50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân mậu thân (1968-2018): Giá trị lý luận và thực tiễn
(BDO) Đó chính là chủ đề của hội thảo khoa học do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và trường Đại học Nguyễn Huệ tổ chức hôm qua (26-1). Hội thảo đã nhận được hơn 200 bài tham luận của các nhà sử học, nhà giáo dục, các chuyên gia nghiên cứu trong cả nước. Đến dự hội thảo có ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một nêu bật thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Dù thời gian đã lùi xa được nửa thế kỷ nhưng âm vang của tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn như vừa diễn ra, nóng hổi và ẩn chứa những giá trị lịch sử to lớn so với những gì mà chúng ta đã biết về sự kiện trọng đại này. Hội thảo lần này sẽ làm rõ 3 vấn đề: Bối cảnh lịch sử, chủ trương và quá trình chuẩn bị tổng tiến công, nổi dậy; diễn biến cuộc tổng tiến công và nổi dậy, hoạt động đối phó của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa; giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: THU THẢO
Tại hội thảo, thông qua những tư liệu và nghiên cứu mới nhằm làm sáng tỏ thêm bối cảnh lịch sử, chủ trương của Đảng và quá trình chuẩn bị mọi mặt của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam; diễn biến cuộc tổng tiến công và nổi dậy, sự phối hợp của quân, dân cả nước, hậu phương lớn miền Bắc, các hướng, các mặt trận từ các địa phương, hoạt động đối phó của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đồng thời, hội thảo cũng làm sáng tỏ thêm tinh thần chiến đấu hy sinh cao cả của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; cũng như sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và người dân tiến bộ trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam. Từ đó, hội thảo góp phần làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn, giá trị lịch sử, vai trò, tác động của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đối với cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, khẳng định chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện lịch sử to lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại hội nghị Paris với những điều kiện thuận lợi cho ta mở ra những thời cơ và điều kiện thuận lợi để thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hội thảo đã nhận được hơn 200 bài tham luận của các nhà sử học, nhà giáo dục, các chuyên gia nghiên cứu trong cả nước. Các tham luận tại hội thảo một lần nữa khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những mốc son, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc to lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, thực sự là cuộc tổng diễn tập cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 toàn thắng, thống nhất đất nước. |
Tại chiến trường Bình Dương, để tạo thống nhất trong chỉ đạo và phối hợp thực hiện, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập “Khu trọng điểm” của Miền với cơ cấu gồm 6 phân khu. Trong đó, huyện Bến Cát và Dầu Tiếng thuộc phân khu 1; huyện Dĩ An, Lái Thiêu, Châu Thành, Phú Giáo, Tân Uyên và TX.Thủ Dầu Một thuộc phân khu 5. Phân khu ủy chỉ đạo các lực lượng, cơ quan ban ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Trong khí thế sục sôi cách mạng của cả nước, quân - dân của tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương thuộc các đội hình tác chiến của Phân khu 1 và Phân khu 5 vừa đảm nhiệm một số mũi tấn công chiếm các trọng điểm của đô thành Sài Gòn, vừa tổ chức tiến công tiêu hao sinh lực địch ở vùng trọng điểm đứng chân, nhất là phát triển hướng tiến công từ căn cứ địa cách mạng vào các vùng nông thôn bị tạm chiếm, thọc sâu vào các đô thị như Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Dĩ An, Bến Cát, Dầu Tiếng và nhiều nơi khác để chia lửa, kéo giãn lục lượng địch khỏi vùng nội ô Sài Giòn, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vang dội của mặt trận miền Đông Nam bộ trong Mậu Thân 1968.
Dù còn có những ý kiến khác nhau nhưng tất cả đều thừa nhận và đi đến thống nhất rằng: Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, từng bước buộc Mỹ phải rút khỏi chiến trường miền Nam, làm xoay chuyển cục diện chiến trường, là bước chuẩn bị và là tiền đề quan trọng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giành thắng lợi hoàn toàn. Đây đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường, nghệ thuật và sức manh chiến tranh nhân dân; đồng thời cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Ông Lê Hữu Phước nhấn mạnh, qua hội thảo, mỗi cá nhân chúng ta sẽ càng thấu hiểu sự hy sinh gian khổ của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và và nỗi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, để từ đó, phát huy tinh thần quật khởi, khí thế cách mạng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mâu Thân 1968, tạo động lực để cống hiến hết mình trong hành trình xây dựng và phát triển của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung, tiếp tục làm rạng rỡ thời đại Hồ Chí Minh.
Trong báo cáo đề dẫn, Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Ngọc Lương, Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Huệ trình bày tại hội thảo nêu rõ: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những mốc son chói lọi, hào hùng thể hiện tinh thần bất khuất, quật cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc tổng tiến công để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo và tiến hành chiến tranh cách mạng. 50 năm trôi qua, thắng lợi và bài học kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Và 50 năm qua, sự kiện lịch sử quan trọng này luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quân sự trong nước và quốc tế với những phân tích, nhận định, đánh giá rất đáng trân trọng.
Từ cuối tháng 11-1967, công tác chuẩn bị các mặt cho nhiệm vụ tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn Bình Dương được tiến hành rất khẩn trương và bí mật. Đến cuối tháng 1-1968, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành. Tại TX.Thủ Dầu Một, 3 giờ sáng ngày 1-2-1968, Tiểu đoàn 4 (K4 - tức Tiểu đoàn Phú Lợi), Trung đoàn Đồng Nai, cùng Đại đội Đặc công Phân khu và 1 trung đội thuộc Đội biệt động TX.Thủ Dầu Một, nổ súng đánh chiếm Thành công binh. Tiểu đoàn 2 (K2) được tăng cường Đại đội 12 ly 7 của Phân khu, tấn công Ty cảnh sát và vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 bộ binh ngụy). Đội biệt động TX.Thủ Dầu Một (1 trung đội), do đồng chí Nguyễn Văn Quỳ, Đội trưởng Đội biệt động chỉ huy, tấn công vào Dinh tỉnh trưởng.
Tại khu vực Thành công binh, Đại đội 2, Đại đội 3 (K4) cùng Đại đội Đặc công Phân khu và 1 Phân đội Biệt động thị xã, tổ chức 2 mũi tấn công đánh chiếm và giữ được một số mục tiêu. Địch ở các vị trí còn lại chống trả quyết liệt. Cuộc chiến đấu giằng co đến chiều, lực lượng ta thương vong nhiều.
Tại huyện Châu Thành, Dĩ An, Lái Thiêu, Bến Cát, Dầu Tiếng cũng đồng loạt tiến công làm tiêu hao sinh lực địch, thu nhiều vũ khí.
(Bà Nguyễn Kim Loan, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
THU THẢO - MAI THANH PHONG