90 mùa xuân vững một niềm tin sắt son – Bài 3

Thứ bảy, ngày 11/01/2020

(BDO) Bài 3: Sức mạnh dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng

Cách đây gần 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thủ Dầu Một từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước. Đảng ta từ một Đảng không hợp pháp trở thành lãnh đạo chính quyền. Thành quả ấy chính là kết tinh của sức mạnh dân tộc và thời đại, được dựng nên bởi những người cộng sản kiên trung. Họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, bất chấp sự khủng bố, tàn sát của kẻ thù để bám chắc trong quần chúng, kiên trì vận động và lãnh đạo quần chúng, công nhân, nông dân và đồng bào vùng lên đấu tranh, giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945.


Chân dung đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một giai đoạn 1943-1945


Bia lưu niệm sự kiện lịch sử “Giành chính quyền thắng lợi” ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một

Người Bí thư Tỉnh ủy vì lý tưởng cao đẹp

Lịch sử Đảng bộ Thủ Dầu Một trong những năm tháng hào hùng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã ghi tên tuổi của đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1943 đến 1945. Đồng chí có tên thật là Tạ Văn Khái, sinh năm 1909 ở xóm cầu Ông Cộ, làng An Phú, tổng Bình Phú, quận Châu Thành (nay là phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một).

Theo những dòng tư liệu còn ghi lại, đồng chí Văn Công Khai xuất thân trong một gia đình nghèo. Năm 1926, đồng chí vào làm thuê cho đồn điền cao su Dầu Tiếng. Năm 1927, đồng chí về Sài Gòn làm nghề cắt tóc. Tại đây, đồng chí được giác ngộ cách mạng và tham gia Hội Ái hữu nghiệp đoàn sống cùng anh em thợ thuyền. Đồng chí càng thấm thía nỗi cơ cực của những người cần lao và tích cực tham gia các cuộc đấu tranh do chi bộ cộng sản nghiệp đoàn tổ chức. Cuối năm 1936, đồng chí trở về và tham gia hoạt động cách mạng ở đồn điền cao su Dầu Tiếng.

Tháng 6-1939, đồng chí Văn Công Khai cùng các đồng chí Nguyễn Văn Lộng, Nguyễn Thành A… bị thực dân Pháp bắt và đưa ra xử trước tòa đại hình Sài Gòn. Tại tòa, đồng chí dõng dạc vạch trần tội của thực dân Pháp đã tước đoạt trắng trợn các quyền dân sinh, dân chủ đối với nhân dân và công nhân ta trong các đồn điền, xí nghiệp do chúng làm chủ; đồng thời tố cáo các tội ác của bọn phản động Pháp. Trước những lý lẽ sắc bén của đồng chí và sự đấu tranh mạnh mẽ của các Hội Ái hữu, thực dân Pháp phải trả tự do cho đồng chí và nhiều đảng viên khác.

Năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại. Trước hành động khủng bố tàn khốc của địch, đồng chí rút về làng 1 đồn điền cao su Dầu Tiếng hoạt động bí mật; đồng thời vận động công tác củng cố xây dựng Đảng. Mùa xuân năm 1943, Hội nghị tái lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một bí mật tổ chức tại làng 1, Sở cao su Dầu Tiếng, đồng chí Văn Công Khai được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Từ đây, Đảng bộ Thủ Dầu Một được tái lập, đi vào hoạt động trở lại với các Chi bộ Bình Nhâm, Dầu Tiếng và các nhóm đảng viên ở An Sơn, An Thạnh, Tân Khánh, Thuận Giao, Phú Cường, Lộc Ninh, Hớn Quản.

Giành chính quyền về tay nhân dân

Ngày 26-3-1943, đồng chí Văn Công Khai, cùng với Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tây Ninh họp lại thành lập Liên minh Tỉnh ủy miền Đông. Tại đây cũng họp bàn các biện pháp xây dựng, củng cố cơ sở Đảng, công tác quần chúng và thông báo vấn đề mới. Đó là chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, lập Hội Cứu quốc, chú trọng công tác thanh niên để chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Từ đó, tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của Thủ Dầu Một dần hồi phục. Lần lượt các đơn vị vũ trang được tái lập ở các địa phương. Các đơn vị vũ trang tự trang bị vũ khí bằng nhiều cách như lấy từ kho vũ khí của địch, mua hoặc đổi bằng lương thực, tước súng của bọn lính… Giữa năm 1945, phong trào thanh niên tiền phong (TNTP) ra đời ở Sài Gòn và các tỉnh, thu hút hàng vạn thanh niên vào tổ chức bán vũ trang yêu nước. Ở Thủ Dầu Một, lực lượng TNTP cũng được thành lập vào tháng 5-1945.

Ông Nguyễn Hảo Đức, một cán bộ lão thành cách mạng ở phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), cho biết ông tham gia Mặt trận Việt Minh, ở Đội Xích vệ đỏ từ đầu năm 1945. Thời kỳ đó, các đơn vị tự vệ, Thanh niên Cứu quốc, TNTP trong các làng của huyện Châu Thành (thuộc Thủ Dầu Một) tích cực luyện tập võ thuật, hoạt động tuyên truyền, cổ động biểu dương lực lượng. Đội tự vệ Lò Chén Phú Cường, TNTP Chánh Hiệp, Phú Hòa, Phú Mỹ, Định Hòa… hoạt động rất mạnh mẽ. Có nơi có từ 50 - 100 đội viên. Các đội TNTP tự trang bị vũ khí thô sơ như gươm, mã tấu, gậy tầm vông. Trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đơn vị tự vệ, thanh niên cứu quốc, TNTP trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt. Riêng ông Nguyễn Hảo Đức được giao nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng. Thời kỳ đó, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác binh vận trong cảnh sát và cộng hòa vệ binh. Kết quả có hàng chục hạ sĩ quan và chỉ huy địch theo ta. Trong số đó nhiều người trở thành nòng cốt điều hành binh sĩ làm theo lời kêu gọi của Việt Minh ủng hộ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Đồng thời, Tỉnh ủy đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền cổ động toàn dân khởi nghĩa trên nhiều khu vực, trong đó trọng điểm là Phú Cường. Vì vậy, bên cạnh số cán bộ, đảng viên, còn có đông đảo những cán bộ cứu quốc, Hội truyền bá Quốc ngữ, TNTP làm công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền là: Nêu cao khẩu hiệu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chính quyền về tay Việt Minh”... Và những tin chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh, tin thất bại của phát xít Đức, Ý, Nhật... Hình thức hoạt động bao gồm cả tuyên truyền miệng, tổ chức phát loa, dạ hội biểu diễn ca kịch lịch sử, đội múa lân người Việt, người Hoa đi cổ động... Những hoạt động tích cực sôi nổi này được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia và trở thành sức mạnh áp đảo việc truyền bá tư tưởng tiêu cực của địch.

Ông Nguyễn Hảo Đức còn nhớ: Đến ngày 23-8-1945, khí thế làm chủ của lực lượng Việt Minh đang lên cao ở các quận lỵ và tỉnh lỵ. Trên các đường chợ, phố chỉ có các đội tự vệ bán vũ trang làm nhiệm vụ duy trì trật tự, không còn bọn cảnh sát ngụy. Hội Cứu quốc vận động đồng bào may sắm cờ đỏ sao vàng, làm băng rôn, viết khẩu hiệu và sẵn sàng khởi nghĩa.

Đến ngày 24-8-1945, sau khi lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh lan rộng, lực lượng tiền khởi nghĩa tại chỗ của Phú Cường và các làng phụ cận đã gấp rút xúc tiến công tác phục vụ cho ngày hội lớn của tỉnh vào sáng 25-8. Các đơn vị vũ trang tự vệ của Phú Cường, Phú Hòa, Chánh Hiệp được bố trí canh giữ các vị trí quan trọng, sẵn sàng ngăn không cho địch phá hoại. Và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thủ Dầu Một đã hoàn toàn thắng lợi. Từ đây lịch sử chuyển sang một trang mới.

Ông Nguyễn Hảo Đức nói: “Nhờ mình làm tốt công tác binh vận, vận động quần chúng nên Cách mạng Tháng Tám ở Thủ Dầu Một không đổ máu. Và khí thế ngày 25- 8-1945 ở Thủ Dầu Một được khắc trên bia lưu niệm sự kiện lịch sử ở phường Phú Cường để ghi dấu ngày mà hơn 5 vạn quần chúng nhân dân trong tỉnh rầm rập kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền. Tại đây, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh đọc diễn văn, nêu rõ ý nghĩa cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân Thủ Dầu Một: Từ nay xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật đã dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công - nông”. ..

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể là Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, nhân dân địa phương đã vùng lên giành chính quyền, làm chủ vận mệnh của mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra trang sử mới cho nhân dân trong tỉnh; đồng thời tạo điền đề quan trọng để nhân dân Thủ Dầu Một bước vào giai đoạn cách mạng mới - kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. (còn tiếp)

 THU THẢO