Ai sẽ trả lại danh dự cho Vietfoods?- Kỳ cuối
(BDO) Kỳ cuối: Thiệt hại, ai chịu?
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, luật sư và cơ quan chức năng đều lấy làm tiếc cho những thiệt hại của Vietfoods do Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 của Chi cục QLTT thành phố Hà Nội gây ra. Chỉ vì một vài cá nhân cố tình hiểu lệch vấn đề và làm sai quy định đã khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính phải lao đao.
Nhân viên Vietfoods kiểm tra sản phẩm xúc xích trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường. Ảnh: KHÁNH VINH
“Sai thì phải cải chính công khai, bồi thường thiệt hại”
Thiệt hại của Vietfoods kể từ sau khi Đội QLTT số 14 của Hà Nội lập biên bản hành chính tạm giữ 2,2 tấn xúc xích Vietfoods rồi bị công bố thông tin thất thiệt là rất lớn, ước tính hàng chục tỷ đồng. Được biết, ngay sau khi tham chiếu các quy định pháp luật của Việt Nam hiện hành cũng như các tiêu chuẩn quốc tế, Vietfoods đã nhanh chóng gửi hàng loạt văn bản đến Chi cục QLTT Hà Nội và Đội QLTT số 14 nhằm minh oan cho mình. Tuy nhiên, các cơ quan này vẫn khăng khăng khẳng định mình làm “đúng quy trình”.
Cực chẳng đã, đến ngày 12-5, Vietfoods gửi đơn cầu cứu nhiều nơi. Trong nội dung đơn kêu cứu của Vietfoods có hai nội dung chính: Thứ nhất, Vietfoods mong muốn các cơ quan chức năng xác định E251 có phải là “chất cấm gây ung thư” và cơ sở có vi phạm khi sử dụng chất này không. Thứ hai, gần như tất cả sản phẩm xúc xích trên thị trường đều sử dụng E251 nhưng tại sao Đội QLTT số 14 của Hà Nội chỉ mới tạm giữ mà lại vội vã công bố thông tin Vietfoods sử dụng “chất cấm gây ung thư”?...
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh), trong vụ việc này Đội QLTT số 14 của Hà Nội đã có dấu hiệu sai phạm rất rõ, đẩy Vietfoods đến nguy cơ phá sản do thiệt hại quá lớn. Đến nay Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế đã nhiều lần khẳng định Vietfoods an toàn. “Tôi cho rằng Vietfoods hoàn toàn có thể khiếu nại Đội QLTT số 14 của Hà Nội để yêu cầu hủy bỏ việc lập biên bản hành chính 2,2 tấn xúc xích; đồng thời buộc cơ quan QLTT phải cải chính công khai, bồi thường thiệt hại”, luật sư Đức cho biết.
Trong khi đó, dù phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề trong vụ việc này nhưng anh Lưu Minh Sang, chủ Vietfoods vẫn chỉ mong được minh bạch thông tin, được trả lại danh dự, uy tín để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Anh Sang cho biết thêm: “Chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu sự thật, chứng minh cái sai của cơ quan QLTT để bảo vệ chính mình và bảo vệ người tiêu dùng. Nếu không đi đến cùng sự thật, sự hoang mang của người tiêu dùng là rất lớn bởi ai cũng lo sợ chúng tôi bỏ “chất cấm gây ung thư” vào thực phẩm. Như thế là không công bằng”.
Phải bảo vệ doanh nghiệp chân chính
Ngày 13-5, trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế, cho biết trong vụ việc này phía QLTT đã không hiểu rõ vấn đề. Lẽ ra QLTT phải làm công văn gửi Bộ Y tế xem chất này nằm trong trạng thái nào để còn có phương án xử lý chính xác. Tuy nhiên QLTT lại vội vã công bố trên thông tin đại chúng xúc xích Vietfoods có chứa “chất cấm gây ung thư” là không đúng. Ông Giang nói: “Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc kiểu như thế này từ QLTT. Chúng tôi đã nhắc nhở rất nhiều nhưng cán bộ QLTT có người hiểu chưa rõ ràng. QLTT làm thế rất nguy hiểm cho doanh nghiệp. Thương hiệu của nhà sản xuất có thể mất đi sau những vụ như thế”.
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi rất bất ngờ khi biết thông tin một doanh nghiệp lớn của Bình Dương cũng từng lao đao vì Đội QLTT số 14 của Hà Nội tương tự như Vietfoods. Năm 2007, cũng với “kịch bản” gần giống như vụ Vietfoods, Đội QLTT số 14 tạm giữ hàng hóa của công ty T.M và gửi mẫu đi xét nghiệm rồi công bố Inox 202 mà công ty sử dụng làm ra sản phẩm có khả năng gây ra ung thư. Vụ việc khiến doanh nghiệp thiệt hại rất nặng nề về uy tín lẫn tiền bạc. Doanh thu công ty từ 1 tỷ đồng/ngày lập tức lùi về con số 0, các đại lý liên tục trả hàng khiến doanh nghiệp điêu đứng, rất khó phục hồi. Tuy nhiên sau đó, cơ quan QLTT vẫn khẳng định mình đúng mà không hề bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp.
Như vậy, liệu trong vụ việc này, Vietfoods có được minh oan, bồi thường thiệt hại thỏa đáng hay không? Cho đến nay Đội QLTT số 14 của Hà Nội vẫn chưa chịu ra văn bản kết luận cuối cùng, bồi thường cho Vietfoods. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo nhấn mạnh: “Đừng coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý mà là đối tượng phục vụ”. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra đối với Vietfoods thật đáng tiếc, đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, cho biết: “Theo chúng tôi, Vietfoods đã bị oan sai, bị thiệt hại rất lớn về hàng hóa lẫn thương hiệu. Đây là vụ việc rất đáng tiếc đối với Vietfoods nói riêng và thị trường nói chung. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận cuối cùng để cơ sở sớm hoạt động trở lại, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp chân chính tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung yên tâm phát triển, góp phần làm giàu cho đất nước”.
Xúc xích Vietfoods an toàn
Ngày 18-5, Cục ATTP đã nhận được Công văn số 921/QLTT-NVTH của Chi cục QLTT Hà Nội về việc xin ý kiến chuyên môn đối với lô hàng xúc xích Vietfoods của Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods - xã An Tây, TX.Bến Cát, Bình Dương). Để có thông tin chính xác, Cục ATTP đã yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Bình Dương báo cáo sự việc, cung cấp các tài liệu liên quan.
Ngày 20-5, Cục ATTP đã tổ chức cuộc họp liên ngành xin ý kiến về việc nêu trên với sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan. Ngày 23-5, Cục ATTP tổ chức cuộc họp Hội đồng khoa học để xem xét việc sử dụng hàm lượng E251 trong sản phẩm xúc xích Vietfoods. Căn cứ vào cuộc họp nói trên, Cục ATTP khẳng định E251 không phải là chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BYT ngày 15-6-2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm và Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (CODEX), E251 là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng đối với sản phẩm pho-mát ủ chín hoàn toàn (kể cả bề mặt) với hàm lượng 35 mg/kg. Căn cứ kết luận của Hội đồng khoa học, Cục ATTP khẳng định: Với hàm lượng E251 được phát hiện trong sản phẩm xúc xích Vietfoods từ 55 - 100 mg/kg là an toàn cho người sử dụng.
SÔNG TRÀ
KHÁNH VINH - HỒ VĂN