Ấm lòng những bữa cơm chay từ thiện

Thứ tư, ngày 04/09/2013

Người làm công việc đầy ý nghĩa đó là cô Thái Thị Kim Chi (43 tuổi, tên thường gọi là Đặng). Sinh sống tại Bình Dương đã 40 năm nay, cô Đặng sống bằng nghề bán bánh mì. Cũng chính nhờ công việc này mà cô đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn: Những công nhân sáng nhịn đói đi làm, sinh viên thiếu tiền bánh mì, người bán vé số không đủ tiền ăn trưa… Sự đồng cảm, sẻ chia với những mảnh đời ấy đã thôi thúc cô phải làm một việc gì đó để giúp đỡ họ. Hai năm trước, cô đã trình bày nguyện vọng của mình với Đại đức Thích Nhựt An - Trụ trì chùa Phước Tường (quận 9, TP.HCM), xin những suất cơm chay của chùa để phát cho người nghèo tại khu phố Tân Lập. Từ đó đến nay, mỗi tháng 4 ngày, những hộp cơm chay miễn phí được cô trao đến tận tay những người lao động nghèo trong khu phố.

Ban đầu mỗi ngày cô nhận từ chùa khoảng 100 hộp cơm chay, đến nay số lượng đã tăng lên 400 hộp. Như thường lệ, cứ đến ngày ba mươi, mồng một, mười bốn, rằm hàng tháng, những người bán vé số, thợ hồ, sinh viên, công nhân… lại đến tiệm bánh mì cô Đặng để mang về những hộp cơm chay thơm ngon, nóng hổi. Bác Trần Văn Hoàng, một người lượm ve chai năm nay đã 70 tuổi, chia sẻ: “Tôi đi làm vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao. Những ngày nhận cơm chay ở đây tôi thật sự rất mừng vì vừa có bữa trưa, vừa tiết kiệm được tiền”. Còn bạn Lê Hồng Thái (sinh viên năm 2, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) thì vui vẻ nói: “Hôm nay, mình đi nhận cơm cho cả phòng luôn, cuối tháng ba mẹ chưa gửi tiền, nhờ có cơm chay của cô Đặng không thì ăn mì tôm nữa rồi! Cơm ở đây rất ngon!”.

Ngoài phát cơm tại nhà, cô Đặng còn mang cơm chay tới tận những nơi có người nghèo sinh sống. Lớp học tình thương Tân Lập cũng nhận từ cô Đặng gần 100 hộp cơm chay. Các em học sinh không chỉ được nhận phần cơm của mình mà còn có thể mang về nhà cho cha mẹ. Bên cạnh đó, những hộp cơm chay miễn phí còn được cô trao tận tay những người già neo đơn và người tàn tật trong khu phố…

Những hộp cơm chay không chỉ giúp người lao động nghèo có bữa ăn ngon, mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm giữa những người sống trong khu phố. Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu ấy khẳng định: “Chắc chắn trong thời gian tới, những hộp cơm chay miễn phí sẽ tiếp tục đến tay người nghèo”. Ẩn chứa trong câu nói là cái tâm của một con người hết lòng làm việc thiện.

PHƯƠNG CHI - NGUYỄN HẬU