Ai sẽ lãnh đạo Libya sau khi Gaddafi ra đi?

Thứ ba, ngày 23/08/2011

Thời gian nắm quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi chỉ còn được đếm từng giờ. Nhưng hiện tại, vẫn chưa có ứng cử viên nào thực sự nổi bật, đủ khả năng lãnh đạo Libya sau khi Gaddafi ra đi.

  Ứng viên sáng giá nhất cho vị trí lãnh đạo Libya thời hậu Gaddafi là thủ lĩnh phe đối lập Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp quốc gia.

Chia rẽ trong nội bộ phe đối lập

Trong lúc chiến sự đang diễn ra ác liệt ở gần dinh thự Tổng thống ở thủ đô Tripoli, lãnh đạo phe đối lập Husam Najjair dường như quan tâm hơn tới việc phiến quân có thể quay lưng lại với nhau khi họ cố gắng kết thúc chiến dịch kiểm soát và chiếm giữ Tripoli.

"Việc đầu tiên mà lữ đoàn của tôi sẽ làm là thiết lập các chốt kiểm soát để buộc mọi người phải từ bỏ hết vũ khí, kể cả các nhóm phiến quân, nếu không chắc chắn sẽ có một cuộc tắm máu. Nhóm nào cũng muốn kiểm soát Tripoli, do đó mệnh lệnh này là cần thiết" - ông Najjair nói.

Phát biểu trên của ông Najjair động đến câu hỏi lớn nhất hiện giờ là liệu có nhân vật nào đủ khả năng thống nhất, lãnh đạo Libya khi phiến quân giành thắng lợi hoàn toàn? Câu trả lời vào lúc này dường như chưa có.

"Hiện chưa có thủ lĩnh nào được tất cả mọi người tôn trọng. Đó mới là vấn đề" - ông Kamran Bokhari, giám đốc công ty tình báo toàn cầu Stratfor ở Trung Đông cho biết.

Gaddafi lãnh đạo đất nước sản xuất dầu mỏ Bắc Phi như một giáo phái, không có cơ quan nhà nước, để có thể dễ dàng chuyển giao cho phe nổi dậy - những người đang hừng hực tinh thần và khí thế, nhưng lại thiếu hệ thống chỉ huy. Ngoài ra, họ cũng bị áp lực nặng nề bởi bè phái và sự chia rẽ về dân tộc, bộ lạc.

Những ứng cử viên sáng giá

Ứng cử viên tiềm năng nhất hiện giờ là thủ lĩnh phe đối lập Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC). NTC là cơ quan lâm thời của phe đối lập Libya, có trụ sở tại thành phố phía đông Benghazi. NTC quy tụ các cựu bộ trưởng chính phủ và những thành viên đối lập lâu năm, đại diện cho những người mang quan điểm khác nhau, bao gồm cả chủ nghĩa dân tộc Arab, Hồi giáo, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa xã hội và cả các doanh nhân.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp, ông Abdel Jalil, được mô tả là "một nhà kỹ trị có đầu óc công bằng" trong một tài liệu ngoại giao của Mỹ bị WikiLeak rò rỉ. Là một người hòa nhã đang ở độ tuổi 50, ông Jalil được Tổ chức Nhân quyền ca ngợi vì những đóng góp trong việc cải cách bộ luật hình sự Libya. Ông Jalil từ chức Bộ trưởng Tư pháp vào tháng 2 khi bạo lực đàn áp người biểu tình bắt đầu bùng phát.

Nhưng cũng giống như những cựu nhân vật thân cận với Gaddafi, ông Jalil chắc chắn sẽ luôn phải chịu đựng những cặp mắt soi mói, nghi ngờ của một số thành viên phe đối lập - những người muốn một gương mặt hoàn toàn mới lãnh đạo đất nước mà không có bất cứ liên hệ gì với chế độ trước.

Ứng cử viên sáng giá thứ hai là Thủ tướng tạm quyền của chính phủ lâm thời phe nổi dậy Mahmoud Jibril, cũng là một cựu quan chức dưới thời Gaddafi. Ông này có mối liên hệ khá rộng với nước ngoài, và đang đóng vai trò là phái viên lưu động của phe đối lập.

Tuy nhiên, những chuyến đi công du của ông và kinh nghiệm xây dựng mối quan hệ ngoại giao của ông sẽ lãng phí nếu như ông không có chân trong thành phần chính phủ mới và việc này sẽ làm những nước ủng hộ phe đối lập có thể thất vọng.

Một gương mặt khác có thể đóng vai trò lãnh đạo trong tương lai là Ali Tarhouni, một người đã du học Mỹ, một nhân vật đối lập sống lưu vong sau đó trở về Libya để gánh trách nhiệm về kinh tế, tài chính và vấn đề dầu khí cho phe nổi dậy.

Mâu thuẫn trong nội bộ phe đối lập giữa những đối thủ lâu đời của Gaddafi và những người ủng hộ Tổng thống gần đây mới đào tẩu có thể càng làm cho việc lựa chọn người lãnh đạo trở nên khó khăn hơn.

Bài học Iraq

Theo các nhà phân tích, nếu cứ cứng rắn như vậy, Libya có thể lặp lại sai lầm mà Iraq mắc phải sau khi Mỹ lật đổ Saddam Hussein năm 2003.

Những người ủng hộ đảng Baath của Hussein và các sĩ quan quân đội bị thanh trừng hàng loạt, tạo ra một khoảng trống quyền lực, dẫn đến tình trạng bất ổn trong nhiều năm liền. Ngoài ra, nó còn khiến những người ủng hộ Saddam Hussein vốn không theo tôn giáo nào ủng hộ al-Qaeda tiến hành chiến dịch bạo lực chống lại chế độ cai trị mới ở Iraq do Mỹ hậu thuẫn.

"Không thể tạo ra một quy định những ai đã làm việc cho Gaddafi thì không thể làm việc cho chúng tôi" - Ashour Shamis, một nhà hoạt động của phe đối lập nói. Cách tiếp cận như vậy sẽ làm suy yếu những nỗ lực để đưa những người có khả năng lên thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là làm sống lại ngành công nghiệp dầu khí.

Những người muốn đặt sang một bên hận thù vì lợi ích để vực dậy ngành sản xuất dầu khí có thể muốn quay sang nhờ sự giúp đỡ của Shokri Ghanem. Ông Ghanem, một nhân vật "Tây học" đã đào tẩu sang phe đối lập là người có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực dầu khí, là cựu thủ tướng đầy tín nhiệm trong quá trình tự do hóa nền kinh tế Libya và thúc đẩy mở cửa cho đầu tư dầu khí toàn cầu vào Libya.

Nhưng liệu có đưa được một người như Ghanem lên nắm quyền hay không phụ thuộc rất lớn vào việc liệu phe đối lập có sẵn sàng dẹp sang một bên những bất đồng để có một cái nhìn thực tế về tương lai của Libya hay không.

Theo Lao Động