5,4 triệu bệnh nhân suy thận
Hàng năm vào ngày thứ 5 của tuần 2 tháng 3 được biết đến là ngày “Thận thế giới”. Mỗi năm, tại khoa Thận Máu - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 có khoảng 15 - 20 bệnh nhi suy thận giai đoạn từ 4 đến 5 phải lọc máu. Đa số người bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn rất muộn. Có tới 67% bệnh nhân thận phải tiến hành lọc máu ngay nếu không sẽ tử vong.
Ngoài nguyên nhân từ phía người bệnh (đến muộn) còn có nguyên nhân do bệnh nhân không được chẩn đoán sớm khi bệnh mới khởi phát. Khi thấy có triệu chứng kém ăn, mệt mỏi, đau đầu, sưng phù do ứ nước trong cơ thể, thường bệnh nhân đến khám tại các chuyên khoa khác và không nghĩ ngay đến bệnh lý về thận. Theo thống kê, có tới 50% bệnh nhân thận phát hiện trễ. Không được điều trị sớm nên phần lớn bệnh nhân đến viện khi bệnh đã nặng và cần phải lọc máu ngay. Trong những trường hợp này, chi phí điều trị rất tốn kém và tuổi thọ người bệnh cũng bị rút ngắn.
Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 5,4 triệu bệnh nhân suy thận. Trong đó, bệnh nhân suy thận cần lọc máu chiếm khoảng 72.000 bệnh nhân. Tuy nhiên, mới chỉ khoảng 10% bệnh nhân được lọc máu, còn lại 90% bệnh nhân đều tử vong. Vì thế, để giảm nguy cơ tử vong do bệnh suy thận thì việc phát hiện, điều trị sớm là yếu tố vô cùng quan trọng. Những đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, tiền sử gia đình bị bệnh thận mạn tính, béo phì, hút thuốc lá, bị bệnh lý cầu thận, tăng huyết áp, đái tháo đường... cần được thường xuyên kiểm tra để phát hiện và điều trị sớm nguy cơ bị suy thận.
B.S HOÀNG THỊ DIỄM THÚY
(Phó khoa Thận Máu - Nội tiết BV Nhi đồng 2, TP.HCM)