Albania: Biểu tình, bạo loạn, 3 người chết

Thứ bảy, ngày 22/01/2011

3 người đã thiệt mạng tại thủ đô Tirana của Albania khi nổ ra các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ phe đối lập.

 

Ước tính 20.000 người biểu tình đã đổ về trước các tòa nhà chính phủ, kêu gọi chính phủ bảo thủ từ chức. Những cuộc biểu tình diễn ra sau khi phó thủ tướng Ilir Meta, nhân vật trung tâm của một vụ bê bối gian lận, từ chức.

 

 Người biểu tình ném đá vào cảnh sát.

Đảng đối lập Xã hội cáo buộc chính phủ tham nhũng, lạm dụng quyền lực và sắp đặt cuộc bầu cử trước đây.

 

Chính trị Albania đã bị tê liệt kể từ khi đảng đối lập bác bỏ kết quả của cuộc bầu cử năm 2009.

 

“Thật không may, 3 thường dân đã thiệt mạng”, Alfred Gega, phó giám đốc bệnh viện quân đội Tirana cho biết. Một nạn nhân đã bị bắn thương vào đầu còn 2 người kia bị bắn vào ngực ở cự ly gần.

 

Hiện chưa rõ ai thực hiện vụ bắn súng trên.

 

Ông Gega cho biết thêm, hơn 30 người biểu tình và 17 cảnh sát bị thương. Một thường dân và 1 cảnh sát trong tình trạng nguy kịch.

 

Trong khi đó, các nhân chứng cho hay một số người trong đám đông đã ném đá vào cảnh sát, sau đó cảnh sát đáp trả bằng đạn hơi cay và vòi rồng.

 

Lực lượng cảnh sát đáp trả người biểu tình bằng đạn hơi cay và vòi rồng.

 

Một số người biểu tình cũng ném đá từ đỉnh tòa nhà hình kim tự tháp gần văn phòng Thủ tướng Sali Berisha và đốt xe cảnh sát cùng các phương tiện khác.

 

Sau 3 giờ đụng độ, những người biểu tình đã giải tán khi Tổng thống Bamir Topi và lãnh đạo đảng Xã hội Edi Rama ra lời kêu gọi người biểu tình bình tĩnh. Cảnh sát sau đó đã chiếm lại quyền kiểm soát các con phố chính.

 

Hiện chưa có thông tin gì về các vụ bắt giữ.

 

Ông Rama cho hay, mặc dù xảy ra bạo loạn, nhưng chính phủ cần phải quan tâm đến thông điệp của người biểu tình. “Chúng tôi sẽ quyết tâm tiếp tục cuộc đấu tranh của chúng tôi, bởi con đường giải thoát đã rõ ràng: hoặc là giải phóng Albania hoặc là để người dân bị đàn áp dưới gót giày quyền lực man rợ”.

 

Sứ quán Mỹ, EU và tổ chức khu vực OSCE ra thông cáo chung, bày tỏ lo ngại sâu sắc về bạo lực.

 

Đảng đối lập muốn tổ chức bầu cử quốc hội lại sau khi phủ nhận kết quả cuộc bầu cử tháng 6-2009, cuộc bầu cử mà đảng Dân chủ của ông Berisha giành được tỉ lệ rất thấp.

 

Căng thẳng chính trị tăng cao sau khi ông Ilir Meta, một đồng minh lớn của ông Berisha, từ chức vào tuần trước vì bị cáo buộc tham nhũng trong một vụ đấu thầu nhà máy điện.

 

Theo Dân Trí