90 mùa xuân vững một niềm tin sắt son – Bài 9

Thứ bảy, ngày 18/01/2020

(BDO) Bài 9: Đột phá để thành công

Hòa mình cùng làn gió đổi mới của đất nước, trong hơn 30 năm qua, đặc biệt là sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã có bước phát triển mang tính đột phá, trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.


Nhờ biết khai thác tiềm năng lợi thế so sánh, tập trung thực hiện đột phá quan trọng xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Bình Dương hôm nay đang vững bước trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ảnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn nhìn từ trên cao

Năng động sáng tạo, phát huy lợi thế

Trải qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Bình Dương đã có bước phát triển nhanh, mạnh, góp phần vào thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Có thể nói, Bình Dương từ một tỉnh nghèo, bị chiến tranh tàn phá, cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ và có điểm xuất phát thấp về trình độ phát triển kinh tế, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bình Dương đã cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và ổn định.

Sự chuyển mình của Bình Dương là kết quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tỉnh đã sớm có chủ trương thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến hành đô thị hóa một cách đồng bộ, vững chắc. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, tỉnh đã đưa ra chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng sạch, kỹ thuật cao, dịch vụ mũi nhọn phục vụ công nghiệp, hình thành cơ cấu hợp lý, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Đi đôi với phát triển các khu công nghiệp, các đô thị mới, hiện đại, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại từng bước được hình thành, phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Chủ trương, quan điểm đó luôn được quán triệt xuyên suốt quá trình phát triển của địa phương.

Trong năm 2019 kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định, trong đó cả ba khu vực đều tăng trưởng tốt. GRDP tăng trưởng 9,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Bên cạnh đó, trong thu ngân sách, Bình Dương đứng tốp đầu trong 16 tỉnh, thành nộp ngân sách về Trung ương, sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội... Đến nay, 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các chính sách đối với người có công, giải quyết việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của tỉnh đạt 146,9 triệu đồng, tăng 16,1 triệu đồng so với năm 2018.

Về mặt cơ chế chính sách, khi Trung ương Đảng có chủ trương mở cửa, Bình Dương cũng đã sớm có chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”. Việc khai thác và sử dụng tốt vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần phát triển nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực quản lý, phát triển công nghệ, mở rộng, đa dạng hóa và đa phương hóa các hoạt động kinh tế đối ngoại, tạo thuận lợi cho nền kinh tế nước ta hội nhập nhanh với kinh tế thế giới và khu vực.

Thành công mang tính đột phá trong thời gian qua của tỉnh là việc phát triển có hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung kết hợp với xây dựng các đô thị hiện đại. Nếu như năm 1995, Sông Bé cũ mới hình thành 1 khu công nghiệp tập trung, thì đến nay Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 10.000 ha, nhiều cụm công nghiệp được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đặc biệt, để tạo động lực phát triển mới, tỉnh đã triển khai xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên hoàn với khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến nay, Thủ Dầu Một - đô thị loại I trực thuộc tỉnh; TX.Thuận An, TX.Dĩ An cũng đã được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh; TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên là đô thị loại III...

Yếu tố góp phần quan trọng đưa Bình Dương trở thành địa phương thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đó là biết khai thác tiềm năng lợi thế so sánh của mình, tập trung thực hiện đột phá quan trọng xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Bình Dương có địa hình cao ráo, khá bằng phẳng, địa chất công trình tốt thuận lợi cho việc xây dựng các hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu cụm công nghiệp; khí hậu thủy văn điều hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão lụt và khô hạn. Bên cạnh đó, Bình Dương nằm ở vị trí thuận lợi trong việc tiếp cận với đường biển, đường bộ nối với các vùng kinh tế của đất nước. Ngoài ra, tỉnh ở cách không xa cảng và sân bay quốc tế… Những lợi thế rất to lớn này đã được chú trọng khai thác hiệu quả, phục vụ đắc lực cho chủ trương phát triển công nghiệp và dịch vụ của tỉnh.

Thành công nhờ đoàn kết, đồng thuận

Trong suốt quá trình hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và hơn 20 năm xây dựng và phát triển, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội trong quy hoạch phát triển, trong công tác cán bộ, trong thực hiện chế độ chính sách… không thể tránh khỏi những ý kiến, cách nhìn, hướng xử lý khác nhau. Song ý thức giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng luôn được tuân thủ và triệt để thực hiện đã giúp Bình Dương vượt qua mọi khó khăn, từ đó đề ra những chủ trương sát hợp nhất, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ, đồng tình. Đó là vấn đề mấu chốt để Đảng bộ tỉnh tập hợp, khai thông và phát huy được các nguồn lực nhằm đưa Bình Dương tiến nhanh và vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính nhân tố đoàn kết, thống nhất đã giúp Đảng bộ tỉnh gặt hái thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới.

Bên cạnh yếu tố đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng đổi mới, tìm tòi phương thức lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị. Chính nhờ có sự đổi mới về phương thức, phong cách lãnh đạo mà trong thời kỳ dài, Đảng bộ tỉnh đã giữ được sự thống nhất, đoàn kết. Từng tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị phát huy đầy đủ vai trò và hoạt động của mình. Các hoạt động kiểm tra, giám sát được đề cao và tiến hành kịp thời, có hiệu quả. Vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm thống nhất, hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước tập trung và thông suốt.

Có thể khẳng định, những thành tựu to lớn và rất đáng tự hào trong qua trình phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương có được như ngày hôm nay chính là nhờ sự quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, vận dụng kịp thời, sáng tạo chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương. Tuy nhiên, vai trò quyết định trong việc đưa Bình Dương “cất cánh” chính là truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng Bình Dương thành một đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đó còn là sự cộng lực và kế thừa di sản của các thế hệ người Bình Dương. Tất cả đã tạo thành nguồn lực vô cùng to lớn để Bình Dương vươn mình trong suốt quá trình đổi mới. (còn tiếp)

Những thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua là tổng hợp của nhiều yếu tố. Trước hết cần khẳng định rằng, Bình Dương có được như ngày hôm nay là nhờ thực hiện đúng đắn chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Sớm nhận thức và quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương đã không ngừng năng động, sáng tạo, quyết tâm cao, kiên trì đường lối đổi mới, vượt qua khó khăn, thách thức. Bình Dương sớm có tầm nhìn và chiến lược phát triển phù hợp theo hướng hiện đại, các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, khai thác tốt nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển.

 P.V