70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Giao lưu lịch sử và ký ức tại Pháp

2024-04-15 06:47:02

Tối 13-4 tại thủ đô Paris, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Taylan Coskun, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp (PCF), đã tham dự buổi lễ cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, bà con kiều bào và bạn bè Pháp.


Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự tham dự của ông Taylan Coskun, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp (PCF).

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: “70 năm trôi qua kể từ trận chiến, vết thương đã lành, thay thế bằng hòa bình và tình bạn, nhưng ký ức về Điện Biên Phủ vẫn còn sống mãi”. Theo Đại sứ, 70 năm qua, dù quan điểm mỗi người khác nhau, thậm chí đối lập, góc nhìn chuyên môn khác nhau và sự nhận thức ở mỗi thời đại cũng có sự khác nhau, nhưng tất cả đều chia sẻ một giá trị chung: đó là khát vọng hòa bình, bảo tồn và củng cố hòa bình mãi mãi. Ghi nhận sự ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam những giá trị chung về hòa bình và đoàn kết của bạn bè Pháp, Đại sứ khẳng định nhân dân Việt Nam luôn ý thức rằng "tình đoàn kết quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ to lớn mà nhân dân Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc giành lại độc lập và hòa bình, là cơ sở vững chắc để xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác gắn kết Pháp và Việt Nam ngày nay". Bày tỏ sự biết ơn tới tất cả những người bạn lâu năm, trong các đoàn thể chính trị và hiệp hội khác nhau của Pháp, những người đã đóng góp bằng cách riêng của mình cho sự thống nhất đất nước, cho hòa bình và hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp, Đại sứ hy vọng nhân dân hai nước sẽ tiếp tục truyền thống này trong thời gian tới để ghi dấu trong tâm trí các thế hệ tương lai tình hữu nghị và tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Taylan Coskun, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp (PCF), điểm lại nỗ lực của những người đảng viên Cộng sản Pháp trong sự nghiệp phản đối chiến tranh Đông Dương và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, bất chấp sức ép của Nhà nước, quân đội, các thế lực phản động và những kẻ hiếu chiến tại Pháp. Ông nhấn mạnh sự trung thành của những người Cộng sản Pháp với lý tưởng đoàn kết nhân loại, trước đây cũng như ngày nay. Theo ông, thế giới đang quay trở lại với chính sách chiến tranh tổng lực, mà logic của chiến tranh là thúc đẩy các dân tộc chiến đấu lẫn nhau. Vì thế, những người có thiện chí cần phải can đảm phản đối chiến tranh, hành động vì hòa bình, công lý và hợp tác giữa các dân tộc.

Trước đó, một buổi tọa đàm bàn tròn đã được tổ chức với sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 và Trung tâm lưu trữ tư liệu Bộ Quốc phòng Pháp (ECPAD). Với tiêu đề "Giao thoa lịch sử và ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ", buổi tọa đàm đã đề cập đến 3 chủ đề, từ giới thiệu chiến dịch đến chia sẻ ký ức và cuối cùng là thông điệp hòa bình. Các diễn giả là nhà báo, học giả, nhà nghiên cứu, đạo diễn phim và cả một cựu chiến binh hơn 90 tuổi từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đã đưa ra những góc nhìn đa chiều về cuộc chiến, chia sẻ những kỷ niệm và ký ức, cũng như ước vọng về một sự hòa hợp và hòa bình.


Nhà thơ Cameroun Marc Alexandre Oho Bambe trình bày các bài thơ về nỗi đau chiến tranh ở Điện Biên Phủ và khát vọng vươn tới hòa bình, trên nền giai điệu piano êm dịu của nhà soạn nhạc, Caroline Bentz. 

Đặc biệt, những thước phim tư liệu do Trung tâm ECPAD sản xuất đã đưa hơn 100 đại biểu tham dự trở về với ký ức hào hùng của quân và dân Việt Nam, nhưng cũng đầy đau thương đối với người dân Pháp. Cuộc tọa đàm được kết thúc bằng những vần thơ thổn thức về chiến tranh, cùng khát vọng vươn tới hòa bình do nhà thơ Cameroun Marc Alexandre Oho Bambe trình bày trên nền giai điệu piano êm dịu của nhà soạn nhạc Caroline Bentz, mang đến cho khán giả một cảm xúc an bình.

Chia sẻ với phóng viên tại Pháp, ông Pierre Journoud, Giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, người chủ trì buổi tọa đàm, cho biết không như các cuộc hội thảo mang tính học thuật khác, tọa đàm lần này là nơi gặp gỡ của cả người Pháp, người Việt và người Phi, vì chiến dịch này mang tầm vóc thế giới và có cả sự tham chiến của một phần các nước châu Phi trong đội quân viễn chinh Pháp. Cuộc tọa đàm đã đề cập đến mọi khía cạnh của cuộc chiến, không chỉ giới thiệu diễn biến chiến dịch mà còn đề cập đến nỗi đau thất bại của những cựu chiến binh Pháp và cả sự hội nhập không hề dễ dàng của họ với cuộc sống đời thường sau khi trở về. Buổi tọa đàm cũng là dịp để chia sẻ những ký ức về sự trở lại của những người lính Pháp ở chiến trường xưa, cũng như tình yêu mà họ dành cho đất nước này, cùng khát vọng xích lại gần nhau và hướng tới sự hòa hợp của hai dân tộc.

Thông báo về việc lần đầu tiên một Bộ trưởng Quân đội Pháp sẽ tham dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Việt Nam sắp tới, ông Pierre Journoud bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều bạn trẻ, cả sinh viên và học sinh, quan tâm tới sự kiện này, cũng như quan tâm tới các cuộc đàm phán để dẫn đến Hiệp định hòa bình Geneva kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương. “Cho đến nay, sự kiện này mới chỉ được các chính trị gia, nhà ngoai giao và những người lớn tuổi nhớ đến và tôi nghĩ cần phải mở rộng phạm vi ảnh hưởng của sự kiện để thu hút giới trẻ. Tôi đã đến thành phố Điện Biên và nói chuyện với nhiều bạn trẻ ở đây. Họ rất quan tâm đến lịch sử, nước Pháp và tiếng Pháp. Tôi mong có thể tìm kiếm được học bổng để giúp các bạn trẻ ở Điện Biên có thể khám phá ngôn ngữ và văn hóa Pháp thông qua các chuyến du lịch hay du học. Tôi hy vọng buổi tọa đàm này sẽ đóng góp phần nào cho mối quan hệ hai nước, giúp giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ ở Điện Biên, có thể khám phá nước Pháp và ngược lại, giới trẻ Pháp đến với Việt Nam.


Trung tâm lưu trữ tư liệu Bộ quốc phòng Pháp giới thiệu những thước phim tư liệu do Trung tâm sản xuất về cuộc chiến Điện Biên Phủ.

Là một cựu chiến binh có mặt ở Điện Biên Phủ cho đến khi kết thúc trận đánh, ông William Schilardi chia sẻ nỗi đau mà ông phải chịu đựng khi còn là một thanh niên 20 tuổi tham chiến tại Điện Biên Phủ. Ông đã bị thua, bị thương, bị bắt và có cuộc sống không mấy dễ chịu khi trở về Pháp. Ông tâm sự: “Tôi đã có 5 tháng tham gia chiến dịch, trải qua 56 ngày đêm cực kỳ khốc liệt. Đến ngày 7/5, tôi bị thương và bị bắt... Đó là nỗi đau khổ mà tôi phải chịu đựng khi mới 20 tuổi. Khi trở về, tôi đã sống trong cảm giác nặng nề vì đảng Cộng sản Pháp luôn phản đối cuộc chiến này". Ông William Schilardi cho biết ông đã quay trở lại Việt Nam đến 4 lần và luôn cảm nhận được sự thay đổi đáng mừng ở đất nước này. Ông nói: "Dân tộc của các bạn làm tôi phải suy ngẫm. Các bạn rất vui vẻ, luôn thấy cuộc sống có ý nghĩa và hài lòng với hiện tại. Điều này khiến tôi cũng phải xem lại chính mình. Tôi đã từng đau đớn, nhưng bây giờ tôi cũng đã tha thứ cho chính mình".

Tham gia tọa đàm với tư cách là diễn giả Việt Nam duy nhất có nhà báo Đào Thanh Huyền, một trong những tác giả của cuốn sách “Điện Biên Phủ vue d’en face: Paroles de bô dôi” (Điện Biên Phủ, nhìn từ phía đối diện: Lời của các Bộ đội” (Nhà xuất bản Nouveau Monde 2010), phiên bản rút gọn của cuốn “Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2009). Bà thay mặt các cựu chiến binh Việt Nam mang đến buổi tọa đàm tiếng nói của những anh bộ đội luôn mong muốn sống trong hòa bình. “Mặc dù các bác phải trải qua nhiều cuộc chiến, nhưng họ không hề muốn các thế hệ sau này phải chịu hoàn cảnh như họ. Hòa bình là mong ước của họ, cũng là thông điệp của tọa đàm”, nhà báo Thanh Huyền nhấn mạnh.


Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chia sẻ những đánh giá tích cực về sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng cuộc tọa đàm không chỉ là dịp để trao đổi với các học giả, nhà nghiên cứu về chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn là cơ hội để tri ân những bạn bè Pháp, cũng như bà con kiều bào đã ủng hộ dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì hòa bình và độc lập dân tộc, và cả trong giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước. Theo Đại sứ, những trao đổi tại buổi tọa đàm đã nêu bật ý nghĩa trọng đại của sự kiện 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chủ nghĩa anh hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khẳng định nghệ thuật và tư tưởng quân sự đúng đắn của Việt Nam trong cuộc kháng chiến, đồng thời cũng thể hiện được vấn đề mà đội quân viễn chinh Pháp đã vấp phải trong giai đoạn đó. Nhưng trên hết, các nhân chứng và những trao đổi đã nêu bật được tinh thần hòa hiếu của người Việt Nam, tình cảm đặc biệt của những cựu chiến binh Pháp khi thăm lại chiến trường xưa, cũng như tinh thần yêu chuộng hòa bình, hướng tới tình hữu nghị của nhân dân hai nước và trên toàn thế giới. “Quan hệ của Việt Nam và Pháp trong thời gian qua thể hiện sự vươn lên và nỗ lực của cả hai nước để vượt qua thăng trầm lịch sử, đưa quan hệ vững chắc trong suốt 50 năm quan hệ ngoại giao, cũng như trong 10 năm đối tác chiến lược vừa qua", Đại sứ nhấn mạnh, đồng thời khẳng định tọa đàm cũng thể hiện tinh thần của hai dân tộc cùng vươn lên, khép lại quá khứ, trân trọng hiện tại và hướng tới tương lai.

Theo TTXVN

Báo Bình Dương