70 năm Hiệp định Geneva: Sự kiện có tầm vóc lịch sử
(BDO) Việc đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 không chỉ là một dấu mốc quan trọng, một thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam mà còn là sự kiện mang tầm vóc lịch sử, tấm gương cho các nước khác trên thế giới noi theo.
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, tại phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương, sáng 8/5/1954 với tư thế của một dân tộc chiến thắng.
Đó là nhận định của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Argentina, Jorge Kreyness, khi trao đổi với phóng viên tại Buenos Aires về ý nghĩa của Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm ngày ký kết văn kiện này (21/7/1954 - 21/7/2024). Ông Kreyness nhấn mạnh đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định dẫn tới thắng lợi tại Hội nghị Geneva và trước đó là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Argentina khẳng định, Hội nghị Geneva 1954 đánh dấu lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam bước lên vũ đài quốc tế và thể hiện bước thắng lợi của các lực lượng cách mạng ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, dẫn tới sự tan rã hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của Pháp.
Xét trên bình diện quốc tế, Hiệp định Geneva là sức mạnh chính nghĩa, cổ vũ quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, những thành quả của sự kiện này đã được công nhận và dù trải qua 70 năm vẫn được cộng đồng quốc tế nhắc đến như sự mở đường cho quá trình phi thực dân hóa trên phạm vi toàn cầu.
Theo lãnh đạo Đảng Cộng sản Argentina, Hội nghị Geneva đã để lại một bài học mang tính thời đại về giải quyết bất đồng và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay đang diễn ra nhiều xung đột phức tạp. Nhiều quốc gia trên thế giới đã rút ra bài học về ứng xử quốc tế qua sự kiện này, đó là sự cần thiết phải hướng tới một thế giới dân chủ và đa cực, nơi các chuẩn mực quốc tế được tôn trọng chứ không phải một trật tự thế giới do các nước lớn áp đặt một cách bất bình đẳng.
Theo TTXVN