Ai Cập ngày hậu Mubarak

Chủ nhật, ngày 13/02/2011

Hàng trăm ngàn người Ai Cập hôm qua tiếp tục đổ ra đường ăn mừng chiến thắng lịch sử, theo AFP. Làn sóng biểu tình kéo dài gần 3 tuần cuối cùng đã mang lại kết quả như mong đợi của họ khi Tổng thống Mubarak tuyên bố từ chức tối 11.2. Binh lính đã dỡ bỏ một số rào chắn trên đường tại thủ đô Cairo nhưng vẫn hiện diện ở Quảng trường Tahrir để bảo đảm trật tự, theo Reuters.

Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang, vốn tạm thời nắm quyền điều hành đất nước, hôm qua tuyên bố tạm thời giữ nguyên chính phủ hiện tại cho đến khi tổ chức tổng tuyển cử mới. Quân đội cam kết “sẽ bảo đảm một cuộc bầu cử dân chủ, công bằng” và kêu gọi người dân hợp tác với cảnh sát để Ai Cập sớm ổn định trở lại. Ngoài ra, các tướng lĩnh tuyên bố vẫn sẽ tuân theo các hiệp định và thỏa thuận quốc tế đã ký kết.

Thụy Sĩ đóng băng tài sản của ông Mubarak

Thụy Sĩ hôm 11.2 phong tỏa mọi tài sản của gia đình Mubarak trong các ngân hàng nước này, theo tờ Telegraph. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho hay động thái này nhằm ngăn chặn nguy cơ thất thoát tài sản quốc gia của Ai Cập. Giới chức Thụy Sĩ cho hay lệnh này có giá trị 3 năm nhưng không cho biết chi tiết về giá trị của khối tài sản này. Đến nay, vẫn chưa có con số chính thức về độ giàu có của gia đình ông Mubarak và phe đối lập đưa con số lên tới 70 tỉ USD. Theo các nguồn tin từ Cairo, gia đình cựu tổng thống hiện đang ở thành phố Sham el-Sheik bên bờ biển Đỏ và chưa rõ số phận ông sẽ ra sao.

Tuyên bố trên có thể tạm làm an lòng phương Tây, vốn e ngại những thay đổi ở Ai Cập có thể dẫn tới sự trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan cũng như việc nước này có thể “trở mặt” với Israel. Hôm qua, những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước EU đều có chung ý là ca ngợi “chiến thắng của nhân dân Ai Cập”, quyết định “dũng cảm” của ông Mubarak và kêu gọi “một sự chuyển tiếp hòa bình đến nền dân chủ”. Riêng Nga và Trung Quốc tỏ ra thận trọng và kêu gọi sớm phục hồi trật tự và ổn định ở nước này.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo tình hình khó ổn định trong một sớm một chiều. Nhiều chuyên gia nhắc lại rằng ở Tunisia, bạo động vẫn đang tiếp tục, một tháng sau khi Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali bị lật đổ. Người dân Ai Cập vẫn có thể tiếp tục phản đối nếu cảm thấy quân đội không giữ lời hứa, nhất là khi Bộ trưởng Quốc phòng Hussein Tantawi và Phó tổng thống Omar Suleiman đều từng là cộng sự thân tín của cựu Tổng thống Mubarak.

Như vậy, thêm một tổng thống lâu năm trong thế giới Ả Rập phải ra đi. Làn sóng phản đối chính quyền vẫn tiếp tục lan tỏa tại Algeria, Ma-rốc, Yemen và Jordan. Tại Yemen, khoảng 4.000 thanh niên tụ tập tại trung tâm thủ đô Sanaa hôm qua để kêu gọi Tổng thống Ali Abdallah Saleh từ chức, theo AFP. “Hôm qua là Tunisia, hôm nay là Ai Cập và ngày mai sẽ đến lượt người Yemen phá bỏ xiềng xích”, đám đông hô to. Tại thủ đô Algiers của Algeria, 2.000 người đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika. 

Theo TNO