Ấm áp Ngày thơ Việt Nam

Thứ hai, ngày 22/02/2016

(BDO) Ngày thơ Việt Nam (Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng giêng hàng năm) lần thứ 14 năm nay lại được khắp nơi hưởng ứng sôi nổi. Bình Dương đã tổ chức lần thứ 12 kể từ năm 2005 đến nay. Năm nay, Đêm thơ được tổ chức tại trường Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương vào đêm 19-2, nhằm ngày 12 tháng giêng Bính Thân 2016…

Một tiết mục diễn ngâm tại Đêm thơ. Ảnh: MINH HIẾU

Có rất nhiều nhà thơ và người yêu thơ đã tham dự. Thơ được coi là “Tiếng nói của tâm hồn”. Nhất là đối với dân tộc Việt Nam ta, vốn có một truyền thống thơ ca từ lâu đời. Thơ đã là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của ông cha ta từ xa xưa. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thơ đã khẳng định được tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất của dân tộc ta trước mọi kẻ thù xâm lược.

Bài thơ không thể thiếu trong các đêm thơ là bài “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nghệ sĩ Lý Bạch Huệ trình bày rất dìu dặt và sâu lắng. Tiếp đó là bài thơ thần của Lý Thường Kiệt - Nam quốc sơn hà Nam đế cư… như lời tuyên ngôn độc lập thiêng liêng của dân tộc.

Như mọi năm, biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Lấn biển để dựng nước và thông qua biển để giữ nước là một nét độc đáo của lịch sử Việt Nam trong quá khứ. Với tình cảm sâu lắng dành cho biển đảo, nhà thơ Trần Thanh Hải đã đặt mình vào tâm trạng của người lính ở Trường Sa trong đêm nguyên tiêu, bồi hồi nhớ về bài thơ “Nguyên tiêu” mà Bác đã cảm tác, người lính ở đảo xa càng chắc tay súng trên đường tuần tra, quyết tâm giữ gìn từng tấc đất biên cương nơi hải đảo xa xôi.

Một nét nhang trầm cho hai nhà thơ của Bình Dương vừa mất vào dịp Tết Bính Thân này làm cho ai nấy đều cảm động. Những ngày đầu xuân, anh chị em văn nghệ sĩ Bình Dương rất đau buồn phải từ giã hai nhà thơ Lưu Vân và Nguyễn Nguy Anh. Nhà thơ Lưu Vân đã qua đời ngay vào đêm giao thừa 29 Tết Bính Thân sau một thời gian bị bạo bệnh. Còn nhà thơ Nguyễn Nguy Anh đã đột ngột ra đi vào sáng mùng 3 tết sau một tai nạn giao thông. Sự ra đi của các anh để lại cho bạn bè yêu thơ văn niềm tiếc thương vô hạn và sự hụt hẫng. Bởi, năm nào, đêm thơ Việt Nam được tổ chức cũng có sự tham dự của các anh. Thế nên, trong chương trình Đêm thơ Nguyên tiêu năm nay, mọi người rất cảm động khi nghe lại bài “Lót chỗ đời nhau” của Lưu Vân và “Có một thành phố đi xa để nhớ” của Nguyễn Nguy Anh

Tiếp theo đó là những bài thơ mộc mạc, tươi vui, của những dòng cảm xúc về những thay đổi diệu kỳ trên quê hương Bình Dương như: Bến Cát xuân về (Lê Minh Vũ); Mùa xuân gõ cửa (Nguyễn Văn Ân); Trở về ngày xuân (Đỗ Mỹ Loan)…

Tiếng thơ - muôn đời vẫn là tiếng lòng dễ thương nhất, dễ đồng cảm nhất mà con người dành cho nhau. Đêm thơ Việt Nam hàng năm cũng là dịp cho những người yêu thơ ngồi lại cùng nhau, ngắm trăng Nguyên tiêu, nghe những vần thơ lắng đọng để thấy xao xuyến bùi ngùi cho mối tình thi hữu luôn còn mãi đâu đây.

 QUỲNH NHƯ