Âm nhạc cho tôi nghị lực sống

Thứ bảy, ngày 19/04/2014

   Anh Trọng (bìa trái) trong một buổi đàn cho các em nhỏ tại TTNĐQH

 Một tai nạn xảy ra khi đang học lớp 10 đã khiến anh Tạ Văn Trọng (SN 1984, quê Hà Nam) không còn được nhìn thấy ánh sáng. Tưởng chừng mọi thứ đã chấm dứt, thế nhưng bằng nghị lực anh đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Năm 20 tuổi, chàng trai đất Bắc đã vào Bình Dương trong sự bỡ ngỡ, nhưng chính tình cảm của những người dân nơi đây đã giúp cho chàng trai này vượt qua những khó khăn. Sau khi học thành thục chữ nổi, anh Trọng nối nghiệp những người đi trước - trở thành “thầy” dạy chữ nổi cho những người khiếm thị tại TTNĐQH.

Đầu năm 2009, khi những người khiếm thị trong trung tâm đã bắt đầu có việc làm, anh cùng với người bạn tên Việt (mắt chỉ còn 10% thị lực) mày mò đi học đàn organ. Sau khi học xong, anh mong rằng có thể dùng cái nghề mà mình vừa học được để kiếm sống. Rồi vận may lại đến khi có một nhà hàng cần gấp nhạc công cho tiệc cưới và anh đã được gọi đi đàn. Thấy anh đàn tốt mà tính tình lại vui vẻ nên nhà hàng này đã quyết định sẽ gọi anh đến đàn khi có tiệc.

Để anh có thể làm tốt công việc nhạc công của mình, bạn bè và những người thân trong TTNĐQH đã hết lòng giúp đỡ anh trong việc đi lại. Dường như họ cảm thấy vui lây khi anh đã là một nhạc công thực thụ. Anh Trọng, tâm sự: Việc làm nhạc công đã đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc, vui có, buồn cũng có nhưng vui nhất vẫn là đàn cho trung tâm trong những đêm văn nghệ. Nhờ việc chơi đàn đã giúp anh cảm thấy mình trở nên yêu đời hơn và thấy mình có ích hơn trong xã hội. Anh mong rằng trong một tương lai không xa sẽ góp đủ tiền mua cho mình một cây đàn tốt hơn để phục vụ cho công việc. Tuy là một người khiếm thị, nhưng anh đã không ngừng phấn đấu để trở thành một công dân tốt, luôn sống hết mình và cống hiến cho xã hội. Có thể nói “lửa” trong tim anh chưa bao giờ tắt.

D.HƯƠNG