họng súng vô hình” luôn rình rập.

California xuất hiện nhiều ý tưởng li khai khỏi phần còn lại của nước Mỹ dù chưa trở thành làn sóng mạnh mẽ. Bản thân ông Trump là tổng thống thứ 3 trong lịch sử Hoa Kỳ bị đưa ra luận tội, rõ ràng là còn có vấn đề đối với người chèo lái con thuyền làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại... Tất cả những điều đó đang tạo sự rạn vỡ, chia rẽ, phân cực sâu sắc.

Giải thích cho hành động xé nát bản thông điệp, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng: “Bài phát biểu đầy thông tin sai lệch hết trang này tới trang khác”, “Tổng thống Trump đã xé rách sự thật, nên tôi xé rách bài phát biểu của ông ấy”. Hình ảnh bà Pelosi xé toạc bản sao thông điệp là minh chứng rõ nhất cho những nhận định trên.

Chủ nghĩa Dân túy, Thông điệp liên bang hay Diễn văn tranh cử?

Trong gần 80 phút đăng đàn, Tổng thống D.Trump đã sử dụng không dưới 20 lần từ, cụm từ mạnh mang tính tuyệt đối, như: “chưa từng thấy”, “không tưởng”, “tốt nhất”, “kỷ lục”, “không thể sánh bằng”... để miêu tả những thành tựu đạt được dưới sự cầm quyền của ông. Ông tự khẳng định “Nước Mỹ vĩ đại trở lại - Nước Mỹ đang vững mạnh hơn bao giờ hết”.

Đáng chú ý, về cách sắp đặt giới thiệu các khách mời để chứng minh điều mình nói, Ông lại dành những “mỹ từ”, “mật ngữ” tán dương, dành những phần thưởng lớn, trao cho họ những cơ hội được mong chờ. Từ Tổng thống “thật sự, hợp pháp” Venezuela - Juan Guaido; cậu bé Iai có ông cố Charles McGee vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100, một trong những người cuối cùng còn sống sót thuộc lực lượng không quân thời Thế chiến 2 được ông Trump thăng hàng chuẩn tướng; mời Đệ nhất phu nhân lên trao huân chương cho Rush - “Chiến binh vĩ đại nhất” chống chọi lại bệnh ung thư; hay sự đoàn tụ của gia đình quân nhân, trao học bổng cho em bé Janiyah...

Sau tất cả những điều đó, người ta thấy hình ảnh một đương kim Tổng thống Mỹ rất gần gũi, quan tâm đến “người dân Mỹ của tôi” với đủ dạng thân phận con người, một tổng thống vì sự thịnh vượng, tiến bộ và làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Tuy nhiên, cũng tất cả những chi tiết ấy lại được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, phô bày, trình diễn bằng nghệ thuật sắp đặt tỉ mỉ, đã làm nhiều người cảm nhận nó giống như một chương trình truyền hình thực tế gay cấn, hút khách hơn là Thông điệp Liên bang của năm.

Đúng như lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện C.Schumer cho rằng bài phát biểu của Tổng thống D.Trump “giống như một cuộc vận động hơn là một bài phát biểu của một nhà lãnh đạo thật sự”.

Các khách mời đặc biệt, đại diện cho các thành phần, chủng tộc, màu da, tôn giáo, địa vị khác nhau được xướng tên trang trọng, nhiều người cho rằng chủ nghĩa dân túy vẫn là tư tưởng chủ đạo, được sử dụng, phát huy hiệu quả, “thu phục nhân tâm” ở mức độ nhất định cho nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 đã cận kề.

Ở Mỹ, đỉnh điểm của làn sóng dân túy chính là việc tỷ phú D. Trump từ người ngoại đạo của giới chính trị tinh hoa, đã ngoạn mục vươn lên đỉnh cao quyền lực. Có nhận định cho rằng: Nếu làn sóng chủ nghĩa dân túy tiếp tục được phát huy dưới “nghệ thuật” tinh vi thì người dân sẽ vẫn tin vào lời rêu rao rằng sự cứng rắn sẽ vượt qua pháp quyền, hành động đơn phương thay vì hợp tác, lợi ích của đa số vượt lên quyền lợi của các nhóm thiểu số.

Phong trào này trở thành xu hướng rất có thể sẽ thúc đẩy nhiều chiến thắng hoặc kết cục không thể ngờ tới ở các quốc gia khác, thay đổi trật tự thế giới hiện hành trong một giai đoạn tiếp theo.

Sự chia rẽ, phân rã chính trị sâu sắc

Trong thông điệp, Tổng thống Mỹ D. Trump 2 lần công kích, cho rằng “chủ nghĩa xã hội đang hủy diệt các quốc gia”. Không phải đến bây giờ, mà trước đó, ngay cả trên diễn đàn lớn nhất hành tinh - tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72-73, hay thông điệp 2 năm trước, ông D. Trump phát biểu: “Chủ nghĩa xã hội là căn nguyên gây ra nghèo đói, bất công”, “tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các chế độ độc tài cộng sản và xã hội chủ nghĩa”. Ông chỉ trích và kêu gọi “cả thế giới chống lại chủ nghĩa xã hội”.

Ngay sau bài phát biểu, nhiều học giả đã đặt ra câu hỏi: Là lãnh đạo hàng đầu thế giới, Tổng thống D. Trump luôn thể hiện bảo vệ giá trị, luật pháp, công lý được thực thi. Công kích như vậy có mâu thuẫn không khi mà ngay Điều 1- Hiến chương Liên Hiệp Quốc ghi rõ: “tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết”. Cùng với đó là “các nguyên tắc hoạt động chủ đạo là không can thiệp vào công việc nội bộ các nước”. Khi soi vào những điều trên, rõ ràng những phát biểu này là trái với pháp luật và cách cư xử trong quan hệ quốc tế hiện đại.

Với tâm trạng có lẽ là quá “phấn kích”, ông D. Trump đả kích 132 nhà lập pháp đã tán thành áp đặt biện pháp quản lý hệ thống y tế cung cấp miễn phí. Ông công kích, xóa bỏ chương trình y tế Obamace của người tiền nhiệm và thực thi chính sách y tế riêng của mình.

Ở khía cạnh khác, lần đầu tiên sau 5 tháng xuất hiện tại phòng Hạ viện và mặt đối mặt với “Bà đầm thép” của nước Mỹ - Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (người dẫn đầu phe Dân chủ quyết đưa ông D. Trump phải bị luận tội), ông “phớt lờ” cái bắt tay với sự tự tin ngạo nghễ; có người cho rằng điều này hé lộ năng lực kiểm soát hành vi yếu kém hơn là sự chủ đích. Trong suốt quá trình thông điệp diễn ra, những người của đảng “con voi” (Cộng hòa) không ngớt những tràng pháo tay phấn khích cổ vũ, hô vang khẩu hiệu “thêm 4 năm nữa” thì phần còn lại là những người của đảng “con lừa” (Dân chủ) lại ngao ngán, thậm chí la ó, bỏ ra khỏi hội trường và đỉnh điểm hình ảnh bà Pelosi xé toạc “ngay lập tức” bản sao thông điệp khi ông D. Trump kết thúc. Điều đó thể hiện “vết nứt”, sự “rạn vỡ”, chia rẽ, đối đầu giữa hai đảng ngày càng lớn và sâu sắc hơn.

Người phụ nữ là mẹ của một lính Mỹ làm khách mời trong buổi đọc Thông điệp Liên bang của ông Trump.

Chính sách đối ngoại ít được đề cập

Về đối ngoại, vấn đề được ông D.Trump nhấn mạnh là kỳ tích quân đội Mỹ đã tiêu diệt Baghdadi, thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) và tướng Qasem Soleimani của Iran. Ông cho biết sẵn sàng chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan càng sớm càng tốt và mong muốn rút quân đội Mỹ khỏi Trung Đông. Trung Quốc là danh từ được ông đề cập 4 lần.

Nếu như năm trước, Thông điệp Liên bang khẳng định Trung Quốc là “đối thủ” thách thức lợi ích của Mỹ thì năm nay thông điệp nhắc đến với thái độ rất nhẹ nhàng, muốn khẳng định “Chiến lược của Mỹ đã phát huy tác dụng” và đạt được thỏa thuận “đột phá” trong cuộc chiến tranh thương mại.

Ngoài những thành tựu mang tính “tự thưởng” cho mình nêu trên, các vấn đề quốc tế khác liên quan trực tiếp đến lợi ích của Mỹ như chống khủng bố, vấn đề Syria, Iran, cuộc xung đột giữa Israel, Palestine, Nga, CHDCND Triều Tiên không được Tổng thống Trump đề cập đến mặc dù trong năm 2019 những chính sách này được ông đặc biệt quan tâm song vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Dưới góc độ ngoại giao, quân sự, an ninh, có thể thấy, Tổng thống Trump dường như đang “bế tắc” trong một loạt vấn đề đối ngoại gai góc, phức tạp. Sáng kiến hòa bình Trung Đông, việc công nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô của Israel, ủng hộ nước này trong việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, những động thái làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Trump và người Palestine, khiến “điểm nóng" này liên tục bất ổn, khoét sâu chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu, những điều này ít nhiều làm suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ ở khu vực. Đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc, căng thẳng lại đang có chiều hướng gia tăng.

Chiến dịch gây áp lực, cấm vận của Washington đã khiến nền kinh tế Iran suy thoái; việc tướng Qasem Soleimani bị Mỹ tiêu diệt lại càng gia tăng thù hận, làn sóng đối đầu chống Mỹ của Iran và đồng minh lên cao, trong tình thế đó, Iran tăng cường làm giàu nguyên liệu hạt nhân; mục tiêu ngăn chặn chương trình hạt nhân của Mỹ đối với quốc gia Hồi giáo trở nên khó khăn, bất trắc, xa vời hơn bao giờ hết. Quan hệ với Nga cũng thêm căng thẳng khi hai bên sa vào chỉ trích và đổ lỗi cho nhau gây ra sự đổ vỡ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), những bất đồng trong cạnh tranh địa chiến lược chưa thể tìm tiếng nói chung.

Hay việc rút quân khỏi Syria, “bỏ rơi” số phận người Kurd vốn cùng chung chiến hào, đã làm mất niềm tin, thậm chí là sự xa rời của các đồng minh, làm vị thế, lợi ích của Mỹ ở nhiều khu vực chiến lược xa sút... Cho dù có lạc quan đến mấy như cách ông D. Trump xuất hiện để công bố thông điệp, cũng không thể phủ nhận đây là thách thức không nhỏ, càng không dễ giải quyết. Do vậy, không được nói đến cũng là điều dễ hiểu.

Tổng thống D. Trump kết thúc bản Thông điệp Liên bang 2020 với hình ảnh “mặt trời vẫn đang ló rạng”. Liệu ánh sáng có tiếp tục chiếu rọi cho cuộc phiêu lưu quyền lực trên hành trình nhiệm kỳ thứ 2 của mình? Tất cả sẽ tỏ tường sau khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2020 vốn đã cận kề.

Theo CAND

Từ khóa: