50 năm Di chúc Bác Hồ: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo lời dạy của Người
(BDO)
Năm 2019 đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, phương hướng phát triển của dân tộc. Bên cạnh đó, bản Di chúc cũng thể hiện cô đọng tư tưởng, nhân cách, bản lĩnh của một vị Lãnh tụ, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Theo giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo (nguyên Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), tuy bản Di chúc chỉ có dung lượng hơn 1.000 từ nhưng đã kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng; trong đó, mỗi câu chữ, mỗi đoạn văn đều là kết quả của quá trình suy ngẫm, chắt lọc, thể hiện phong cách, tư tưởng, tình cảm, trí tuệ của Người.
Năm 2019 đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Di chúc của Người. Trong thời gian qua, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, ráo riết, đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Điều này góp phần quan trọng vào việc khẳng định tầm vóc tư tưởng, tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những yêu cầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Bác chỉ ra trong bản Di chúc lịch sử một lần nữa phát huy giá trị to lớn, mang đến những bài học sâu sắc.
Bài 1: Chỉnh đốn Đảng - Nhiệm vụ đầu tiên khi thực hiện Di chúc Bác Hồ
Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.”
Thực hiện lời căn dặn của Người trước lúc đi xa, trong suốt 50 năm qua, Đảng đã không ngừng xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; để lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi to lớn trong giai đoạn lịch sử mới.
Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất
Trước lúc đi xa, Người đặc biệt nhấn mạnh, vấn đề đầu tiên là, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng phải tiến hành ngay việc chỉnh đốn Đảng.
Theo giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, điều này thể hiện tầm nhìn xa cũng như tầm vóc tư tưởng của Bác. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lịch sử đã cho thấy, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng có ý nghĩa quyết định mọi thành công, thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tình hình mới, nhiệm vụ mới sẽ đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới: sự lãnh đạo của Đảng phải ngang tầm nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm, tinh thần gương mẫu…
Bởi vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mang hàm nghĩa sâu xa, toàn diện trên các mặt: tư tưởng, đạo đức, tổ chức, phương pháp, phong cách…
Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hà (Ban Tổ chức Trung ương Đảng) phân tích: Đảng ta là đảng cầm quyền duy nhất. Việc này có nhiều thuận lợi (trong việc tập hợp lực lượng, thống nhất ý chí, nguyện vọng của nhân dân…) nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ: dễ dẫn tới chủ quan, thỏa mãn, không có sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo nên không nhìn thấy những khuyết điểm của mình….
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ cho Đảng trong những giai đoạn lịch sử cam go nhất. Bởi vậy, Người hiểu rõ những mặt mạnh cũng như những tồn tại, khuyết điểm của các tổ chức Đảng cũng như của cán bộ, đảng viên. Thực tiễn cũng đã cho thấy, Đảng cũng có những sai lầm và Đảng cũng phải tiến hành nhiều cuộc chỉnh đốn Đảng, kiểm điểm, phê bình, tự phê bình để khắc phục những hạn chế.
“Người nhắc nhở việc chỉnh đốn Đảng phải thực hiện ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bởi Người lo sợ rằng, chúng ta sẽ say sưa với chiến thắng, ngủ quên bên vòng nguyệt quế. Nếu Đảng không thống nhất, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh thì không đủ sức để lãnh đạo cách mạng đi lên,” ông Nguyễn Đức Hà phân tích.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, bao gồm nhiều việc và phải được tiến hành trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.
Những nội dung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Bác đề cập trong Di chúc bao gồm: tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc; coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh đẩy lùi những tiêu cực. Trong đó, việc tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng được coi là nguyên tắc cơ bản trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho biết, lúc sinh thời và trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, đoàn kết là nguồn gốc sức mạnh của Đảng. “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình,” trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc làm cấp bách để củng cố và lấy lại niềm tin của nhân dân
Ông Nguyễn Đức Hà khẳng định, thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng luôn quan tâm, chăm lo đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra thường xuyên. “Xây dựng” và “chỉnh đốn” là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau: trong “xây dựng” có “chỉnh đốn,” trong “chỉnh đốn” có “xây dựng.”
Trong bối cảnh hiện nay, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng thể hiện rõ giá trị, có ý nghĩa thời sự to lớn.
Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10, Khóa XII. (Ảnh: TTXVN)
Năm 2019 là năm thứ tư của nhiệm kỳ 5 năm, có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, đây cũng là năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này cũng thể hiện sự tiếp thu, tiếp nối xuyên suốt tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (tháng 1/2016) đến nay, hơn 70 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật. Những cán bộ này bị kỷ luật, chủ yếu do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; ban hành chủ trương, nghị quyết về đầu tư; góp vốn, chỉ định thầu, cổ phần hóa; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát; tham nhũng, lợi ích nhóm; vụ lợi, không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.
Bởi vậy, theo ông Nguyễn Đức Hà, việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở thành một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay để củng cố, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Hà (Ban Tổ chức Trung ương Đảng) trong buổi trao đổi với phóng viên VietnamPlus. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)
Những nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được cụ thể hóa theo các nội dung: ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp (nhất là cấp chiến lược) đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương... Điều đó đã tạo sinh khí và sức mạnh mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị mang tầm chiến lược tổng thể.
Tại Phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng (ngày 26/7 tại Hà Nội), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, trong sáu tháng đầu năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh theo hướng có chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn.
Cơ quan chức năng đã xét xử kịp thời, nghiêm minh bốn đại án mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm: vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc...” xảy ra ở Phú Thọ và một số địa phương; vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB); vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã mở rộng điều tra, làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), khởi tố điều tra vụ án xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên...
Hiện nay, Đảng đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ông Nguyễn Đức Hà cho biết, quan điểm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ này là: Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống;” trong đó, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách./.
Theo TTXVN