60% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam sẽ mở rộng kinh doanh

Thứ tư, ngày 08/02/2023

(BDO)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Nakajima Takeo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong buổi làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) mới đây, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, cho hay nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Về định hướng phát triển kinh doanh từ 1-2 năm tới, tại Việt Nam, 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh (tăng 4,7 điểm so với năm trước), đứng đầu trong khu vực ASEAN và chỉ sau Ấn Độ (72,5%) và Bangledesh (71,6%).

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp sẽ “thu hẹp” hoặc rút khỏi, chuyển sang quốc gia, vùng lãnh thổ khác chỉ 1,1%.

Một cuộc khảo sát khác của JETRO với các công ty tại Nhật Bản cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 (chỉ sau Hoa Kỳ) về mức độ hấp dẫn đầu tư.

Lý giải nguyên nhân về tỷ lệ này, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng vào việc tăng doanh thu do thị trường Việt Nam hiện đang mở rộng khối lượng xuất khẩu và tiềm năng, tính tăng trưởng cao.

Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại ngành chế tạo chiếm 54,4%, ngành phi chế tạo 65,9%; đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa đều mong muốn mở rộng hoạt động trong ngành phi chế tạo.

Cũng theo đánh giá từ khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và khuynh hướng mở rộng kinh doanh đứng đầu ASEAN.

Ông Nakajima Takeo cho biết cuộc khảo sát được JETRO thực hiện trong tháng 8 và 9/2022 nhằm nắm bắt tình hình thực tế hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư châu Á và châu Đại Dương.

Tại Việt Nam, 603 doanh nghiệp tham gia khảo sát hợp lệ đều bày tỏ mong muốn mở rộng sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2022 là 59,5% (tăng 5,2 điểm so với năm trước) và tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 20,8% (giảm 7,8 điểm).

Tỷ lệ về doanh nghiệp có lãi ở Việt Nam có xu hướng tăng lên và cao hơn một số nước trong khu vực ASEAN từ năm 2016.

Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022, số doanh nghiệp trả lời “cải thiện” là 47,6% và “suy giảm” là 22,6%, và trong năm 2023 số doanh nghiệp trả lời “cải thiện” là 53,6% và “suy giảm” là 6,9% (so với năm 2022).

Triển vọng lợi nhuận kinh doanh của Việt Nam năm 2022 đã hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là ngành sản xuất-tiêu dùng và ngành dịch vụ trực tiếp tăng đáng kể do lượng xuất khẩu và sức mua của thị trường nội địa đều tăng.

Năm 2023, cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều dự báo cải thiện trên 50%.

Ông Nakajima Takeo hy vọng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua các buổi đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc tồn tại để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá: khảo sát của JETRO sẽ là tài liệu bổ ích để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hoạch định chính sách, nắm bắt tình hình hoạt động cũng như đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam.

Nhìn chung, theo khảo sát, phục hồi kinh tế của Việt Nam, mức độ hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có lãi cũng như mong muốn mở rộng đầu tư trong thời gian tới đang có xu hướng tăng dần.

“Hy vọng các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thị trường Việt Nam,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá cao vai trò của JETRO trong đóng góp xây dựng chính sách tại Việt Nam cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản sang tìm hiểu và đầu tư.

Đồng thời, bộ trưởng khẳng định thông điệp của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để khuyến khích nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Với phương châm “Việt Nam là điểm đến ưu tiên của các doanh nghiệp Nhật Bản khi muốn đầu tư ra ngoài,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở các doanh nghiệp Nhật Bản chủ động hơn để đưa ra quyết định phù hợp khi có cơ hội, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế xứng tầm với quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư đề nghị JETRO hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Cùng đó, thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản tham gia xúc tiến các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam./.

Theo TTXVN