90 mùa xuân vững một niềm tin sắt son- Bài 4

Chủ nhật, ngày 12/01/2020

(BDO) Bài 4: Xây đời sống mới

Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ năm 1947 Ảnh: T.LIỆU

Diệt giặc đói, giặc dốt

Những ngày cuối năm bận rộn, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Thủ Dầu Một ở phường Định Hòa, TP.ThủDầu Một. Ngôi nhà nhỏ của ông là “địa chỉ đỏ” để những thế hệ trẻ tìm đến sưu tầm nguồn tư liệu từ một nhân chứng sống quý giá. Theo lời ông Nguyễn Văn Hữu kể, trong những ngày đầu xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, tình hình cả nước cũng như trong tỉnh đứng trước những khó khăn lớn. Đảng bộ ThủDầu Một phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ trước mắt và cấp bách là cứu đói và xóa nạn mù chữ.

Ngày 25-11-1945, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ chính thức được thành lập tại đền An Quới, xã An Sơn, quận Lái Thiêu (nay là TX.Thuận An). Quân số lúc mới thành lập là 800 cán bộ, chiến sĩ. Đây là tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ do Đảng tổ chức xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là đơn vị vũ trang tập trung được thành lập sớm nhất ở Nam bộ. Chi đội 1 ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của các đơn vị vũ trang được tổ chức chặt chẽ, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.


 

Theo đó, chính quyền Thủ Dầu Một đã nhanh chóng ban hành một số chính sách để ổn định đời sống nhân dân như xóa bỏ thuế thân; giảm tô thuế 25% để khuyến khích nông dân sản xuất; tịch thu ruộng của tư bản thực dân, địa chủ, ác ôn, của chủ đồn điền để cấp cho nông dân canh tác... Các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng chủ trương của chính quyền cách mạng để sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, phục hồi đời sống, tham gia các phong trào cách mạng, nhất là lực lượng thanh niên, học sinh hăng hái tham gia vào các đơn vị Cộng hòa vệ binh, Quốc gia tự vệ cuộc và du kích, canh gác bảo vệ xóm làng.

Tiếp theo đó, những ngày đầu tháng 9, Tỉnh ủy chỉ đạo và phát động phong trào “Người biết chữ dạy chữ cho người không biết chữ”, “Người biết nhiều dạy cho người biết ít”. Trong một thời gian ngắn, phong trào phát triển rất nhanh, các lớp học bổ túc, lớp học bình dân được tổ chức từ tỉnh đến huyện, xã, thôn xóm. Phòng trào đã lôi cuốn từ các em thiếu nhi, chị em phụ nữ đến các cụ già; từ anh chị em công nhân, thợ thủ công, tiểu thương đến bà con nông dân hăng hái đi học với tinh thần “đi học là yêu nước”.

Mặc dù thiếu thốn nhiều thứ từ giấy, bút cho đến bảng, phấn… nhưng nhân dân đã khắc phục, vượt khó khăn để học. Cuộc vận động “Chống giặc dốt, xóa mù chữ” đã góp phần mở mang dân trí. Ngoài ý nghĩa về giáo dục văn hóa nó còn là thắng lợi về chính trị, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia quản lý nhà nước và phát huy quyền làm chủ của mình, nhân dân càng tin yêu chế độ mới.

Giữ vững chính quyền

Song song với nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một nhận thức rõ quan điểm “Giành chính quyền đã khó, giữ vững chính quyền lại càng khó hơn” nên việc xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang trong các cấp, công cụ bảo vệ chính quyền được tiến hành hết sức cấp bách. Trong khi đó, sau Cách mạng Tháng Tám, tình hình hết sức cam go. Đảng phải rút vào hoạt động bí mật; đồng thời vẫn tiến hành công tác củng cố phát triển Đảng và chỉ đạo phong trào trong tỉnh. Mọi hoạt động của Đảng đều lấy danh nghĩa Việt Minh.

Trong khi chính quyền mới tại địa phương đang ra sức khắc phục những khó khăn về kinh tế, chính trị, quân sự sau ngày cách mạng thắng lợi thì thực dân Pháp được sự hỗ trợ của quân đồng minh, dãtâm xâm lược nước ta một lần nữa. Trước hành động tái xâm lược của thực dân Pháp và cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn, Tỉnh ủy ThủDầu Một chủ trương chi viện cho mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn để góp phần ngăn chặn sự lấn chiếm của giặc, chuẩn bị sẵn sàng đánh địch tại chỗ.

Lúc này, An Sơn trở thành chiến khu đầu tiên của Thủ Dầu Một. Đồng bào An Sơn đã làm hết sức mình để phục vụ các cơ quan đơn vị chiến đấu tạm dừng chân tại đây. Các lò đường ngưng hoạt động. Các chảo nấu đường được dùng để nấu cơm nuôi bộ đội. Các bà má vận động đồng bào trong các ấp ủng hộ về vật chất. Các bếp công cộng hoạt động rầm rộ. Chị em trung nữ, thanh nữ trở thành những chiến sĩ nuôi quân xuất sắc. Hơn thế nữa, nhà nhà còn tự nguyện thực hiện một cách nuôi quân đặc biệt: Tại cửa ngõ mỗi nhà để sẵn nhiều vắt cơm, nhiều gói muối tiêu, khạp nước - cùng với tô, gáo tươm tất. Bộ đội, nhân viên kháng chiến đi ngang qua, cứ lấy dùng, khỏi phải hỏi chủ nhà. Thanh niên nam nữ được tổ chức thành đội tự vệ chiến đấu, lo việc bố trí canh gác, tra xét những người lạ mặt vô chiến khu, đề phòng bọn xấu chui vào phá hoại. Nữ tự vệ An Sơn tổ chức đến một trung đội, là một trong những đội dân quân nữ đầu tiên của tỉnh.

Trên nền tảng đó, ngày 25- 11-1945, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ chính thức được thành lập tại đền An Quới, xã An Sơn, quận Lái Thiêu (nay là TX.Thuận An). Quân số lúc mới thành lập là 800 cán bộ, chiến sĩ. Đây là tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ do Đảng tổ chức xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là đơn vị vũ trang tập trung được thành lập sớm nhất ở Nam bộ. Chi đội 1 ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của các đơn vị vũ trang được tổ chức chặt chẽ, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bước sang năm 1946, đánh dấu một cột mốc mới của Đảng bộ Thủ Dầu Một, gắn liền với tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Tiết. Đó là tháng 3-1946, đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Đặc phái viên của Xứ ủy đến Thủ Dầu Một triệu tập cuộc họp bất thường gồm những cán bộ chủ chốt của tỉnh. Hội nghị đã chỉ định Tỉnh ủy Thủ Dầu Một gồm 7 đồng chí và đồng chí Nguyễn Văn Tiết được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Tổng Thư ký Bộ Việt Minh.

Theo lời kể của ông Ngô Văn Hòa (hiện đang sống tại TX.Thuận An), thư ký riêng của đồng chí Nguyễn Văn Tiết, trong những năm 1946-1947, chính quyền cách mạng còn non trẻ nhưng phải đương đầu với dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, địch ra sức thực hiện chính sách chia để trị. Tỉnh ủy ThủDầu Một, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Tiết đã đem hết tinh thần và năng lực, đào tạo được nhiều cán bộ nòng cốt cho tỉnh, huyện, xã, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Cụ thể, Tỉnh ủy tăng cường thực hiện củng cố về tổ chức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Tiết chỉ rõ: Đảng phải mạnh, phải trong sạch và kiểu mẫu. Toàn Đảng phải nhất trí về tư tưởng, thống nhất về tổ chức và hành động. Cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chấp hành tốt mọi chính sách của Đảng và Chính phủ, phải liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, phải thực hiện tự phê bình và phê bình như Trung ương Đảng và Bác Hồ đã dạy. Thực hiện chủ trương này, toàn Đảng bộ Thủ Dầu Một tiến hành đợt học tập và củng cố về tổ chức. Nhờ đó mà năng lực và phẩm chất của đa số cán bộ, đảng viên trong tỉnh được nâng cao...

Với muôn vàn khó khăn của một chính quyền cách mạng còn non trẻ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người cách mạng ở địa phương đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thành lập hệ thống chính quyền cách mạng, hình thành các đơn vị vũ trang... tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một chủ động bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ. (còn tiếp)

Ngay sau khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Tiết chỉ rõ: Đảng phải mạnh, phải trong sạch và kiểu mẫu. Toàn Đảng phải nhất trí về tư tưởng, thống nhất về tổ chức và hành động. Cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chấp hành tốt mọi chính sách của Đảng và Chính phủ, phải liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, phải thực hiện tự phê bình và phê bình như Trung ương Đảng và Bác Hồ đã dạy. Thực hiện chủ trương này, toàn Đảng bộ ThDầu Một tiến hành đợt học tập và củng cố về tổ chức. Nhờ đó mà năng lực và phẩm chất của đa số cán bộ, đảng viên trong tỉnh được nâng cao...

THU THẢO

Từ khóa: