73 năm ấy biết bao ân tình
(BDO) LTS: Lịch sử Việt Nam thế kỷ XX gắn với nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong các cuộc chiến tranh đó, dẫu không mong muốn nhưng nhiều người đã mất đi một phần thân thể hoặc anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Quá khứ hào hùng ấy đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy thế hệ hôm nay cống hiến công sức dựng xây đất nước; sẻ chia cùng các ngành, các cấp chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ nhằm đền đáp một phần công lao và sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông đi trước. Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2020), Báo Bình Dương thực hiện loạt bài “73 năm ấy biết bao ân tình”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên) thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nghị và thu thập thông tin liệt sĩ
Theo chân chị Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ LĐ-TB&XH xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, chúng tôi đến thăm gia đình liệt sĩ Ngô Văn Tiên, Ngô Văn Hổ tại ấp Mỹ Đức để điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Con đường làng ngoằn ngoèo đưa chúng tôi vào sâu trong tận ấp. Để gặp được thân nhân gia đình liệt sĩ, chị Trang phải lặn lội xuống đây từ rất sớm để hẹn gặp gia đình. Là một cán bộ trẻ nhưng chị luôn thể hiện tinh thần biết ơn, sự tri ân đối với những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Được đánh giá là cán bộ chuyên trách có trách nhiệm cao, chị Trang đã đóng góp rất nhiều công sức cho công tác điều tra thông tin liệt sĩ, không để sai sót thông tin ảnh hưởng đến việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Do nắm chắc quy trình điều tra, thông tin phỏng vấn nên chị Trang hoàn thành phiếu điều tra rất nhanh, chính xác từng chi tiết.
Sinh ra và lớn lên tại quê hương Bình Mỹ nên chị Trang thuộc nằm lòng địa bàn của từng ấp, từng gia đình liệt sĩ. Có những hôm trời mưa rất to nhưng chị vẫn một mình chạy xe máy xuống ấp, gặp gỡ thân nhân gia đình liệt sĩ với mong muốn góp một phần công sức nhỏ để hoàn thành việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. “Việc điều tra, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin là công việc khá khó khăn, đòi hỏi người cán bộ phải làm bằng cả cái tâm. Nhiều lúc mệt mỏi muốn bỏ ngang nhưng nghĩ đến sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ vẫn còn thiếu thông tin nên mình quyết tâm làm tốt công việc này”, chị Trang cho biết.
Có cùng suy nghĩ như chị Trang, anh Nguyễn Trọng Vương, cán bộ LĐ- TB&XH xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, còn rất trẻ nhưng đầy nhiệt huyết. Anh Vương xem công việc điều tra là dịp để thế hệ trẻ tiếp tục tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Vì vậy, anh làm bằng cả cái tâm của mình. Hồ sơ liệt sĩ được anh phân ra các ấp: Cầu Đôi, Cầu Sắt, Bến Tượng, Lai Khê. Để thu thập thông tin liệt sĩ, anh Vương trực tiếp đến từng hộ gia đình thuộc đối tượng điều tra để phỏng vấn thân nhân, người thờ cúng liệt sĩ. Theo anh Vương, công tác điều tra có nhiều thuận lợi do việc quản lý hồ sơ đối tượng gia đình chính sách của địa phương được thực hiện khá chặt chẽ. Hơn nữa, địa phương thường xuyên rà roát những ấp có gia đình thờ cúng liệt sĩ, qua từng năm được lưu trữ trong hệ thống máy tính nên cơ sở dữ liệu khá đầy đủ, phục vụ tối ưu cho công tác điều tra. Một số hồ sơ không có thông tin do thân nhân gia đình liệt sĩ đã chuyển nơi ở hoặc không còn ở địa phương được anh tiếp tục điều tra, tìm kiếm.
Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin liệt sĩ
Hiện nay, cơ sở dữ liệu về thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Toàn tỉnh hiện có 13.006 mộ liệt sĩ, trong đó mộ liệt sĩ đã biết tên là 8.687 và mộ liệt sĩ chưa biết tên hơn 4.200. Với ý nghĩa xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, ngành LĐ-TB&XH tỉnh vẫn luôn miệt mài, tận tụy điều tra nhằm trả lại tên tuổi cho các anh. Điều tra thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu, lấy mẫu sinh phẩm làm giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Công tác điều tra thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ gặp nhiều khó khăn do thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (cha, mẹ, chồng, vợ, con) không còn sống nên việc nắm bắt thông tin là rất khó. Chị Trang cho biết thêm: “Hiện nay, trên địa bàn xã Bình Mỹ một số liệt sĩ có thân nhân thờ cúng là cháu họ hoặc người lớn tuổi nên không biết, không chính xác thông tin liên quan về liệt sĩ như ngày, tháng, năm sinh, về người có quan hệ huyết thống để giám định ADN; một số liệt sĩ không còn thân nhân để kiểm tra ADN khi cần thiết. Nguyên tắc của phương pháp giám định gen là lấy mẫu ADN của bộ phận xương cứng, đối chiếu với mẫu ADN của người họ hàng thuộc dòng mẹ như anh, chị, em cùng mẹ, bác, dì thuộc bên mẹ. Đặc biệt, một số gia đình thân nhân liệt sĩ không nhớ rõ nơi an táng ban đầu của liệt sĩ”. Điển hình như gia đình bà Bồ Thị Tiến, ấp Mỹ Đức, xã Bình Mỹ đang thờ cúng liệt sĩ Cao Văn Vạn hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bà Tiến là em dâu của liệt sĩ nên bà không biết rõ liệt sĩ Cao Văn Vạn hy sinh ở chiến trường nào nên rất khó điều tra. Trong khi đó, chị Bồ Thị Thanh Tuyền, cán bộ LĐ-TB&XH xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên, cho biết: “Hầu hết trong giấy báo tử của các liệt sĩ đều ghi hy sinh ở mặt trận miền Đông Nam bộ, nhưng không ghi cụ thể ở địa phương nào. Với những trường hợp trên, ngoài gặp trực tiếp thân nhân liệt sĩ để hỏi, cán bộ phải căn cứ vào thông tin lưu trữ trên hồ sơ đang quản lý tại tỉnh”.
Trong năm 2019, Sở LĐ- TB&XH đã tiếp nhận và giải quyết chế độ chính sách 2.978 hồ sơ các loại; đính chính 137 trường hợp thông tin thân nhân liệt sĩ; 5 trường hợp thông tin mộ liệt sĩ; gửi mẫu giám định ADN cho 9 trường hợp và thông báo kết quả giám định 12 trường hợp và di chuyển 21 mộ vào Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Điều tra thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hiện toàn tỉnh đã điều tra được 13.584 phiếu điều tra thông tin liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, 12.955 phiếu điều tra mộ liệt sĩ và 6 phiếu điều tra về nghĩa trang liệt sĩ làm cơ sở phục vụ công tác quản lý và thực hiện các chính sách đối với liệt sĩ theo quy định. Tất cả các dữ liệu thông tin này đã được cập nhập vào Trang thông tin cơ sở dữ liệu liệt sĩ của Cục Người có công. Bên cạnh công tác điều tra, tỉnh cũng triển khai sắp xếp, bảo trì, lưu trữ và số hóa hồ sơ người có công, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, cũng như tra cứu phục vụ công tác giải quyết chế độ chính sách theo hướng hiện đại, an toàn và chính xác”. (Còn tiếp)
Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, có những người may mắn được trở về với quê hương, nhưng có những người mãi mãi nằm lại giữa lòng đất mẹ. Với ý nghĩa xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, ngành lao động - thương binh và xãhội (LĐ- TB&XH) vẫn luôn miệt mài, tận tụy với công tác điều tra nhằm tìm lại tên tuổi cho các anh.
KIM HÀ