Ấm áp tình người vùng lũ dữ
(BDO)
Cơm và nhu yếu phẩm đã sẵn sàng lên thuyền về với người dân Quảng Trị đang bị lũ bao vây
Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đang trải qua trận lũ lịch sử khiến hàng trăm nghìn gia đình lâm vào cảnh khó khăn, tài sản, hoa màu, vật nuôi bị ngập chìm trong biển nước, cuộc sống lao đao. Rất nhiều gia đình bị nước lũ cô lập, nhưng họ không cô đơn bởi các hoạt động cứu trợ, tương trợ, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng diễn ra sôi nổi trong những ngày qua, với nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả. Trong lũ dữ, tình người càng tỏa sáng hơn.
Đa dạng các hình thức cứu trợ
Với những người cao tuổi ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình), phải rất lâu rồi họ mới chứng kiến trận lũ lớn như thế. Mọi số liệu của trận lũ lịch sử tháng 9-1979 bị trận lũ này xóa nhòa và thiết lập nhiều mốc mới kinh khủng hơn. Đến tối 18-10, hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy chìm sâu trong đại hồng thủy. Chuyên gia thủy lợi Nguyễn Ngọc Giai cho rằng, chưa bao giờ đồng bằng hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, nước lũ dâng hơn hai ngày đêm mới dừng lại. Gần 45 nghìn ngôi nhà ngập sâu, trong đó phần lớn ngập đến mái hoặc chấm tra (gác bằng gỗ sát mái để trú lụt) nên người dân phải kêu cứu cả đêm. Nhiều gia đình neo đơn, già cả không con cái ở gần đã được các lực lượng ứng cứu, đưa về trú tại trụ sở UBND, trường học các xã. Tuy nhiên, trụ sở làm việc, trường học của các xã này đều ngập hết tầng một. Để vượt qua cơn đại hồng thủy, nhiều gia đình đã động viên, kêu gọi nhau sang trú tại các nhà cao tầng. Vùng lũ mất điện, người dân mất liên lạc do không có điện để sạc điện thoại; trước khi hết pin, họ phải gọi cho người thân ở xa lên mạng tìm lực lượng cứu giúp. Đáp lại tiếng kêu cứu thống thiết đó, trong đêm đen, giữa biển nước mênh mông, thuyền, ca-nô của lực lượng cứu hộ hoạt động hết công suất song cũng không thể bao trùm được tất cả vì nhân lực, phương tiện có hạn. Mặt khác, các phương tiện rất khó di chuyển trong điều kiện đêm tối như mực, giữa sóng to, gió lớn và mưa sàn sạt.
Thông qua mạng xã hội, nhiều ngư dân ở Hải Ninh (Quảng Ninh), Ngư Thủy (Lệ Thủy) quyết định dùng thuyền đi biển của mình để đi cứu người. Từ một, rồi hai và nhiều người khác nữa, họ muốn tự nguyện dùng sức mình để hỗ trợ cứu lấy mạng sống cho bà con cùng quê hương, xứ sở. Từ phong trào tốt bụng tự phát, chính quyền địa phương quyết định lựa chọn những chiếc thuyền tốt, nam giới khỏe mạnh để lên đường đi cứu hộ. Ngặt nỗi, từ các làng biển, muốn đến vùng lũ thì phải vượt qua trảng cát mênh mông mà thuyền thì không thể đi được trên cát. Rồi có người lên mạng xã hội tìm người nào có xe cẩu tự hành đến trợ giúp. Ngay lập tức, chủ doanh nghiệp sắt thép Sơn Nhung ở TP Đồng Hới vào lúc giữa đêm mưa gió đã đưa xe cẩu tự hành lên Quảng Ninh rồi Lệ Thủy để cẩu và chở thuyền từ Hải Ninh, Ngư Thủy đưa xuống bên quốc lộ 1A để từ đó hướng vào tâm lũ cứu người. Tại huyện Lệ Thủy đã có 20 thuyền đi biển của ngư dân làm nhiệm vụ cứu hộ như thế. Mỗi thuyền được phân công phụ trách một xã, số điện thoại của người lái thuyền được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội để ai cần thì gọi và hướng dẫn đường đi, điểm đến cho thuyền cứu hộ. Nói như Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn, đây là cách cứu hộ sáng tạo, linh hoạt và rất hiệu quả của chính người dân vùng sông nước Lệ Thủy. Rồi, một số bạn ở Câu lạc bộ thuyền hơi Hà Nội đã đưa thuyền lên xe bán tải chở vào Quảng Bình ứng cứu rất nhiều trường hợp kẹt lũ ở huyện Quảng Ninh. Thuyền hơi tuy nhỏ nhưng nhẹ và cơ động, dưới sự hướng dẫn đường qua mạng xã hội của thân nhân người bị mắc kẹt, họ đã cứu được nhiều người đang ngồi trên nóc nhà, kẹt dưới gác mái nhà ra khỏi nơi nguy hiểm. Trong đêm tối giữa biển lũ dữ, tình người vẫn ấm áp làm sao!
Sáng 19-10, khi người dân vùng lũ đói rét vì ngâm trong lũ nhiều ngày, nhiều nhóm thiện nguyện, các bạn trẻ đã kêu gọi nhau cùng đóng góp để nấu cơm, hỗ trợ thực phẩm cho bà con vùng lũ. Chỉ sau vài giờ chia sẻ trên mạng xã hội, các nhóm thiện nguyện tại Đồng Hới và các vùng chưa bị ảnh hưởng lũ lụt lập tức hưởng ứng. Anh Trần Cương, Giám đốc Công ty du lịch Nettin là người đầu tiên đứng ra vận động, nấu hàng trăm suất ăn để chuyển về vùng lũ cho nhân dân và các lực lượng tham gia cứu hộ. Chị Tạ Thị Diệu Hằng, một thành viên trong nhóm thiện nguyện cho biết, từ 4 giờ sáng 19-10, nhóm đã tập trung tại nhà hàng Phương Mận ở phường Hải Thành, TP Đồng Hới để nấu cơm. Khoảng 30 người tham gia nấu cơm, trong đó có nhiều cô giáo, sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố. Ngoài sự trợ giúp về sức người, nhóm của họ còn nhận được tiền ủng hộ từ nhiều nhà hảo tâm. Khoảng 9 giờ, 500 suất cơm đóng hộp ấm nóng được ca-nô của bộ đội, công an chuyển tới bà con ở vùng ngập sâu hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh. Chị Diệu Hằng cho biết, nhóm của chị dự kiến nấu 10.000 suất ăn liên tục trong những ngày tới. Thậm chí, ngay cả khi hết lụt, nếu có sự ủng hộ từ mọi người và đồng bào còn cần giúp đỡ, các thành viên sẵn sàng tiếp tục hoạt động thiện nguyện này.
Ở các xã vùng ven TP Đồng Hới như Lộc Ninh, Quang Phú và các xã như Ngư Thủy, Trường Thủy - nơi ít bị ảnh hưởng của lũ lụt thì chị em góp sức cùng nhau nấu cơm, gói bánh nếp để chuyển đến vùng lũ. Các cô giáo Trường mầm non Lộc Ninh sử dụng bếp của nhà trường để nấu hàng trăm suất cơm ủng hộ người dân đang ngâm mình trong lũ. Chỉ trong buổi sáng, ba xe ô-tô chở bánh chưng, mì tôm, nước uống của bà con xã Quang Phú vượt mưa gió đến người dân đang vật lộn cùng khó khăn mưa lũ.
Những bát cơm ấm tình người
Lũ đã rút dần tại các làng quê của Quảng Trị nhưng người dân thì đã đuối sức sau ba lần chạy lũ trong mười ngày qua. Cái họ cần nhất lúc này là được tiếp sức bằng các suất cơm, chai nước lọc vì tất cả lương thực đã ướt, ẩm mốc nên không thể nấu ăn. Thế là những suất cơm tình nghĩa đang được người dân ở vùng không bị ngập lũ và các đoàn thể, ban, ngành của Quảng Trị nhanh chóng đưa đến khắp 80 xã, phường của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Huyên, người ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh những ngày này lặn lội đưa cơm cho nhiều gia đình vùng lũ từ huyện Vĩnh Linh đến huyện Gio Linh, Triệu Phong. Chiều 18-10, chị và nhóm bạn lội nước ngang bụng tặng mấy trăm phần quà và suất ăn cho người dân thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm. Đây là thôn bị ngập lũ sâu nhất của ba xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy. Chị nói nhà mình may mắn ở địa điểm cao hơn, không bị ngập, thương bà con nhiều ngày liền không nấu nướng được nên phát nguyện đưa cơm đến từng nhà giúp người dân khỏi thiếu bữa. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng chia sẻ, đến chiều 19-10, nhiều hộ vẫn đang bị lũ cô lập, nước vẫn chưa rút; người dân thiếu lương thực khô, đèn pin, áo phao, nến. Những ngày qua, để bảo đảm an toàn, điện đã bị cắt, thêm lũ dâng ngập sâu từ hai đến ba mét nên các gia đình không nấu được đồ ăn.Vĩnh Sơn rất cần những tấm lòng thảo thơm quan tâm giúp đỡ thêm.
Chị Hồ Thị Thu Hằng ở phường 5, TP Đông Hà những ngày này đứng ngồi không yên vì thấy người dân bị lũ bao vây bốn phía. Chị đứng ra vận động, kết nối mọi người ủng hộ mỗi ngày vài nghìn suất cơm cho vùng ngập. Những ngày lũ, học sinh được nghỉ học, thế là chị mượn bếp của Trường tiểu học Hàm Nghi, Lê Hồng Phong tổ chức nấu ăn rồi trực tiếp mang cơm đến từng gia đình đang bị lũ cô lập. Chị chia sẻ, bình thường họ là những nông dân sản xuất khá, nhà đủ ăn, nhưng khi lũ ngập sâu, bao vây đến mười ngày, không nấu ăn được thì gia đình nào cũng như nhau. Về với nông dân vùng lũ, chị thấy nhà nào cũng cần được giúp đỡ từng bữa ăn để cầm cự qua ngày, có thêm sức khỏe, sớm ổn định lại cuộc sống.
Anh Nguyễn Thế Long ở Đông Hà cũng dành luôn thời gian nghỉ phép của mình để nấu cơm mang đến cho từng gia đình đang dầm mình trong lũ. Ai nhờ gì anh làm đó, lăn lộn cùng mọi người. Càng đi cứu trợ người dân vùng lũ, anh càng không muốn dừng lại chỉ vì nghĩ mình chăn ấm nệm êm, mà người khác đang lênh đênh sông nước, đói, khát, rét, lòng anh không chịu nổi. Thế là anh xông pha đến từng làng quê đưa cơm cho từng gia đình vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Nước lên nhanh và bất ngờ đã cuốn trôi mọi thứ, khiến nhiều gia đình của huyện Cam Lộ rơi vào cảnh khốn đốn không điện, không nước uống, thiếu thức ăn. Chia sẻ với vất vả, khó khăn ấy, Hội Phụ nữ huyện Cam Lộ đã tổ chức nấu và phát nhiều suất ăn miễn phí cho những người dân vùng lũ, giúp họ có thêm sức khỏe để sớm khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Cam Lộ Nguyễn Thị Thanh Bình cùng các hội viên tập hợp nấu các suất ăn miễn phí nhằm kịp thời cung cấp cho những gia đình trên địa bàn đang bị ngập lụt. Dưới sự phân công của chị Bình, người nấu nước, nấu xôi, người rim chả, chiên trứng, rang đậu… ai nấy đều vui vẻ và động viên nhau nhanh tay hoàn tất phần việc cho kịp giờ phát đồ ăn. Những phần xôi đủ chất dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon được các chị xếp đặt ngay ngắn. Ngay từ khi trận lũ đầu tiên xuất hiện trong hai ngày 6 và 7-10, gây ngập lụt ở nhiều nơi trên thị trấn, chị em trong hội đã lên kế hoạch kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm về kinh phí và sử dụng một phần tiền trích từ quỹ hội để triển khai nấu cơm cho người dân. Còn những ngày này, lũ cuốn trôi hết gà, heo, vịt, tàn phá ruộng rau xanh nên các chợ thiếu thực phẩm trầm trọng. Kế hoạch nấu cơm rất khó thực hiện, chị em quyết định thay cơm thành các phần xôi vừa ngon miệng, vừa bảo đảm dinh dưỡng. Sau khi hoàn tất nấu nướng, các chị em mang xôi đến từng nhà phát miễn phí cho người dân. Nhận những hộp xôi ấm nóng trên tay, chị Nguyễn Thị Thủy, trú tại khu phố 5, thị trấn Cam Lộ xúc động cho biết, nước dâng lên nhanh khiến gia đình trở tay không kịp, đồ dùng trong nhà lẫn gà vịt đều trôi và hư hỏng hết. Đến nước sôi để pha mì ăn liền cũng không nấu được.
Chị Hà Trang công tác ở Báo Quảng Trị cho biết, hơn 90 hộ dân ở thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ bị cô lập nhiều ngày qua. Khuya 17-10, lũ tràn về nhanh, nhiều người cầu cứu vì nước dâng gần tận mái nhà. Trong mưa lũ, chị và những người bạn cố gắng tiếp cận người dân hỗ trợ bánh chưng, trứng luộc và chai nước sạch. Hôm sau, chị lại đưa 30 thùng nước sạch, 100 thùng mì tôm, 150 bánh mì tươi, 250 suất cơm nóng vào tiếp tế cho người dân nơi đây. Phương tiện vận chuyển chỉ là chiếc đò nhỏ, mọi người đưa hàng lên đò rồi cùng đẩy vào thôn. Đến giữa đường, nước lên ngang bụng tràn vào làm lật đò, tất cả lương thực trôi bồng bềnh, trong khi hai bên là hồ nước sâu không thể lao ra vớt được. Trời bắt đầu mưa và ai cũng bắt đầu lạnh vì ngâm nước lâu... Cuối cùng hàng cứu trợ cũng vào đến nơi trong tiếng kêu hạnh phúc của người dân: “Đò ơi, mệ ở đây”, “ Đò ơi, cho xin nước với”. Gian nan nhưng chị thật vui vì người dân đã được nhận tấm lòng của nhiều người gửi gắm.
Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh trân trọng từng tấm lòng chia sẻ kịp thời của người dân Quảng Trị cũng như bạn bè gần xa đối với vùng lũ dữ. Lũ đặc biệt lớn từ ngày 6 đến 18-10 không chỉ gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân, còn làm ngập sâu gần 53 nghìn ngôi nhà của 80/124 xã, phường, thị trấn nơi địa phương này. Thế nhưng, nhờ lòng người Quảng Trị và sự vào cuộc kịp thời của các hội, đoàn thể, chính quyền nên không một người dân nào đứt bữa do lũ dữ bao vây. MTTQ tỉnh đang kêu gọi sự giúp đỡ của bạn bè gần xa, các nhà hảo tâm sớm giúp Quảng Trị gượng dậy sau thiên tai chưa từng gặp.
Khẩn trương khắc phục thiệt hại
Tại huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế), mưa lớn khiến 624 hộ dân trên toàn huyện phải di dời khỏi vùng có nguy cơ ngập sâu và sạt lở. Các xã đã huy động lực lượng đoàn thanh niên, dân quân cùng sự hỗ trợ của các đơn vị: Biên phòng, công an… khẩn trương dọn dẹp bùn đất trên các tuyến đường để bảo đảm các phương tiện lưu thông an toàn. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện A Lưới, lương thực tiếp nhận được cấp phát cho người dân với 10 tấn gạo, 1.700 thùng mì tôm. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận và trao tặng người dân hàng trăm suất quà, chủ yếu là nhu yếu phẩm cần thiết.
Là địa bàn vùng trũng, liên tục trong những ngày giữa đầu tháng 10 đến nay, người dân huyện Quảng Điền đã oằn mình chống lại với hai trận lụt lớn. Nước lụt chưa rút cạn thì hiện nay, người dân vùng rốn lụt đang phải dồn sức ứng phó trận lụt thứ ba. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quảng Điền, ở đợt lụt thứ ba này, mực nước lũ đã khiến hơn 16.200 nhà dân bị ngập sâu trong nước. Nhiều tài sản giá trị của người dân bị cuốn trôi, cây trồng, vật nuôi bị chết hoặc hư hỏng. Đến ngày 19-10, trên địa bàn huyện tuy nước có rút nhưng rất chậm. Nước lụt lâu ngày đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân, nhất là tình trạng môi trường ô nhiễm, lương thực, thực phẩm dự trữ gần như đã cạn kiệt, trong khi giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Trần Quốc Thắng cho biết: “Để chủ động ứng phó mưa lũ kéo dài, huyện đã thống kê toàn bộ các hộ dân nằm trong diện nguy hiểm để tiến hành di dời. Vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm, dầu thắp; phân công các thành viên bám sát địa bàn kiên quyết không để người dân đi lại khi có lụt...”.
Tại xã Phong Xuân (huyện Phong Điền), tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức một trạm đo để thường xuyên cập nhật về thời tiết, hỗ trợ công tác cứu nạn cứu hộ số công nhân đang mất tích tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Các lực lượng đã tiếp cận và xác định một số điểm nghi vùi lấp các nạn nhân; đồng thời vẫn đang tiếp cận Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 bằng đường thủy để hỗ trợ lương thực và tìm kiếm những người mất tích. Các phương tiện cơ giới với 10 xe múc, xe ủi đang triển khai trên tuyến đường 71; năm xe múc, xe ủi đã tập kết tại xã Phong Xuân sẵn sàng tham gia công tác khôi phục tuyến đường 71.
Trên các diễn đàn facebook, nhiều cá nhân đã kết nối với những nhà hảo tâm để có nhiều chuyến cứu trợ đến đồng bào, nhất là chính quyền địa phương kêu gọi người dân cố gắng tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tại các vùng thấp trũng như ở Ngũ Điền (huyện Phong Điền), công tác cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm, nhất là đối với những hộ dân bị mất nhà cửa, những hộ ở vùng ngập sâu chia cắt dài ngày đang được triển khai khẩn trương với tinh thần tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở.
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tiếp tục triển khai công tác ứng phó và khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, lực lượng vũ trang của tỉnh đang điều 500 chiến sĩ về các địa bàn giúp bà con khắc phục hậu quả mưa bão, vệ sinh môi trường; trong đó, Sư đoàn 968 có 300 quân và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có 200 quân. Nhằm bảo đảm công tác hỗ trợ, tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh đã huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ, lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn cho người dân, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại.
Chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả lũ lụt, ngày 19-10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã đề nghị các ban, ngành, địa phương tập trung triển khai các phương án khắc phục thiệt hại do mưa lũ; kịp thời cứu trợ, hỗ trợ cho người dân, nhất là người dân ở những vùng bị chia cắt, không để người dân nào phải thiếu đói, rét; công tác khắc phục, cứu trợ phải bảo đảm an toàn toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Theo NDĐT