71 mùa trái ngọt
(BDO) Cách mạng Tháng Tám thành công và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945) đã đưa lịch sử dân tộc ta bước sang trang mới, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Cùng với cả nước, Thủ Dầu Một - Sông Bé và Bình Dương ngày nay đã kế thừa một cách trọn vẹn, vận dụng linh hoạt và phát huy hiệu quả thành quả trên vào công cuộc đổi mới, xây dựng địa phương giàu đẹp, văn minh.
Kế thừa, phát huy thành quả và bài học kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng Tám, Bình Dương đã thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ảnh: Một góc đô thị công nghiệp hiện đại của Bình Dương hôm nay. Ảnh: X.THI
Những mùa xuân rực rỡ
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát huy cao độ sáng tạo, khéo léo, vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua ghềnh thác, đi đến bến bờ vinh quang. Năm 1945-1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc: Xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6-1-1946; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám; thực hành sách lược khôn khéo để triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo.
Tháng 12-1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; vừa kiến quốc vừa kháng chiến dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, toàn thể nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, qua 21 năm chiến đấu anh dũng (1954- 1975) chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang… Sau khi đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc quyết tâm đồng lòng vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh nhanh chóng khôi phục sản xuất, xây dựng củng cố chính quyền trên phạm vi cả nước...
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội VI của Đảng (tháng 12- 1986) đã đưa ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững; vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao; không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, văn hóa xã hội không ngừng phát triển. Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; đang thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Phát huy thành quả cách mạng
Hòa cùng dòng chảy cách mạng của cả nước, Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương đã giương cao ngọn cờ cùng với nhân dân cả nước góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang. Ngay từ giữa cuối tháng 9-1945, cùng với cả nước, quân và dân Thủ Dầu Một - Bình Dương lại tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Trên chiến trường miền Đông Nam bộ, Thủ Dầu Một - Bình Dương đã sớm trở thành địa phương có phong trào du kích phát triển rộng khắp, với những căn cứ địa nổi tiếng như Chiến khu Đ, căn cứ Long Nguyên, Thuận An Hòa…
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, dưới muôn vàn khó khăn, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân quyết tâm đánh giặc ngoại xâm và đội quân tay sai. Quân và dân Thủ Dầu Một - Bình Dương đã lập nên nhiều chiến công hiển hách gắn liền với những địa danh như Phước Thành, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Đất Cuốc, Bông Trang, Nhà Đỏ… đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của cả nước. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng với các binh đoàn chủ lực, quân và dân trong tỉnh đã tham gia đánh chiếm toàn bộ các căn cứ quân sự, diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng ngụy quân, đập tan bộ máy ngụy quyền từ tỉnh đến huyện, xã, giải phóng Thủ Dầu Một - Bình Dương, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé - Bình Dương bắt tay ngay vào nhiệm vụ chống đói nghèo, lạc hậu, khẩn trương xây dựng chính quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh, chống các thế lực phản động chống phá, bảo vệ biên giới, ổn định cuộc sống, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách mới, sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Nổi bật là thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh thông qua chính sách trải chiếu hoa đón các nhà đầu tư; tập trung phát triển các khu công nghiệp, tạo ra những mũi đột phá trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Từ khi tái lập đến nay, thành công mang tính đột phá của tỉnh là phát triển nhanh, có hiệu quả các khu công nghiệp gắn với phát triển các khu đô thị mới tập trung. Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp với diện tích 9.412 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 600 ha. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,74% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 8,35%; dịch vụ tăng 7,51%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,91%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 70.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 10,692 tỷ đô la Mỹ, tăng 16,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 8,767 tỷ đô la Mỹ, tăng 16,7%. Thu hút đầu tư nước ngoài được 1,140 tỷ đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2.713 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 24,8 tỷ đô la Mỹ. Công tác quy hoạch xây dựng cơ bản hoàn thành, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 73,2%, các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng đều có quy hoạch chi tiết… An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Những thành quả và bài học kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng Tám hôm nay vẫn đang được toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh kế thừa, phát huy để tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đưa Bình Dương trở thành đô thị thông minh, là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
CAO SƠN