50 năm Hiệp định Paris: Thắng lợi của khát vọng hòa bình - Bài 3

Thứ sáu, ngày 27/01/2023

(BDO) Bài 3: Hiệp định Paris với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 

Những bài học từ Hội nghị Paris cách đây 50 năm là hành trang quý giá để đất nước ta vững bước tiến vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, củng cố, nâng cao thế và lực của đất nước. Trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đối ngoại tiếp tục là mặt trận quan trọng góp phần xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Những thành tựu trong công tác đối ngoại

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại, hơn 35 năm qua, đặc biệt là trong những nhiệm kỳ gần đây, đất nước ta đã đạt được nhiều thành quả trên mặt trận ngoại giao. Nổi bật là từ phá thế bị bao vây, cấm vận, đất nước ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. 


Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (bên trái) và Henry Kissinger, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ tại Paris (Ảnh tư liệu)

Cho đến nay, nước ta đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với công cuộc đổi mới của đất nước. Tính đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 190 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp ngày càng mở rộng, chủ động, tích cực và đi vào chiều sâu. Trong đó, Đảng ta đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia và tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn nghị viện quốc tế quan trọng. Hoạt động đối ngoại của Chính phủ trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội được đẩy mạnh, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị và đan xen lợi ích với các đối tác. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hữu nghị của nhân dân cũng đã triển khai đối ngoại thiết thực, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước, quảng bá sâu rộng công cuộc đổi mới, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Bên cạnh đó, nước ta đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế - xã hội. Từ một nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung, bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã trở thành một nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, liên kết kinh tế sâu rộng; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao, mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới. 

Nếu cách đây 30 năm, nước ta mới có quan hệ kinh tế - thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay gấp khoảng 120 lần so với những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Nước ta đã thu hút được hơn 523 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó đã giải ngân được khoảng 250 tỷ đô la Mỹ… 

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã huy động được nguồn lực to lớn của kiều bào để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid-19, chúng ta đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào sự nỗ lực chung của quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế về vắc xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị, đóng góp quan trọng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Các vấn đề biên giới với các nước liên quan từng bước được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để bảo vệ chủ quyền, giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần vào việc củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực. Đối với những vấn đề phức tạp về biên giới lãnh thổ, nước ta luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán với các nước liên quan kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Nước ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN… đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi. Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của nước ta đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhờ đó vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.


Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhân dân Hà Nội chào đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký kết Hiệp định Paris thắng lợi, về nước (Ảnh tư liệu)

Tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình

Nước ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. 

Theo đó, về tư tưởng chỉ đạo: Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng quan trọng. Về nguyên tắc đối ngoại: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Về phương hướng đối ngoại: Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng các doanh nghiệp. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Không ngừng đổi mới, sáng tạo trên cơ sở vận dụng nhuần nhuyễn bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược.

Song song đó, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Các nhiệm vụ này có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.

Trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đối ngoại phải tiếp tục là mặt trận quan trọng góp phần xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. 

Tin tưởng rằng, phát huy tinh thần Hội nghị Paris, công tác đối ngoại của nước ta nhất định sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa; ghi tiếp các mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

TRÍ DŨNG