5.000 ki lô mét: Một chữ “TÌNH” nơi đất khách

Thứ tư, ngày 02/07/2014

Bài cuối: Một chữ “TÌNH” nơi đất khách

>Bài 2: Sang vì… đồng nghiệp!

> Bài 1: “Mi cực… tau cực… ”

Như là một “bệnh nghề nghiệp”, những đối tượng nhân vật của nhà báo, dù ở cương vị nào trong xã hội, sau khi tiếp xúc đều để lại những ấn tượng nào đó. Với nhân sinh quan của những người làm báo, quan điểm, tính cách, tư tưởng, tình cảm… của các đối tượng nhân vật tiếp xúc đều được cảm nhận khá rõ ràng. Những ngày ở Điện Biên rồi di chuyển đến Cao Bằng, chúng tôi đã cảm nhận được một chữ tình rất sâu đậm từ những bác cựu chiến binh, các cô sơn nữ, đến người tài xế đưa đường…

Nửa đêm qua đèo Pha Đin

Muốn lên Điện Biên bằng đường bộ, nhất thiết phải đi qua đèo Pha Đin, một địa danh oai hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đèo dài 32km, có độ cao lớn nhất đạt 1.648m so với mặt nước biển, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Pha Đin là nơi giáp ranh giữa huyện Thuận Châu, Sơn La với huyện Tuần Giáo, Điện Biên. Đây cũng chính là điểm mở đầu của con đường kéo pháo thần thánh của bộ đội ta vào trận địa.  

Bác Nguyễn Hữu Đức (phải), cựu chiến binh tham gia trận đánh đồi A1 tặng sách cho tác giả

Từ hang Co Phường, huyện Quan Hoa (Thanh Hóa), chúng tôi gọi taxi bên Mai Châu (Hòa Bình) sang đón vì mỗi ngày nơi đây chỉ có 1 chuyến xe khách duy nhất đi qua. Sang đến Mai Châu, trời đã chập choạng tối, chúng tôi lại phải đợi đón xe khách từ Hà Nội lên để đi lên Điện Biên. Điều này cũng có nghĩa là chúng tôi sẽ qua đèo Pha Đin vào lúc quá nửa đêm và sáng sớm hôm sau mới tới được TP.Điện Biên Phủ. Khi lên xe, tôi nhắn với người tài xế rằng lúc đến đèo thì cho tôi được thưởng lãm một chút để cảm nhận được sự rợn ngợp trên đỉnh đèo. Người tài xế bảo, hãy an tâm vì thường khi xe lên đỉnh đèo, thế nào cũng phải dừng lại để nghỉ ngơi một chút...

Xe dừng lại trên đỉnh đèo lúc nửa đêm. Nhà xe người thì tranh thủ nghỉ ngơi, người thì kiểm tra xe cộ để bảo đảm an toàn. Tôi cũng chớp cơ hội, cố gắng mở hết các giác quan để cảm nhận. Ngoài khung kính cửa xe, bốn bề rừng núi bao trùm một màu tối mịt. Chút ánh sáng le lói từ mảnh trăng đầu tháng không đủ để mang ánh sáng bao trùm không gian núi cao, vực sâu thăm thẳm. Trong xe, một vài hành khách đi đường xa mệt mỏi, ngáy đều đều. Tĩnh lặng quá! Qua lớp kính phía đầu xe, thi thoảng lóe lên những ánh đèn pha từ những chuyến xe đêm khác. Tôi đánh bạo nhảy xuống khỏi xe, mặc cho người đồng nghiệp tỏ vẻ lo lắng. Tôi đi như chạy một vòng giữa đỉnh đèo hun hút gió vì sợ không đủ thời gian. Hướng mắt ra phía ngoài vực sâu đen sì, trên đỉnh đèo lộng gió, thực sự là một cảm giác rợn ngợp đến… thắt tim…!

Gặp người cựu binh

Anh Hoàng Quang Hùng, Tổng Biên tập Báo Điện Biên là một người ân cần, chu đáo và sâu sắc, đúng chất dân làm báo miền Bắc. Chúng tôi ghé Báo Điện Biên để nhờ tìm đầu mối, được anh ủng hộ hết mình, mặc dù không có sự thông báo hay chuẩn bị nào trước đó. Anh gọi một cậu phóng viên trẻ, giao nhiệm vụ đưa đường, tìm danh sách cựu chiến binh từng chiến đấu ở các cứ điểm khác nhau để chúng tôi chọn lựa. Anh còn mang cả cuốn tài liệu hội thảo quý giá về 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cho mượn. Đặc biệt, khi chúng tôi chào, xin phép ra về mới biết, trước đó anh đã cho người đặt cơm thết đãi từ lúc nào không hay. Điều này thật sự làm tôi thấy rất cảm động.

Giáp - tên cậu phóng viên trẻ của Báo Điện Biên - đưa chúng tôi đến gặp bác cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đức, người từng tham gia trận đánh trên đồi A1 khốc liệt năm nào. Nhà bác Đức ở tổ 10, phường Thanh Bình, TP.Điện Biên. Khi tham gia trận đánh, bác mới 18 tuổi. Lúc đi, Giáp bảo bác này hơi khó tính và nghiêm khắc, dặn tôi lựa lời khi phỏng vấn, sao cho khỏi mất lòng. Cảm giác lúc đầu về bác Đức, như những người lính về hưu, đó là tính kỷ luật vẫn còn nguyên vẹn. Tiếp nhà báo, bác Đức bảo chờ để vào thay bộ quân phục, đeo huân, huy chương một cách chỉnh tề. Xong xuôi, bác mở đầu bằng một câu nói không vui rằng, một số phóng viên trẻ tìm đến hay làm bác phiền lòng. Vậy nhưng, khi tôi dẫn dắt vào câu chuyện binh nghiệp, những thời khắc sinh tử bác tham gia trận đánh đồi A1, giọng bác phấn chấn hẳn xen những xúc cảm tự hào, có khi lại là cảm xúc đau thương khi nhớ cảnh đồng đội ngã xuống! Bác kể cho tôi nghe rất chi tiết, từ lúc nhận nhiệm vụ đánh đồi A1 thế nào, hành động chiến đấu của bác ra sao… Tôi thì lại gợi nhớ trong bác về hình ảnh của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng những cảm nhận của tôi khi đến thăm quê và viếng mộ Người ở Vũng Chùa, Quảng Bình; tấm áo Trấn Thủ thân thương, một kỷ vật vô giá đối với những người chiến sĩ Điện Biên năm nào… Trong suốt cuộc trao đổi, tôi và bác nói chuyện với nhau rất hợp. Điều đó đã xóa đi khoảng cách thế hệ, bác coi tôi như một người bạn vong niên. Bác Đức bảo, rất vui mừng và có phần cảm động khi biết chúng tôi lặn lội từ miền Nam ra thực hiện loạt bài về Điện Biên Phủ. Bác bày tỏ hy vọng chúng tôi sẽ truyền tải được những thông điệp về truyền thống yêu nước, tinh thần chiến sĩ Điện Biên bất khuất một thời… đến với đông đảo bạn đọc. Đặc biệt, trước lúc ra về, bác không ngần ngại đem tặng tôi cuốn sách tổng hợp những bài viết quý giá về chiến thắng Điện Biên Phủ mà bác được Bộ Quốc phòng tặng với tư cách là người tham gia chiến dịch. Bác nói, mắt bác mờ rồi, không đọc được. Cuốn sách đem tặng cho tôi sẽ có ý nghĩa hơn. Đây là một hạnh phúc bất ngờ mà trong mơ tôi cũng không thể lường trước được. Cảm động thay một chữ TÌNH!

Lòng người Cao Bằng

Sau Điện Biên, chúng tôi về Hà Nội để ngược lên Cao Bằng, vùng đất địa đầu của Tổ quốc. Rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình) nơi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được thành lập là điểm đầu tiên ở Cao Bằng chúng tôi tìm đến. Từ bến xe TP.Cao Bằng, chúng tôi bắt xe khách đến huyện Nguyên Bình. Trong chuyến xe này, thật ngẫu nhiên khi trò chuyện, anh tài xế khi biết chúng tôi là nhà báo, từ miền Nam đi xuyên Việt để thực hiện loạt bài đầy ý nghĩa, đã tỏ ra hồ hởi, nhiệt tình giúp đỡ. Ma Anh Tuấn - tên anh tài xế người dân tộc Tày, chạy xe tư chuyên tuyến, đề nghị khi đến thị trấn Nguyên Bình, sẽ đưa chúng tôi về nhà anh nghỉ ngơi, sau đó sẽ nghỉ chạy 1 chuyến, lấy xe khác chở chúng tôi đi đến tận khu rừng…

Chúng tôi được anh Tuấn đưa đi và sẵn sàng chờ hẳn nửa ngày để đưa về với một số tiền mà tôi nghĩ chỉ đủ đổ xăng xe. Những người dân tộc vùng cao vốn rất nhiệt tình, thật thà, dễ mến là vậy. Trên chuyến xe khi về lại TP.Cao Bằng, tôi còn có dịp trò chuyện với một cô giáo trẻ cũng là người dân tộc Tày, tên Huệ. Nhà Huệ ở thành phố nhưng lại đi dạy học ở tít trong bản sâu dưới huyện, mỗi tháng cô chỉ về thăm nhà đúng 1 lần. Khi biết chúng tôi là nhà báo phương xa đến, Huệ say sưa kể cho chúng tôi rất nhiều về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Cô bảo, nếu lần sau chúng tôi trở lại Cao Bằng hãy liên lạc, cô sẽ làm hướng dẫn viên cho chúng tôi trong tất cả các cuộc hành trình. Câu nói của Huệ thật sự làm ấm lòng những lữ khách đường xa như chúng tôi.

THÀNH SƠN