50 năm vang mãi bản hùng ca - Bài 22
Bài 22: Ký ức không thể nào quên
(BDO)
Nằm ở hướng Bắc Sài Gòn, là căn cứ địa cách mạng của Phân khu 5, một trong những vùng trọng yếu của chiến trường miền Đông Nam bộ; vùng đất Dĩ An đã ghi dấu sự hy sinh vô bờ của các bậc tiền nhân trong 2 cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với tinh thần kiên trì, bền bỉ đấu tranh, mưu trí, dũng cảm, quân và dân Dĩ An cùng với miền Đông Nam bộ đã góp phần làm nên những chiến tích oanh liệt. Ký ức về mùa xuân năm ấy vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của những người còn sống hôm nay.
Ông Lê Đức Phong chỉ căn hầm bí mật, nơi gia đình bà Năm Rỡ đã nuôi giấu ông và các cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: P.V
Nhớ mãi mùa xuân năm ấy
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã bắt đầu từ mùa xuân. Mùa xuân năm đó, bà Đinh Thị Ẻn (Út Thảo) vừa bước sang tuổi 19. Trước tết, bà cùng các mẹ, các chị gói bánh chưng, bánh tét tiếp tế cho bộ đội và tham gia tải thương. Ấp chiến lược chỉ cách nhà có 100 đến 200m nên bà Út Thảo lân la đi vận động lính Việt Nam cộng hòa đảo ngũ, làm cơ sở cho cách mạng. Khi chiến trường ngày càng ác liệt, bà xin vào Chiến khu Đ nhưng “các anh, các chú” không cho, bởi “có chiến trường, có hậu phương, cứ ở lại làm công tác binh vận, dân vận thật tốt và sẽ vào căn cứ khi có nhiệm vụ cần thiết”.
Bà Út Thảo bồi hồi kể lại: “Cuộc đời tôi vào sinh ra tử rất nhiều lần, nhưng những ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tôi không thể nào quên. 50 năm đã trôi qua, giờ đây khi cả nước đang kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này, những ký ức ấy lại ùa về, rõ mồn một như mới hôm qua thôi. Đó là trận chống càn ở suối Sọ ngày 4-5-1968, lúc đó tôi đang là xã đội phó. Lực lượng Mỹ - ngụy tràn vào càn quét mảnh đất Tân Bình. Lực lượng của ta chống trả rất quyết liệt, làm tiêu hao khá nhiều sinh lực địch. Thế nên, chúng điên cuồng sử dụng máy bay, pháo binh bắn phá ngày đêm. Do địa hình không thuận lợi, nên nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh anh dũng. Tôi còn nhớ chị Năm Lan (nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tươi), sau khi bị thương tích quá nặng, chị đã mất đi trong vòng tay của tôi. Tôi vẫn nhớ như in lời chị nói: “Út ơi, em bỏ chị lại đi, chị không sống được đâu. Em đi lo cho các anh em khác đi”. Tôi nghẹn ngào mà nghe tim mình nhỏ máu. Trận đánh đó, chị gái tôi, chị Đinh Thị Hồng cũng hy sinh”.
Trong trận càn này, ở suối Sọ có 500 quân dân phía Đông Sài Gòn đã ngã xuống, trong đó có những người phụ nữ còn rất trẻ. Nhưng họ đã dùng những bờ vai con gái của mình tải đạn, chuyển thương và cầm súng đối diện với kẻ thù. Biết đi là đối mặt với gian khổ, hiểm nguy, cái chết… nhưng họ đã tự nguyện dấn thân, với lý tưởng cao đẹp.
Ông Nguyễn Thạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống cách mạng Dĩ An, một trong những người từng sống và chiến đấu tại đây cũng nhớ lại: “Chiến dịch Mậu Thân 1968 diễn ra vô cùng ác liệt. Kẻ thù đánh phá, ra sức kìm kẹp, bắt bớ cán bộ mật của ta. Chúng càng tàn bạo, ác ôn thì ta càng đánh táo bạo, ác liệt hơn nữa. Chúng tôi đã đánh thọc sâu vào bót chợ Dĩ An, buộc chúng bỏ chạy, thu về nhiều chiến lợi phẩm; thọc sâu vào khu Tân Đức, Tân Hạnh, Đông Tác… để diệt ác ôn. Nhờ có Đảng lãnh đạo, có đường lối đúng, nhân dân tham gia, đóng góp và tận tình nuôi dưỡng, chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao cho”.
Những căn cứ trong lòng dân
Là căn cứ địa cách mạng của Phân khu 5, một trong những vùng trọng yếu của chiến trường miền Đông Nam bộ, vùng đất Dĩ An là địa bàn có nhiều cơ sở cách mạng bảo vệ, che chở, đùm bọc cho cán bộ, chiến sĩ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nơi đây đã chứng kiến rất nhiều trận đánh ác liệt và ôm lấy biết bao hình hài của hàng trăm chiến sĩ cách mạng và nhân dân đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng này. Những địa danh như: Rừng Sáu Mẫu của Tân Đông Hiệp, Hố Lang, Mạch Máng của Tân Phước, rừng Hố Ngựa - Hố Mây của xã Bình Trị, rừng Đồng An của xã An Bình, rừng Sặt xã Đông Hòa, rừng Ông Viễn xã Bình An… tạo thành những căn cứ kháng chiến đều khắp trong huyện, gây khó khăn cho địch do không thể tập trung lực lượng để càn quét tiêu diệt một nơi cụ thể.
Ông Nguyễn Thạnh bồi hồi kể lại: “Tất cả các căn cứ cách mạng đều được sự đùm bọc của nhân dân địa phương, nhà dân ở rải rác quanh các căn cứ khoảng 500 - 700m. Có nhiều nhà có hầm bí mật để bộ đội trú ẩn. Dân ở đây là cái gốc, cái rễ của cán bộ cách mạng hoạt động. Đêm đến, những ngọn đèn dầu leo lét đi qua đi lại ngoài sân 3 lần thì đó là tín hiệu báo cho lực lượng cách mạng từ trong cứ nhìn ra biết là có địch. Còn ngọn đèn để thấp một chỗ là tín hiệu không có địch, để lực lượng ta xuống nhận lương thực, thuốc men… Hầu hết, nhân dân ở đây đều che chở cho cách mạng hoạt động, chính là những thành viên tham gia hoạt động cách mạng”. Hiện tại, các cơ sở cách mạng tại Dĩ An vẫn tồn tại nhiều dấu tích, các căn hầm trú ẩn. Các căn cứ cách mạng này là những bằng chứng của chiến tranh nhân dân, biết dựa vào dân, kiên cường bám trụ, dũng cảm mưu trí chiến đấu, góp phần xây đắp nên những trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng bất khuất giải phóng quê hương.
Bà Lê Thị Não (Hai Não) một cán bộ lão thành cách mạng tại phường Tân Bình cho biết: “Có thể khẳng định, những cơ sở, những căn cứ cách mạng chính là căn cứ trong lòng dân, bởi thật ra không có dân thì không thể có căn cứ cách mạng. Căn cứ trong lòng dân là căn cứ vững chắc nhất. Tại những căn cứ cách mạng của Dĩ An vào những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, xuyên suốt trong 3 ngày đêm chiến đấu với tinh thần dũng cảm kiên cường của chiến sĩ giải phóng quân đã ăn sâu vào tâm khảm người dân nơi đây. Sau khi nghe phổ biến xong tinh thần nghị quyết về Tết Mậu Thân, chúng tôi về xã thành lập Ủy ban khởi nghĩa Tân Đông Hiệp. Ủy ban khởi nghĩa có nhiều bộ phận, ban, ngành khác nhau, nhưng mỗi đồng chí chịu trách nhiệm vận động dân trữ cả tấn lúa, gạo để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Đêm mùng 1, rạng ngày 2 Tết Mậu Thân, anh em bộ đội ta tập trung về đánh Đề pô Dĩ An và căn cứ Sóng Thần. Lực lượng chủ lực đánh vào Thủ Đức, căn cứ thủy quân lục chiến của tiểu đoàn Trâu Điên ở ấp Tam Hà, xã Tam Bình. Địch cũng điên cuồng dùng máy bay, pháo binh quần đảo bắn trả. Mặc dù địch kìm kẹp khống chế ngày đêm rất ác liệt, chúng ráo riết dùng bạo lực lùng xét, vây bắt những người chúng tình nghi, lục xét từng nhà, truy lùng những cán bộ nằm vùng ở Dĩ An, khủng bố những gia đình cơ sở cách mạng, nhưng dưới làn lửa đạn, những người mẹ, người chị vẫn vững vàng tiếp tế từng nắm cơm, gói lương khô, từng gói thuốc để bộ đội an tâm vững dạ chiến đấu với quân thù”.
Đặc biệt, nhà bà Hai Não cũng chính là một cơ sở cách mạng quan trọng lúc bấy giờ. Mẹ bà là bà Trần Thị Rỡ (Năm Rỡ) đã đào nhiều hầm bí mật để chở che và nuôi giấu hàng chục cán bộ cách mạng. Ông Lê Đức Phong, một trong những cán bộ từng được gia đình bà Năm Rỡ che chở dưới căn hầm của gia đình kể lại: “Nếu không nhờ căn hầm của gia đình bà Năm Rỡ, chắc tôi không còn sống được đến ngày hôm nay. Tôi còn nhớ, lúc đó tình hình chiến sự rất ác liệt, cán bộ cách mạng bám trụ trong dân để hoạt đông gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi chủ yếu hoạt động về đêm, còn ban ngày làm việc và sinh hoạt dưới hầm. Cháu ngoại bà Năm Rỡ là em Lê Minh Sơn (ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh) trực tiếp ngụy trang để bảo vệ hầm an toàn”.
Ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không có nhân dân ủng hộ, hỗ trợ và làm tai mắt cho thì cán bộ cách mạng không thể nắm được tình hình, bộ đội không thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc của địch để vào thành phố, không thể ém quân bí mật trong lòng thành phố và ở những vị trí ngay gần cơ quan đầu não của địch, không thể có khối lượng lớn về vũ khí để chiến đấu. Chính nhân dân đã hết lòng ủng hộ cách mạng, tham gia tích cực vào công cuộc chuẩn bị và tham gia chiến đấu. Cội nguồn của sức mạnh Việt Nam trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong sự kiện Mậu Thân 1968 chính là nhờ có sức mạnh của nhân dân. Lực lượng vũ trang và an ninh Việt Nam luôn có một căn cứ vững chắc - đó chính là căn cứ trong lòng dân”. (còn tiếp)
NHÓM P.V